Yêu từ những điều giản đơn…
Cũng như bao chiến sĩ khác, tôi đến với Bù Đốp không gì ngoài khát khao trải nghiệm và sự tò mò như đứa trẻ chuẩn bị bước vào thế giới nhiệm màu.
Những ngày đầu đến với Bù Đốp là cảm giác hoa mắt và ngộp thở, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngộp thở với không khí oi bức và nóng kinh người của vùng biên giới với những cơn gió Tây Nam. Rồi lại hoa mắt trước những cánh rừng cao su trên đất đỏ ngút tầm mắt như sắp chạm đến đường chân trời. Sài Gòn và Bù Đốp khác nhau quá chừng, khi mà…
Ở Sài Gòn, sáng sớm là những tiếng còi xe, tiếng bán buôn hỗn độn chen chúc nhau nhức cả tai.
Còn Bù Đốp, sáng sớm là tiếng gà gáy văng vẳng từ xa, tiếng lũ trẻ lùa dê ngoài đồng.
Ở Sài Gòn, mỗi tối là ánh điện từ các tòa cao ốc, sáng và cao đến nỗi ánh sao cũng nhạt nhòa với chúng.
Còn Bù Đốp, mỗi tối lại thấy ánh trăng sáng vằng vặc treo trên ngọn tre, thanh bình và yên ả lạ kỳ.
Một ngày, hai ngày… Một tuần, hai tuần… Tôi nhận ra trong tôi, Sài Gòn bỗng dưng trở nên thật xa lạ như một người bạn lâu năm chẳng gặp gỡ, cứ nhạt dần, che lấp dần theo tiếng cười bọn trẻ con ở đây…
Mà nào đâu đã hết, nơi đây còn chứng kiến biết bao kỉ niệm đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên. Một ngày bình thường của chúng tôi bắt đầu vào lúc 5h sáng, lúc mà mặt trời chỉ mới vừa đủng đỉnh ló dạng qua những rặng tre trước nhà. Sau khi cả nhà đã dậy, không ai bảo ai mà tự giác 2 người dọn nhà cửa, 2 người giặt đồ, 2 người đi chợ nấu ăn, 2 người rửa chén và 2 người đi phát thanh thông báo cho bà con biết những công việc đội hình sẽ làm trong ngày hôm ấy. Loay hoay một lúc rồi cả nhà cùng quây quần bên nhau với bài ca ăn cơm quen thuộc: “Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi, mời anh xơi, mời chị xơi, giơ cái đũa lên cao nào, giơ cái chén lên cao nào, ta cùng xơi, ta cùng xơi. Mời cả nhà ăn cơm!”
Chẳng bàn, chẳng ghế, chỉ là một tấm bạt được trải trên khoảng sân đất ở trước nhà. Vì thế mà có những chuyện dở khóc dở cười bởi màn “hỏi thăm” của mấy vị khách không mời mà đến. Khi thì mấy chú chó mon men đến chực chờ được ăn, lúc lại có mấy chú cuốn chiếu làm nhiều phen cả nhà hét toáng suýt ném cả chén, đôi khi lại là mấy chú sâu hay bọ đáp thẳng vào nồi canh… Rồi thì ai thấy cứ lẳng lặng gắp ra, mặc cho những đứa còn lại vẫn hì hục ăn một cách ngon lành.
Chẳng cao lương mỹ vị, chỉ là vài miếng rau, đôi bữa chỉ có nước mắm dằm trứng nhưng sao tôi thấy ngon lạ lùng. Nhất là những ngày được mấy cô mấy bác dúi cho bó rau, dăm ba lạng thịt thì bữa cơm ấy lại ngon hơn gấp bội. Vì điều chúng tôi cảm nhận được không còn nằm ở vị giác nữa mà là cái chân tình chất chứa trong từng bát cơm. Cái không khí thân tình ấm áp ấy chắc chỉ có được ở mùa hè xanh.
Mà nào đâu chỉ thế thôi, tôi yêu con người nơi đây biết bao!
Các em nhỏ tôi dạy học ấy, chúng là nguồn động viên, cũng là động lực cho chúng tôi cống hiến hết sức mình. Tôi không thể nào quên được ánh mắt sáng rực của các em, vẫy tay đằng xa khi bắt gặp màu áo xanh tình nguyện thân thuộc trên mọi nẻo đường. Tôi cũng không quên tiếng cười giòn rã , những cái ôm vồ về khi các em thấy chúng tôi đang dọn cỏ ở sân bóng của xã giữa trời nắng gắt. Và hạnh phúc vỡ òa đến khi các em nói rằng: “Sau này em lớn lên cũng sẽ đi tình nguyện như mấy anh chị, em hứa á”, “Các anh chị ở đây với tụi em luôn đi, đừng về thành phố nữa”, …
… một cái gì đó, giống như là thương
Người ta bảo rằng, yêu là cảm giác khao khát đầy cuồng nhiệt để đến với nhau. Còn thương? Chúng không cuồng nhiệt nữa, không quay quắt nữa, mà gắn bó và thân thuộc như một phần của chính mình. Chưa bao giờ như lúc này, tôi thấm thía điều đó rõ ràng đến thế.
Trước đó, Bù Đốp đối với chúng tôi chỉ là một cái tên xa lạ trên bản đồ Việt Nam. Nhưng giờ đây, nó không chỉ hữu thanh mà còn hữu hình trong trái tim mỗi người. 25 ngày, ngỡ nhiều mà hóa ra ngắn ngủi vô cùng. Vừa chớp mắt mà đã nửa quãng thời gian trôi qua mất rồi!
Ừ thì, dù nhanh hay chậm rồi tôi cũng rời xa nơi đây. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi sẽ quên tình cảm những cô chú địa phương chân tình, những đứa trẻ ngây ngô, những ngày cùng nhau cống hiến đầy nhiệt huyết và trân trọng như thế. Tôi đi, rồi tôi sẽ trở lại. Hứa đấy…
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…”
Mỹ Huyền – Chiến sĩ thông tin xã Tân Tiến
S Communications
www.UEHenter.com