Ở Sài Gòn, Người Ta Thương Nhau Từ Phía Sau Vai

Ở Sài Gòn được hơn một năm, đi qua không biết bao nhiêu góc đường, ngã tư có, ngã sáu ngã bảy cũng có… và chạm mặt không biết bao nhiêu con người tha phương tứ xứ đến đây lập nghiệp, mang trong mình ước mơ “đổi đời” nơi miền đất hứa. Chợt lướt lại một vòng kí ức, gặp nhiều người thế đấy, nhưng giờ lỡ may (hoặc xui xẻo) có gặp lại chắc cũng chẳng nhớ họ là ai. Có người bảo rằng, muốn nhớ một ai đó, hãy nhìn họ từ phía sau vai, lắng nghe câu chuyện và lưu giữ những điều dung dị ấy vào trong tâm trí. Chỉ những điều đơn giản thế thôi cũng sẽ khiến Sài Gòn thu bé lại, gần gũi đến lạ.

Sài Gòn, thật ra nhỏ lắm, đôi lúc chỉ gói gọn trong một khu phố nghèo, một con hẻm nhỏ, một cung đường quen thuộc từ trường đến nhà và ngược lại. “Ở tại Sài Gòn, mỗi lần bước ra đường, chỉ toàn thấy những người-Sài-Gòn-khác từ phía sau lưng. Dù không thấy mặt họ, nhưng họ đều mang đến những nguồn cảm hứng bất tận…”.

Có đôi khi, vừa mới thức dậy, mở tung cửa sổ ra là hình ảnh cô bán trái cây đang đẩy chiếc xe hàng rong cồng kềnh, nhìn thương. Lưng áo cô rịn đầy mồ hôi, dù không thấy mặt, nhưng từng bước chân cô không hề mệt mỏi. Phải chăng người Sài Gòn, người ta vì mưu sinh mà quên đi cái mệt?

Bên kia đường, “ông chủ” của xe hủ tiếu lẫy lừng con hẻm, tay đang bưng hai tô hủ tiếu thơm lừng nghi ngút khói, hai chén nước mắm, một đĩa rau muống và bắp chuối và miệng hô to nước sôi, nước sôi để mọi người tránh ra vội một bên. Ken két tiếng chiếc xe đạp tróc sơn, khuất dần phía xa, hóa ra cái sơ mi đã bạc cũng gần mấy mươi năm thế mà ông chủ quán keo kiệt chẳng chịu thay.

Cũng có khi, chiều học về, chạy ngay phía sau một chú xe ôm, chú chở một bạn nữ, miệng luyên thuyên gì đó rất ly kỳ. Đến đoạn đèn đỏ, cũng nhiều chuyện mà hóng tai nghe, hoá ra chú cũng có một đứa con gái trạc tuổi cô bạn đằng sau xe, đang ở quê, “Chú tự hào con chú dữ lắm, biết nhà nghèo, nên nó không chỉ lo học mà còn phụ giúp má nó công việc nhà.”

Rồi có khi, kẹt xe, hình ảnh mấy chú cảnh sát điều phối giao thông cũng đáng yêu đến lạ. Chiếc áo vàng ướt đẫm mồ hôi, có phần đen sẫm đi vì bụi. Người ta cứ hay nghĩ rằng, khoác chiếc áo đó lên là trở thành những kẻ xấu, chuyên đi “ăn cướp ngày”. Những người nghĩ vậy, tự nhiên mong họ thấy được cảnh này, để thông cảm hơn, mỗi nghề một tính chất mà. Bởi Sài Gòn, người ta phóng khoáng lắm, chỉ cần hiểu nhau, họ sẽ đối tốt với nhau như những người thân thuộc.

Khuya về muộn, ập vào mắt là mấy cô lao công đang quét rác. Cũng một hai giờ khuya, nhưng đôi tay vẫn nhanh nhảu không hề mỏi mệt. Bình thường gặp thùng rác, bất giác lấy tay che lại vì mùi khó chịu thật chứ không nghĩ gì khác. Thấy hình ảnh ấy, tự nhiên thương họ dữ lắm, bởi vậy mấy lần sau, mỗi lần chạy ngang xe rác, thùng rác, chỉ tự nín thở chạy nhanh qua, không lấy tay che lại nữa. Một hành động khác đi thôi, cũng đủ làm người khác cảm thấy vui lòng mà, phải không?

Sài Gòn còn là những người-chở-Tết, người chở niềm vui. Mùa giáng sinh cận kề, thấy hình ảnh mấy anh thanh niên mặc chiếc áo ông già Noel, giao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lòng cảm thấy ấm áp đến lạ. Hình như, người Sài Gòn sẵn sàng bỏ một vài buổi tối đi chơi để đem đến những niềm vui lớn hơn cho những mảnh đời kém may mắn. Hay đó còn là cô chở hoa Tết, hình như trạc tuổi mẹ, chạy chiếc xe cũ kĩ. Mấy chậu hoa nặng dữ lắm, nhưng cô phải cầm chắc tay lái để giữ thăng bằng, không thôi mấy chậu hoa rớt xuống, chắc Tết này cô khỏi về quê luôn quá…

Có bao giờ, Sài Gòn đã từng là “miền đất hứa” trong bạn hay chưa? Tôi biết, bạn biết, đó chỉ là cái ước muốn “đã từng” của một đứa xa quê đặt chân lên nơi đây với nhiều hi vọng và cả ước mơ. Hãy kéo cảm xúc “đã từng” ấy về với bạn nơi mảnh đất Sài Gòn hiện tại này, lòng sẽ nhẹ tênh khi chợt thấy là ai đó đã để những bình nước trà đá miễn phí ngay ngã đường. Là quán cơm 2000 đồng cho người bán buôn nghèo khó có nơi lót dạ no lòng. Là những bạn trẻ tình nguyện sẵn sàng chung tay, chia sẻ những phần bánh mì, sữa nóng, dầu xanh,… cho những phận người cơ nhỡ, co ro bên hiên nhà người.

Sài Gòn tất bật lắm nên đôi khi chúng ta cũng phải hối hả hơn để nhịp chung ngần ấy bộn bề. Có lẽ người dân Sài thành cũng vì thế mà ít chạm mặt nhau hơn, ít dành cho nhau những nụ cười, những câu nói tuy dung dị mà thân thương đến lạ kỳ. Nhưng mà… ta vẫn có thể thương yêu nhau theo cách khác mà nhỉ? Ngắm nhìn những câu chuyện của nhau từ cái nhìn phía sau, tuy không thấy mặt, nhưng lòng chợt chững lại, thấy lòng xốn xang một chút gì rât khó tả, chắc là thương… Rồi chợt nhận ra, có một kiểu thương rất đậm chất “Sài Gòn” – thương nhau từ phía sau vai…

____

Một project của Saigon Emoji
Art Director: Maxk Nguyen
Illustrator Artist: Trần Hữu Danh, Hiia Huỳnh, Phong Vo
Animator: Tuanlinhtinh, Ghi Nguyễn, Hà Thanh Huy
Xem thêm tại: https://www.behance.net/gallery/46453885/Sai-Gon-sau-vai

Gya Rados
S Communications
www.UEHenter.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *