Những mùa xuân năm ấy, những mùa xuân không bao giờ xóa nhòa.
Đông đã qua nhường cho một mùa xuân yêu thương ấm áp nữa lại đến. Xuân thật đẹp. Xuân đến bên những mâm cơm đêm ba mươi gia đình sum họp. Xuân đến bên ta trong những sáng tinh mơ hoa mai chen nhau đua sắc thắm. Một không khí thật vui tươi và trìu mến.
Nhưng, với tôi xuân năm nay cũng như những mùa xuân năm trước dường như đã thiếu đi một thứ rất quan trọng – bà cố tôi. Đối với tôi niềm vui cùng với sự ấm áp là những ngày xuân có bà bên cạnh. Tôi vẫn nhớ những mùa xuân có bà ở bên không khí gia đình không bao giờ thiếu vắng tiếng cười. Nhớ những đêm ba mươi ông bà ngoại cùng cố rót từng ly trà, bày từng dĩa bánh mứt để cúng ông bà, rồi được nghe kể chuyện ngày xưa khi gia đình còn gian khổ – những ngày Tết cơ cực bộn bề. Cuộc sống lúc trước ông bà cha mẹ đã trải qua tôi nào đâu thấu được, chỉ được nghe và tự mường tượng trong trí óc. Với một đứa nhóc trong độ tuổi của tôi bấy giờ chắc hẳn vẫn còn ngô nghê chưa hiểu chuyện. Dường như chiến tranh đã xóa đi những mùa Tết yêu thương mà đáng lẽ ông bà tôi khi xưa phải được trải qua trong cuộc đời. Chẳng bù lại cho tôi bây giờ, cha mẹ ông bà luôn cho tôi cuộc sống đủ đầy nhất, những cái Tết hạnh phúc nhất. Những câu chuyện ngày xưa ấy khép lại trong tôi bằng một giấc ngủ trong niềm nôn nao ngày mới.
Mùng một Tết luôn là ngày tôi mong chờ nhất, gia đình tụ họp, con cháu sum vầy. Ngày mùng một, anh em tôi dậy rất sớm, diện ngay những bộ đồ Tết thật đẹp rồi hối thúc ba mẹ để được đưa sang nhà bà. Tôi vẫn nhớ hình ảnh, người bà tôi kính yêu mái tóc bạc phơ vì nhọc nhằn vận trên người chiếc áo bà ba và cái quần sa tanh tiệp màu. Bà vẫn vậy, miệng luôn niềm nở nụ cười, tựa mình ngồi trên chiếc ghế sô-pha trước phòng khách nhìn ra cổng nhà chờ đợi từng đứa cháu bé bỏng của mình sắp đến. Cái cảm giác vọt nhanh xuống xe ba mẹ để chạy nhanh đến với vòng tay của bà luôn luôn ấm áp và yên bình. Từ rất sớm, không khí trong nhà đã nhộn nhịp hơn, rôm rả tiếng cười của các cậu mợ và anh chị… những đứa em tôi thì chạy nhảy khắp sân nhà với niềm vui năm mới. Rồi lần lượt từng người con và ông ngoại tôi chúc Tết cho bà mong sau bà luôn khỏe mạnh và hạnh phúc bên con cháu. Tụi em tôi thì cứ xếp một hàng thật dài để được tới phiên chúc Tết bà và tất nhiên còn là để được tặng bao lì xì. Những tiếng cười giòn tan liên tục phá lên khi anh em chúng tôi có một câu chúc thật độc và lạ. Ngày đầu năm của tôi thật ý nghĩa khi gia đình được quây quần bên nhau cùng bánh mứt, trò chuyện vui vẻ, lũ em nhỏ thì chơi đùa đến ướt hết cả mồ hôi. Nhớ, buổi trưa đó là bữa cơm gia đình đông đủ nhất, vui vẻ nhất. Nào là bàn của các ông, bàn các bà, và tất nhiên là bàn cho tụi nhỏ như anh em chúng tôi. Đó quả là những giây phút thật ấm áp bên nhau của gia đình tôi tại nhà của bà. Cùng bà ăn bánh mứt, nghe bà kể chuyện ngày xưa và cùng bà ngồi xem tivi… Với tôi và gia đình khi có bà cạnh bên thì mọi thứ dù đơn giản đến đâu cũng là quá đầy đủ.
Nhưng cây, dù có tươi tốt đến mấy, thì cũng có một ngày phải héo tàn và bà tôi cũng vậy. Ngày Tết năm ấy có lẽ tôi không bao giờ quên được – cái năm tôi chỉ mới là một cậu bé mười ba tuổi. Một mùa xuân nhớ mãi không quên. Một năm không ồn ào, náo nhiệt như mọi năm. Năm mà gia đình tôi trân trọng hơn cả. Năm đó, đêm ba mươi chỉ có ông bà ngoại chăm chút cho bữa cúng tất niên. Sáng mùng một tôi không còn thấy bà bên chiếc ghê sô-pha nữa, bà chỉ còn biết làm bạn với chiếc giường trong gian phòng. Bà bệnh, bệnh nhiều lắm. Một mùa xuân mà với tôi dường như nỗi sợ cứ đeo bám. Tôi sợ tiếng thở dài của mẹ, sợ cái im lặng của mọi người đứng nép bên bức màn cửa nhìn dõi theo giấc ngủ của bà, sợ cảm giác nặng nề của gia đình trong những ngày Tết. Và dĩ nhiên tôi lo sợ về một ngày bà không còn bên tôi nữa. Cái náo nhiệt, những tiếng cười đùa dường như đã nhường chỗ cho những cái ôm, cái siết tay thật chặt. Một ngày đầu năm ấm cúng bên gian phòng bà. Năm ấy gia đình tôi có người dì ở nước ngoài về. Dường như đó là sức mạnh để bà chống chọi với bệnh tật – sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng. Có lẽ, đó là mùa xuân bà vui nhất, mùa xuân con cháu đông đủ nhất, một mùa xuân của tình yêu gia đình.
