K40 đã chuẩn bị những gì cho kì thi kết thúc học phần sắp tới? Cùng đọc và “bỏ túi” thêm những chia sẻ về 3 môn: Xác suất thống kê, Kinh tế vi mô và Anh văn để đạt kết quả thật tốt nào!
Nhắc đến “Xác suất thống kê” là nghĩ tới…
Môn học với nhiều công thức khó nhớ và đồng thời là nỗi lo sợ của nhiều sinh viên. Vậy làm thế nào để vượt qua môn học này trong kì thi kết thúc học phần sắp tới?
Một phương pháp nghe có vẻ quen thuộc nhưng lại vô cùng hiệu quả dành cho môn “xác suất thống kê” nói riêng hay các môn tính toán khác nói chung đó là làm bài tập. Làm bài tập sẽ giúp việc ghi nhớ những công thức tưởng chừng phức tạp kia trở nên dễ dàng hơn. Và một điểm lưu ý khác đó là bên cạnh việc làm thật nhiều bài tập, chúng ta cần phải tự hệ thống, ghi chú lại các dạng bài tập có trong mỗi chương. Với cách học này, bạn sẽ không bỡ ngỡ khi gặp một số thay đổi trong đề thi.
Làm lại đề thi của các khóa trước cũng là một cách ôn tập hiệu quả. Đối với những bài tập tự luận, các bạn nên làm ra cụ thể để quen cách trình bày hợp lý, đầy đủ nhất. Tránh trường hợp đọc đề bài thấy đã hiểu và biết cách làm rồi bỏ qua. Đừng để những thiếu sót nhỏ khiến bạn mất đi số điểm tuyệt đối trong bài tập đó nhé!
Một điều đáng lưu ý hơn nữa chính là việc tính toán và ghi cẩn thận các con số trong bài thi. Bấm máy tính sai dẫn đến kết quả sai, bấm máy tính đúng mà ghi sai kết quả,… chắc hẳn không ai muốn mắc phải những sai sót đáng tiếc này.
Đến với “Kinh tế vi mô”, nội dung đề thi gồm những gì?
Câu trả lời là tất cả những kiến thức đã được học đều có thể xuất hiện trong đề thi. Để chọn đáp án chính xác, cần phải ôn tập theo cách hiểu bài chứ không phải là học thuộc. Những câu hỏi mang tính học thuộc lý thuyết sẽ rất ít và thậm chí có thể không xuất hiện trong đề thi.
Khi đã hiểu bài, các bạn có thể kẻ bảng so sánh để tránh nhầm lẫn (chẳng hạn như đường ngân sách, đường bàng quan…) hoặc chỉ ra mối liên hệ giữa các phần học. Chính cách thức đó sẽ giúp bạn hiểu bài và lượng lý thuyết phải ghi nhớ sẽ giảm xuống.
Và một phần không thể bỏ qua đó chính là bài tập. Vì đề thi là trắc nghiệm hoàn toàn nên cần chú ý đến những dạng bài tập cơ bản. Một sai lầm nhiều bạn gặp phải đó là chỉ chú trọng đến phần bài tập. Thông thường, những câu hỏi về bài tập sẽ ít hơn những câu hỏi liên quan đến hiểu lý thuyết. Dành nhiều thời gian chỉ để ôn lý thuyết và làm bài tập không phải là chiến lược hoàn hảo cho môn này.
Còn “Anh văn” thì sao?
Từ vựng là yếu tố cốt lõi. Nếu không biết nghĩa của từ, bạn sẽ gặp khó khăn trong chọn đáp án trắc nghiệm, phần đọc hiểu. Chỉ biết cách đọc thôi chưa đủ, bởi nếu chỉ nghe được mà không viết đúng thì cũng không ghi được điểm ở phần thi “Listening”. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu học từ vựng ngay từ bây giờ? Đây là việc lẽ ra bạn nên thực hiện mỗi ngày.
Thời gian dành cho phần thi viết (trắc nghiệm và tự luận) trôi qua rất nhanh. Vì vậy, ngay sau khi nhận được đề thi, các bạn phải hết sức tập trung. Câu nào chưa biết đáp án, có thể tạm để đó và chuyển sang câu khác ngay. Tránh để “thời gian chết”!
Một lưu ý cho các bạn K40 lần đầu thi “Anh Văn” ở trường đó là sau 2 lần nghe, sẽ có một đoạn nhạc phát lên và kết thúc đoạn nhạc ấy là phải nộp bài ngay. Vì vậy, trong quá trình nghe (lần 1 và lần 2), nếu biết chính xác từ còn thiếu là gì, các bạn nên điền ngay vào bài thi. Nếu có ghi đáp án vào giấy nháp để tránh gạch xóa trong bài thi, cần chú ý thứ tự của từ còn thiếu mà bạn đã nghe được để điền vào đúng vị trí. Tránh để mất điểm một cách đáng tiếc.
Và quan trọng hơn hết, chú ý giữ gìn sức khỏe, tinh thần thoải mái trước và trong kì thi cũng là yếu tố tạo nên kết quả thi tốt các bạn nhé!
Luhana
S Communications
www.UEHenter.com