Câu Chuyện PR – Hạt Nhân Sự Kết Nối

Có người ví PR là nghệ thuật kể chuyện. Và câu chuyện PR là hạt nhân của mọi chiến dịch PR. Một câu chuyện PR hay và ý nghĩa, sẽ thu hút sự chú ý của công chúng mục tiêu. Làm sao để xây dựng một câu chuyện PR trở thành hạt nhân thật sự – tạo ra năng lượng mạnh mẽ, có sức hút đặc biệt và tạo được sự công hưởng cao giữa câu chuyện PR với công chúng mục tiêu – là vấn đề không hề dễ dàng gì của người làm PR chuyên nghiệp.

Những tư liệu ngắn được sử dụng để lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông và công chúng mục tiêu đối với một sự kiện hay một vấn đề nào đó trong doanh nghiệp của bạn đó chính là câu chuyện PR. Nhiều người vẫn lầm tưởng nó chỉ là thông cáo báo chí, đúng là như vậy nhưng chưa đủ. Câu chuyện PR có thể nằm trong thông cáo báo chí, nhưng hai khái niệm này không phải là một.

Hẳn là lúc này, bạn muốn biết, làm thế nào để tạo được câu chuyện PR đủ sức hấp dẫn? Ngay bây giờ, bạn hãy cùng MarPro khám phá nhé:

Bước 1: Xác định mục tiêu PR

Bước này đã được xác định trong kế hoạch PR nhưng ở đây, làm rõ mục tiêu của bạn trong câu chuyện PR sẽ giúp bạn dễ định hướng hơn, và quan trọng nữa là giúp câu chuyện của bạn không tách rời khỏi chiến dịch PR.

Bước 2: Sáng tạo ý tưởng

Tìm đâu ra ý tưởng cho câu chuyện PR, đây chính là một điểm mà người làm PR phải sáng tạo, không nên bắt chước những câu chuyện của người khác. Tùy thuộc vào ngành hàng, sản phẩm, chúng ta có cách tiếp cận khác nhau. Đơn cử những ngành đặc thù như rượu bia, thuốc lá thì không thể chọn mô típ “hướng về cộng đồng” cho câu chuyện của họ được. Một gợi ý cho bạn là nếu sản phẩm, dịch vụ của bạn liên quan đến đặc điểm, tính cách nào đó của công chúng mà những đặc điểm, tính cách này lâu nay bị công chúng bỏ quên hoặc không được đánh giá cao, bạn nên tận dụng khai thác khía cạnh này. Luôn nhớ: sáng tạo dựa trên những gì chúng ta biết được từ việc nghiên cứu công chúng mục tiêu.

Bước 3: “Viết” câu chuyện PR

Câu chuyện PR có thể là câu chuyện có thật hoặc câu chuyện hư cấu. Nhưng bạn hãy nhớ dù là câu chuyện hư cấu hay câu chuyện thật bạn vẫn không nên bóp méo nó, bởi hư cấu không có nghĩa là nói dối(1), hãy để công chúng “thấy” mình trong câu chuyện đó. Một câu chuyện hay cần những “nguyên liệu” tốt. Bạn có thể thu thập những “nguyên liệu” cho câu chuyện từ thực tế thông qua quá trình tiếp xúc với công chúng. Đôi khi những “nguyên liệu” này đến từ những điều tưởng chừng rất gần gũi, nhỏ bé như những ước mơ, những mối quan tâm công việc và cuộc sống của họ chẳng hạn. Kinh nghiệm của người làm PR cũng giúp đỡ rất nhiều trong bước này, vì biết “nguyên liệu” cần tìm là gì là một chuyện, nhưng tìm nguồn “nguyên liệu” này ở đâu cũng là một vấn đề.