Thời gian không bao giờ chờ đợi ai. Rồi ngày bà xa tôi cũng đến. Bà đi một cách nhẹ nhàng như tình yêu mà bà luôn dành cho anh em chúng tôi vậy. Mùa xuân năm đó qua đi với những giọt nước chia xa, giọt nước mặn yêu thương, những cơn nức nở tiếc nuối, những tiếng nghẹn ngào của người thân trong gia đình mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ thấy được. Mất bà là một nỗi buồn to lớn. Sự ra đi của bà là một sự giải thoát khỏi nỗi dày vò của bệnh tật, những cơn đau không ai muốn nếm trải. Đó là một cái kết có lẽ đủ viên mãn cho người phụ nữ hết đời vì con vì cháu như bà.
“ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày”
Đời người đúng thật là ngắn ngủi. Nỗi buồn sẽ qua nhưng nỗi nhớ luôn ngự trị. Hình ảnh bà như vẫn có đó. Tôi vẫn nhớ món cơm cháy nước tương mà trời vừa hừng sáng bà đã dậy để làm rồi đợi tôi thức dậy hai bà cháu cùng ngồi ăn. Tôi vẫn nhớ từng gói bắp hầm bà ngồi chờ trước nhà từ sớm để mua cho anh em chúng tôi kịp đem đi học. Nhớ được bàn tay ấm áp của bà chườm khăn, được bà nằm cạnh chăm lo từng chút mỗi khi tôi bệnh. Nhớ mãi những điều bà khuyên dạy tôi thành người. Dường như cuộc sống tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh của bà. Để rồi mỗi khi nhớ lại tôi cứ ngỡ ngày tôi xa bà chỉ mới đây thôi.
Ấy vậy mà đã hơn năm năm từ ngày tôi phải xa bà. Mỗi mùa Tết sang trong tôi luôn còn những hoài niệm, tôi nhớ những mùa Tết cũ. Thiếu đi hình dáng của bà, cái Tết gia đình không còn đủ đầy như trước nữa. Thiếu vắng bà, cái tết với tôi dường như nhạt đi hẳn. Không còn là những đêm ba mươi nghe bà kể chuyện, ông bà ngoại cũng cúng tất niên sớm hơn không chờ đợi gì. Ngày mùng một Tết đã vơi hẳn đi tiếng cười. Các dì, các cậu cũng đến nhà trễ hơn hay ghé qua thắp cho bà một nén nhang rồi cũng lặng lẽ về. Không còn là những bữa cơm đông đủ nhiều bàn nữa. Đêm mùng một thiếu bà cuộc vui hình như cũng mau tàn hơn trước. Ước mơ về một cái Tết năm xưa với tôi hình như quá là xa xỉ. Không phải là vì khi có bà gia đình mới ngồi lại bên nhau mà đơn giản là chỉ là khi có bà bên cạnh gia đình tôi mới cảm nhận được hết sự ấm áp của một đại gia đình.
“Lặng lẽ mùa xuân như câu hát bắt đầu
Từ giây phút giao thừa thì thầm bao ước ao.”
“Xuân đến khắp mọi nhà
Hát mừng bao tin lạ
Mùa xuân mùa yêu thương
Tình xuân tình quê hương.”
Những giai điệu xuân âm vang bên tai, dòng người bắt đầu vội vã hơn, nhộn nhịp hơn để chuẩn bị cho một mùa xuân mới, một hành trình mới với những khát khao mới. Cảm giác nôn nao, bồi hồi xao xuyến mỗi khi xuân về luôn là cảm giác tôi thấy bản thân yêu gia đình hơn cả. Mùa xuân bên gia đình là tất cả những gì tôi muốn có. Xuân đến mang nhiều hi vọng mới, niềm vui mới, những trải nghiệm mới. Xuân mang cho ta những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời và còn mang theo những hoài niệm cũ không thể nào quên. Cuộc sống này có bao nhiêu cảnh đời mà ta không ngờ tới được. Với họ mùa xuân chỉ đơn thuần là một ngày đẹp trời hơn mọi ngày thậm chí chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Có khi mùa xuân chỉ đến bên họ âm thầm lặng lẽ và qua đi chớp nhoáng. Xuân đến với muôn màu và hương vị của cuộc sống. Màu hồng cho yêu thương hay chỉ là một màu đen xám cho những cảnh người cơ cực. Ngọt ngào của hạnh phúc hay chỉ là vị mặn của những nỗi niềm. Xuân để lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm đi mãi theo tâm trí để khi ta thả mình theo những ký ức đó ta lại thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Xuân làm ta yêu thêm cuộc sống này, làm ta yêu thêm quê hương và dòng người quanh ta. Xuân thật lạ khi dường như chỉ dành riêng cho mỗi con người và tôi biết ai cũng có những mùa xuân cho riêng mình.
Hoàng Duy
S Communications
UEHenter.com