Chặng đường tìm lại kí ức của cô SV Kiến trúc

 
Vậy là đã hơn 7 tháng từ sau tai nạn, cô bạn sinh viên kiến trúc có nụ cười tỏa nắng- Phan Minh Thu Thảo đã dần dần hồi phục, bằng chính khát khao tìm lại kí ức, nghị lực tuổi trẻ và từ những sự động viên về vật chất lẫn tinh thần đến từ tất cả mọi người.
Chúng tôi còn rõ nhớ cái ngày chúng tôi theo chân các thầy cô và bạn bè Thảo lặn lội từ ĐH Kiến trúc TP.HCM ra quận 12 tìm nhà Thảo trong một buổi chiều mưa tháng 4. Khi ấy, Thảo vừa được sự đồng ý cho xuất viện của bác sĩ sau một đợt kiểm tra. Mẹ Thảo cho biết lúc ở bệnh viện Thảo thường xuyên bị đau đầu, do chưa tỉnh táo nên không chịu truyền dịch, bác sĩ phải buộc tay chân Thảo lại và bạn bè Thảo luân phiên nhau đến bênh viện chăm sóc và canh chừng cô bạn. Khi Thảo bắt đầu tỉnh táo, và cho dù không trả  lời hết những câu hỏi kiểm tra nhưng bác sĩ đã đồng ý cho Thảo về nhà để có thể tiếp xúc với những thứ quen thuộc giúp Thảo mau hồi phục kí ức.
Giấy xuất viện của Thảo
Nhìn cô bạn gầy đi thấy hẳn, tay hằn lên vết kim tiêm, dây buộc; mái tóc buông dài không còn, chỉ còn vết sẹo lớn trên đầu, ai cũng xót xa nhưng vẫn cố tươi cười động viên Thảo. Vì mặc dù Thảo chẳng nhớ những người đến thăm mình là ai, cũng không thể diễn đạt được hết những gì mình nghĩ qua lời nói nhưng Thảo hiểu mọi người nói gì. Đôi mắt bồ câu vô hồn, ngơ ngác rụt rè nhưng dường như lúc nào cũng ngấn nước và chực chờ trào ra, Thảo thỉnh thoảng lại thở dài và tặc lưỡi: “Buồn quá!”
Tay Thảo hằn dấu kim tiêm truyền dịch
Mẹ Thảo- người luôn trực chăm sóc Thảo, cho chúng tôi xem tờ giấy vẽ chữ “Puồn quá” do Thảo vẽ trước tai nạn khi có linh cảm chẳng lành. Mẹ Thảo cho biết dù mất đi kí ức nhưng Thảo rất hiểu chuyện, biết mọi người lo lắng cho mình nên Thảo luôn cố gắng không khóc vì Thảo khóc mẹ Thảo cũng sẽ khóc theo.
Lúc mới về nhà, Thảo ăn cháo rồi dần chuyển sang cơm, những đêm không ngủ được vì đau đầu bạn phải nhờ sự trợ giúp từ thuốc an thần. Thảo tiếp tục được chữa trị bằng vật lí trị liệu (tại nhà) và tái khám theo định kỳ. Mẹ Thảo tập cho Thảo viết chữ và tập đọc qua việc chép kinh Phật. Ai cũng vui mừng khi Thảo nhớ và viết được chữ, số, khả năng ngôn ngữ cũng cải thiện dần.
Mỗi ngày, Thảo lên trang facebook của mình xem những bức ảnh cũ để cố nhớ lại những người quen, thỉnh thoảng Thảo lại bất thần nhìn ảnh mình ngày xưa, nhìn mình trong gương và ôm đầu cố lục lọi thứ gì đó trong kí ức, nước mắt lại trào ra dù cố nén tiếng nấc tức tưởi… Nhưng rồi đọc được những comment động viên, và hơn cả là luôn có mẹ và mọi người ở bên cạnh Thảo, đồng hành cùng Thảo, cô gái nhỏ lại cố gắng nuốt nước mắt, nghe lời dặn dò của mọi người: “Thảo ngoan, không được khóc nữa, phải ăn giỏi, cười thật nhiều, rồi tóc sẽ mau dài lại, Thảo xinh đẹp trở lại mới được chụp hình!”
