Nếu như cách đây tầm 5, 6 năm bánh trung thu còn là mặt hàng khá đắt đỏ chỉ dành cho việc tặng hay biếu nhau một cách trịnh trọng thì bây giờ việc có một hộp bánh trung thu đối với đa số chúng ta đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Thời đại thương mại cũng là lúc những người kinh doanh “suy nghĩ kĩ” hơn về cách bán hàng của mình. Chẳng thế mà hiện nay bánh trung thu được bày bán trước gần 2 tháng tại các quầy hàng, siêu thị. Bánh đủ các loại từ đậu xanh, hạt sen cho người ăn chay đến trứng vịt, trứng cút cho người ăn mặn… Có thể nói chưa bao giờ người mua lại có nhiều lựa chọn cho khẩu vị và mức giá đến thế.
Các doanh nghiệp hy vọng việc bán hàng sớm như vậy có thể tối đa hóa lợi nhuận dựa vào doanh số bán hàng. Mặt khác, họ mong muốn thương hiệu của mình định vị lâu hơn trong lòng khách hàng vì đã đoán biêt và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị hiếu.
Tuy nhiên một hiện trạng đã xảy ra trước dịp tết trung thu những năm gần đây và khiến không ít nhà kinh doanh mếu mặt đó là lượng khách hàng không nhiều nếu không muốn nói là quá ít so với dự tính. Chính điều này đã buộc các doanh nghiệp hạ giá thành của sản phẩm, tung ra các chiêu thức khuyến mãi như mua 2 tặng 1 hay thậm chí tính chi li rằng mua 3 tặng 2.
Vậy câu hỏi đặt ra lượng khách hàng đó đã “thất thoát” đi đâu?
Quay trở lại với các bạn sinh viên, đặc biệt là những bạn đang học tập trong khối ngành kinh tế. Có thể nói những sinh viên này là những người tiếp cận với các khái niệm của kinh tế học nhiều nhất. Các định nghĩa cung, cầu hay các cơ chế cân bằng thị trường là những điều mà bất cứ sinh viên nào đã từng học qua môn kinh tế vi mô đều nắm rõ.
Họ biết rằng khi lượng cung tăng lên trong khi lượng cầu không đổi thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng thừa hàng. Tới lúc ấy, như một điều tất yếu, người bán sẽ “cắn răng, bấm bụng” mà giảm giá hòng mong hòa vốn trước khi hàng trở nên hỏng hóc, hết hạn. Và như tính toán của mình, những người mua hàng sẽ mua được hàng giá rẻ.
Mỗi năm có chừng 184 300 sinh viên mới theo học khối ngành kinh tế. Nếu chỉ lấy 1/3 con số này, tức là 61 433 sinh viên, sau khi nghe giảng và quyết định “áp dụng” những gì đã học thì câu trả lời cho việc “thất thoát” lượng khách hàng của các doanh nghiệp kinh doanh bánh trung thu đã rõ. 61 433 khách hàng không phải là con số quá lớn đối với một ngành kinh tế. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng con số này không tăng theo cấp số cộng mà là theo cấp số nhân. Đó là chưa kể ngành kinh tế vẫn là ngành chiếm được nhiều “cảm tình” của đông đảo bạn trẻ.
Nhân đây lại nhớ về câu chuyện sự tích “Bánh chưng, bánh dày”. Những loại bánh này trở nên đáng quý vì nó được sáng tạo ra đúng lúc (nhân dịp bày cỗ) và nó là duy nhất (trước nó chưa có loại bánh nào như vậy). Thế thì tại sao các doanh nghiệp không làm cho bánh do mình sản xuất trở nên có giá trị hơn? Thay vì chạy theo số lượng hay tung hàng quá sớm đã đến lúc những nhà sản xuất lưu tâm đến chất lượng của sản phẩm mình làm ra.
Đến bây giờ không ít bạn trẻ vẫn tự hỏi rằng đâu rồi cái thời ngồi ngóng bánh trung thu của ba mẹ mua vào những ngày cận kề tết. Bánh ngon khi được thưởng thức đúng dịp và với đúng người. Những chiếc bánh bán sớm tràn lan như bây giờ bỗng chốc làm người viết nhớ cái bánh trung thu ngày rằm!!!
Cẩm Vân
S Communications
www.uehenter.com