Cân đo đong đếm khả năng vô địch EURO của các ”ông lớn”

Trước mỗi giải đấu, người ta lại định hình trong đầu những ứng cử viên cho chức vô địch. Và vòng chung kết Euro năm nay cũng không ngoại lệ. Cùng với UEHenter điểm qua một số ứng cử viên như vậy trong bài viết này bạn nhé:
  1. Tây Ban Nha:
Không phải ngẫu nhiên mà Tây Ban Nha được xếp đầu danh sách này. Nắm trong tay chức vô địch Euro và Worldcup vào hiện tại là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển vượt bậc của nền bóng đá nước này. Khi nhìn vào cách đội tuyển Tây Ban Nha đăng quang trên đỉnh châu lục và thế giới, người xem lại thấy sự lên ngôi của lối bóng đá mềm mại, linh hoạt nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Nhưng đó là những gì đội tuyển đã đạt được. Thực tế cho thấy, trong lịch sử các kì Euro, chưa từng có bất kì đội bóng nào bảo vệ thành công ngôi vô địch. Hơn nữa, nếu theo dõi Barcalona, câu lạc bộ có nhiều cầu thủ trong đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha, thi đấu trong các giải đấu gần đây thì ít nhiều người xem đã thấy sự chững lại của một lối chơi hoa mỹ. Phải chăng lối chơi đó đã bị các cầu thủ đội bạn bắt bài hay chăng đấy là sự đi xuống tất yếu của một thời kì đỉnh cao? Hãy để tháng 6 này trả lời giúp bạn.
  1. Đức:
Là một trong hai đội góp mặt trong trận chung kết Euro năm 2008, Đức xứng đáng là một trong các ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch năm nay. Được đánh giá là đội tuyển sở hữu đội hình đồng đều nhất vòng chung kết cộng với việc thay đổi cách chơi trong 5 năm trở lại đây ắt hẳn các cổ động viên đội tuyển Đức có quyền hy vọng đến chiếc cúp vô địch. Nói đi cũng phải nói lại, nhìn cách mở màn Euro năm nay trong trận đấu với Bồ Đào Nha, người ta lại đánh một dấu hỏi lớn tỏ ý nghi ngờ khả năng thực sự của “cổ xe tăng”. Những pha tấn công giản đơn, mờ nhạt từ cánh phải do Muller kiến tạo, những pha phối hợp trung lộ lỏng lẻo hay sự cố gắng tham gia tấn công của đội trưởng Phillip Lahm chắc chắn là chưa đủ để khai thông thế bế tắc cho Đức. Nếu muốn tiến xa hơn nữa vào vòng trong, mà mục tiêu là chức vô địch thì ắt hẳn một điều Joechim Loew cần có những điều chỉnh cụ thể hơn nữa, các pha tấn công cần đa dạng hơn. Những cổ động viên trung thành của Đức cho rằng trận thắng nhọc nhằn 1-0 trước Bồ đào Nha là cách Đức, vốn nổi tiếng là đội tuyển sử dụng công nghệ phân tích số liệu và tâm lý, “giữ kẻ” để tiến xa hơn. Điều đó đúng hay sai thì chỉ có thời gian mới minh chứng được.
  1. Anh:
Đến Ba Lan với đội hình chắp vá do đa số cầu thủ trụ cột bị dính chấn thương sau thời gian thi đấu cho các câu lạc bộ, đội tuyển Anh khiến người dân xứ sương mù không khỏi lo ngại. Nếu xét về độ nổi tiếng của hàng cầu thủ thì có lẽ Anh đương nhiên đứng vị trí số một. Tuy nhiên bóng đá lại có luật riêng của nó. Có thể giải đấu quốc nội của nước Anh được theo dõi nhiều nhất hành tinh, có thể Anh là cái nôi của môn thể thao vua, có thể Anh sở hữu những cầu thủ đắt giá nhất trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng chừng đó cũng chưa đủ làm ban huấn luyện đội tuyển Anh yên tâm. Muốn vô địch, bản thân các cầu thủ Anh trước hết cần hiểu lối chơi của nhau, cần sự toả sáng đúng lúc của một ngôi sao chứ không phải là sự rời rạc mà đội tuyển phô diễn trong những vòng đấu gần đây.
  1. Italia:
Nhắc đến Italia, người ta nghĩ ngay đến hàng phòng ngự vững chãi với sự trấn giữ khung thành xuất sắc của thủ thành Buffon. Nhưng đó là những gì của 6,7 năm về trước, khi mà sự việc cá độ chấn động nền bóng đá quốc gia này vừa bị vỡ lỡ. Không thiên về tấn công ào ạt nhằm áp đảo đối phương nhưng Italia lại có cách riêng của họ để khuất phục đội bạn. Điểm mạnh của đội bóng này là khả năng chớp thời cơ mà cụ thể là tận dụng những cơ hội từ những tình huống cố định. Những quả phạt góc hiểm hóc của Italia luôn là bài toán nan giải của các đội bóng khác. Chính vì điều này, muốn thắng Italia buộc các hậu vệ của các đội bóng phải hạn chế những pha bóng rắn dẫn đến đá phạt ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, điểm yếu của Italia thì quá rõ ràng. Sức trẻ dường như là điều mà đội bóng này hiện đang khao khát. Những cầu thủ trụ cột của họ hầu như đã quá nặng nề trong các bước di chuyển trong khi những cầu thủ đóng vai trò là người kế vị thì lại ít kĩ thuật trong các pha đi bóng. Có lẽ với người Ý, họ đang cố gắng chứng minh một điều “gừng càng già càng cay”.