Khu bếp của nhà Thảo do chính Thảo thiết kế. Được biết ba mẹ Thảo đã li hôn, Thảo sống với mẹ, anh trai và chị dâu. Lúc Thảo gặp tai nạn, anh trai Thảo dọn ra ngoài vì vợ vừa sinh em bé, dù Thảo rất thích cháu nhưng mỗi lần em bé khóc Thảo lại đau đầu. Mẹ Thảo định dời nhà đến gần bệnh viện để tiện việc theo dõi nhưng Thảo không đồng ý và nhất định muốn ở nhà cũ.
Góc học tập của Thảo
Thấy thầy cô đến thăm, Thảo lấy những bài vẽ trước đây ra khoe, Thảo có thể nhớ bài mình được điểm cao, bài nào không phải của mình và trong mỗi lời nói của Thảo lúc đó thường xuất hiện từ “ngủ”. Mẹ Thảo nói chỉ có thầy cô đến thăm Thảo mới lấy bài vẽ ra khoe và giải thích do Thảo là sinh viên kiến trúc, thường phải thức đêm để hoàn thành những bài tập đồ án nên từ ấn tượng trong đầu bạn về trường kiến trúc là từ “ngủ”, ví dụ: “Cái này là ngủ nè!” nghĩa là bài vẽ này Thảo không ngủ để hoàn thành, “Cô là ngủ đúng không, con nhớ cô ngủ chung nè!” nghĩa là Thảo nhớ cô giảng viên dạy ở trường kiến trúc… Lúc thầy cô ra về, Thảo níu tay một cô lại và nói: “Con thương nhiều lắm. Con muốn… con rất muốn ngủ ở đó!”. Thực sự Thảo rất muốn quay lại trường học tập và Thảo yêu mọi người nhiều lắm!
Trong suốt thời gian qua, Thảo vẫn đang tiếp tục chặng đường hồi phục sức khỏe và tìm lại kí ức, tất cả không chỉ nhờ khát khao tuổi trẻ của Thảo mà còn nhờ những sự giúp đỡ và động viên của rất nhiều người. Ngoài số tiền 27.050.000đ mà tập thể giảng viên và sinh viên khoa Nội thất quyên góp, gia đình Thảo còn nhận được những sự giúp đỡ từ bên ngoài và những lời động viên chân thành từ mọi người.
 Facebook của Thảo luôn nhận được những lời động viên từ bạn bè gần xa, và cả những người lạ, chỉ biết đến Thảo qua bài đưa tin.
Khi những bức ảnh hồi phục của Thảo được up lên, những comment do chính tay Thảo đánh máy xuất hiện, là lúc mọi người bỗng thấy nhẹ nhỏm, lòng tràn ngập niềm vui và có thêm hy vọng Thảo sẽ mau chóng hồi phục như xưa
Lời cảm ơn của Thảo đến mọi người
Khả năng ngôn ngữ của Thảo đã cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bạn chỉ có thể nói chậm, vài từ phát âm không rõ, và cứ một khoảng thời gian sẽ có một từ tồn tại thường xuyên trong lời nói của bạn, giống như từ “ngủ”
Bức ảnh bài tập của Thảo trước tai nạn, vì muốn mua màu để sửa bản vẽ cho kịp hôm sau nộp, Thảo đã ra ngoài lúc 10h đêm và gặp chuyện không may
Nếu như trước đây cô sinh viên này đã chiến đấu giành lấy sự sống từ tay thần chết thì hiện giờ cô bạn ấy vẫn đang từng ngày chiến đấu để tìm lại kí ức của mình. Đôi mắt vẫn thoáng buồn nhưng hiện giờ Thảo đã vui vẻ và tự tin hơn khi đã nhớ lại những người thân thiết và có thể đi thăm trường và gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Theo thông tin cung cấp, Thảo đang tiếp tục quá trình hồi phục sức khỏe và sẽ đi học lại vào năm sau.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ, động viên từ tất cả mọi người để Thảo có thể vượt qua khó khăn trông thời gian qua. Cùng chúc cho Thảo sớm hồi phục và trở lại ngôi trường mà Thảo hằng yêu mến nhé!
Thanh Thúy