Trong một chiến dịch PR, ta kể câu chuyện đó bằng các công cụ ta chọn cho chiến dịch đó. Chẳng hạn, với phương tiện tivi thì câu chuyện thể hiện qua bản tin, phóng sự; với event nó có thể là một talk show, game show; với social media câu chuyện lại có thể được thể hiện qua cuôc thi ảnh trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, lối diễn đạt sao cho phù hợp với phương tiện truyền tải đã lựa chọn cũng là một điều đáng lưu ý.

Vài lưu ý cho một câu chuyện PR thành công

 Sức hấp dẫn và thu hút của phần lớn câu chuyện PR không phải nói về sản phẩm hay dịch vụ mà công ty đó cung cấp. Các câu chuyện PR truyền cảm hứng về những tác động tích cực khi khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ.

–  Câu chuyện PR của bạn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nếu nó tương thích với các chủ đề tin tức nổi bật hiện tại. Theo dòng xu hướng hiện nay, sự góp mặt của nhân vật nổi tiếng… sẽ giúp câu chuyện của bạn lan tỏa nhanh hơn.

– Đáp ứng các nhu cầu của báo giới. Chiến dịch PR của chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với báo giới. Nhờ có báo giới mà câu chuyện mới có thể đến với đông đảo công chúng. Mỗi tờ báo có một tiêu chí lựa chọn bài viết và có cách thức nhìn thông tin riêng. Bạn phải làm có câu chuyện của bạn đủ sức hấp dẫn, thú vị trước hết là với tờ báo đó.

– Ngày nay, công chúng rất thông minh, muốn tiếp cận họ, phải đánh vào “sợi dây tình cảm” của họ, dùng chính câu chuyện PR làm hạt nhân “hút” công chúng. Con đường từ trái tim đến trái tim không hẳn là ngắn nhất nhưng nếu bạn đã đi được trên con đường này thì bạn sẽ ở lại lâu hơn trong trái tim và khối óc công chúng. Hãy kể một câu chuyện hay xuất phát từ cái tâm của người kể chuyện!

Kim Anh – Ngọc Thành

Xin chân thành cảm ơn chị Phạm Hoa Lài – CEO Plan A Group và anh Lâm Viết Hùng – General Deputy Manager KOTO Saigon đã hỗ trợ về mặt nội dung để bài viết được hoàn thành.

Cô gái Hà Lan – Đèn đom đóm.
Lấy ý tưởng từ câu chuyện trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – cậu học trò nghèo lấy ánh sáng của đom đóm làm đèn để học bài, từ năm 2002, nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan (thuộc công ty FrieslandCampina Việt Nam) đã khởi xướng chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm. Sau hơn 8 năm thực hiện, chương trình ngày càng lớn mạnh và thực sự tỏa sáng khi giúp hàng chục ngàn học trò nghèo hiếu học trên cả nước tiếp tục vượt khó vững bước đến trường… Câu chuyện đã ghi điểm bởi giá trị nhân văn cao đẹp và truyền thông hiếu học của người dân Việt Nam.

(1)Gấu đỏ – Gắn kết yêu thương

Gần đây, quảng cáo mì Gấu Đỏ với ý nghĩa ủng hộ cho trẻ em nghèo bị ung thư đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng. Đó là câu chuyện giúp phát huy truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Tuy nhiên, khi phát hiện cậu bé Tuấn là diễn viên đóng thế đã tạo nên làn sóng bức xúc trong dư luận. Nhiều người tiêu dùng cảm thấy bức xúc vì nghĩ mình bị lừa dối, lòng trắc ẩn bị lợi dụng. Thực tế câu chuyện PR của họ không hề lừa dối ai, xung quanh chúng ta có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương như vậy. Gấu Đỏ đã quá chủ quan khi không cho người tiêu dùng biết câu chuyện họ đang kể là một câu chuyện hư cấu, vì vậy đã gây nên những hiểu lầm tai hại trúng vào những vấn đề quá nhạy cảm.

 

Tạp chí Marpro20 – Nhóm Margroup
www.UEHenter.com
S Communications