  1. Pháp:
Cũng được giới bóng đá xếp vào danh sách ứng cử viên cho chức vô địch nhưng chính huấn luyện viên của Pháp lại tự nhận họ là đội “cửa dưới” trong chặng đua khốc liệt mùa hè này. Điều đó phần nào cho thấy tình hình của đội tuyển Pháp hiện tại. Người Pháp hẳn còn nhớ những vinh quang trong lịch sử  Worldcup nhưng hiện tại nhắc họ rằng họ không được quên sự ra đi đầy tiếc nuối của những Zidane, Thierry Henry…hay lần gần đây nhất là sự lận đận để có một chiếc vé tham dự Worldcup năm 2010. Hiện tại Pháp chưa xuất quân nhưng xét trên tổng thể, người ta có căn cứ để tin rằng những chú gà trống Galoa có thể làm nên chuyện tại Euro năm nay. Hãy chờ đợi màn ra mắt của Pháp nhé.
  1. Hà Lan:
Chỉ đến khi cái tên Hà Lan xuất hiện trong trận chung kết Worldcup năm 2010, người ta mới thực sự  bị bất ngờ và nhận ra Hà Lan cũng là một đối thủ đáng gờm. Cái cách mà nhưng cơn lốc càn quét trên phần sân đối phương ở Euro 2008 hay cách họ lầm lũi tiến vào chung kết ở Worldcup 2010 đều đáng khâm phục. Không có giải đấu trong nước nổi tiếng và hấp dẫn như Anh, Đức, Ý hay Tây Ban Nha nhưng Hà Lan là một trong các đội bóng có cầu thủ thi đấu cho các giải đấu đó nhiều nhất. Robben, Sneijder, Van Persie… đều là những cái tên mà các hậu vệ cần quan tâm. Hơn nữa, Hà Lan là đội bóng sẵn sàng lăn xả khi cần thiết. Tiền đạo của họ biết cách luồn lách trong khi dàn hậu vệ Hà Lan lại sẵn sàng trả giá bằng một thẻ phạt nếu ngăn cản thành công cú lên bóng của đối thủ. Quả không ngoa khi nói Hà Lan là đại diện của lối chơi thực dụng nhưng hiệu quả. Và chính điều này đôi lúc làm khán giả không thực sự hài lòng lắm với chiến thắng của “Cơn lốc màu da cam”.
  1. Bồ Đào Nha:
Nhắc đến đội bóng áo màu bã trầu này người ta nghĩ ngay đến cầu thủ đắt giá nhất hành tinh vào thời điểm hiện tại là Ronaldo. Không ai có thể phủ nhận những pha đi bóng uyển chuyển, đậm chất nghệ sĩ của cầu thủ này. Và anh cũng là người có công đầu trong việc đưa Bồ Đào Nha góp mặt vào Euro năm nay khi thi đấu đầy cống hiến ở vòng loại. Tuy nhiên, người hâm mộ đội bóng này không muốn nghĩ đến việc một ngày mà Ronaldo không tham gia thi đấu nữa vì những lý do ngoài ý muốn. Hai điều kiện cần cho nhà vô địch thì Bồ Đào Nha đã có được một đó là một ngôi sao nổi trội hơn những cầu thủ còn lại. Nhưng điều kiện thứ hai, điều kiện quan trọng hơn là đội hình ổn định, đồng đều thì đội bóng này hầu như chưa đạt được. Được xếp vào bảng B, bảng tử thần, cùng với Đức, Hà Lan và Đan Mạch buộc Bồ Đào Nha cẩn thận ngay từ vòng bảng. Và thực tế đã cho thấy, họ đã làm hết mức có thể. Có lẽ nếu không bị thần may mắn ngoảnh mặt làm ngơ thì Bồ Đào Nha xứng đáng nhận được 1 điểm hay thậm chí 3 điểm trong trận ra quân.
7 đội bóng trên là những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Tuy nhiên, trong bóng đá không điều gì có thể nói trước được. Cũng giống như cách Hy Lạp viết nên câu chuyện thần thoại của chính họ trong Euro năm 2004, có thể những bất ngờ sẽ xuất hiện trong những ngày thi đấu đến. Và chính những bất ngờ đó sẽ làm cho những giây phút thi đấu, những khoảnh khắc đăng quang đi vào lịch sử với sự  ngọt ngào xen lẫn cay đắng đầy quyến rũ. Cùng chờ đón  những trận cầu nảy lửa với UEHenter nhé.
                                                                                                      Cẩm Vân