Lọt thỏm trong con hẻm chật hẹp số 131 trên đường Nguyễn Thị Định (Quận 2, TP.HCM) là ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con chị Trần Nguyệt Kiều. Cơn sốt bại liệt năm 6 tuổi đã cướp đi một tay và một chân của chị, khiến cuộc sống của chị trở nên vô cùng khó khăn.Trước đây, chị Kiều chỉ có một gian hàng tạp hóa nhỏ được hỗ trợ từ Trung tâm bảo trợ Người tàn tật (215 Võ Thị Sáu, Q.3), thu nhập hằng ngày chỉ là dăm ba ngàn cho chị và mẹ già đủ ăn đủ sống. Đối với chị, cuộc sống lúc này chỉ như chuỗi ngày dài buồn tẻ, không hướng đi, không nơi nương tựa.
Không đầu hàng số phận, chị bắt đầu theo học lớp “Khởi sự doanh nghiệp” tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD. Rồi như một cái duyên, chị đến với nghề làm bánh. Bằng đam mê và nỗ lực, chị bắt tay vào làm bánh ngay ngày nhận được chiếc lò nướng cũ từ người chị gái. Ban đầu chỉ là những chiếc bánh bông lan thường, dụng cụ làm bánh còn thô sơ, chất lượng bánh chưa đạt tiêu chuẩn, hương vị không có gì đặc biệt, khách hàng chỉ là hàng xóm mua ủng hộ. Lúc đó cảm giác thất vọng làm chị nhiều lần muốn buông xuôi và chấp nhận trở lại với tiệm tạp hóa nhỏ, không cần phải cố gắng nữa. Một mẻ bánh người khác có thể chỉ mất nửa giờ, nhưng chị phải mất đến gần hai giờ liền khi chân tay chị chỉ bằng một nửa người ta.
Chị Kiều làm bánh bằng một tay
Nhưng chị vẫn không bỏ cuộc, và rồi cơ hội cũng đến. Chị được một người bạn giới thiệu đến với dự án Cake Winner của đội UEH SISE trường Đại học Kinh tế TP.HCM, một tổ chức sinh viên hỗ trợ các dự án kinh doanh cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Chị đã đồng ý hợp tác với Dự án Cake Winner.
Với sứ mệnh cải thiện cuộc sống cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc sản xuất và kinh doanh bánh, Chị Kiều đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các thành viên trong Dự án về kỹ thuật làm bánh cũng như kiến thức về quản lý tài chính, chào hàng tại các quán café,…. Cùng sự trợ giúp của một mạnh thường quân mà chị quen sau một lần giao bánh, chị đã được hỗ trợ thêm các vật dụng cần thiết cho việc làm và bán bánh.. Bên cạnh đó, nhờ sự trợ giúp của đội SISE trường Đại học Kinh tế TP.HCM và trung tâm DRD, chị có thêm một chiếc laptop đời cũ để thực hiện một công việc hoàn toàn mới – Marketing qua mạng. Trang bán hàng online “Tiệm bánh Chị Kiều” ra đời, nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ phía khách hàng, là kết quả cho một chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Kiều và những thành viên Dự án.
Chị Kiều cùng các anh chị trong CLB Doanh nghiệp-DRD và các thành viên Dự án CW
Thưởng thức một chiếc bánh bông lan thật dễ, nhưng làm ra nó lại khó vô cùng, nhất là đối với những người khuyết tật như chị. Nếu ai đã tận mắt nhìn thấy thì hẳn càng khâm phục hơn nghị lực của chị. Chị làm tất cả bằng một tay trái, từ những việc đơn giản như tách lòng đỏ trứng, đến phức tạp hơn như cân đong bột tới vét bột vào khuôn, lấy bánh ra khỏi lò để rồi nhiều vết phỏng hằn lên bàn tay của chị. Có những ngày đơn hàng nhiều, chị làm từ 4 giờ sáng tới tận khuya để rồi sau đó bệnh suốt 2,3 ngày liền.
Sản phẩm được ưa chuộng nhất tại “Tiệm bánh chị Kiều”
Giờ đây, đối với chị Kiều, làm bánh là một niềm vui. Đơn hàng ngày một tăng, sản phẩm chị làm ra được người tiêu dùng tin tưởng, những cuộc gọi điện hỏi thăm khách hàng trở nên nhiều hơn, những lời khen và động viên của mọi người luôn làm chị ấm lòng mỗi khi nhớ lại. Chị từng nghĩ , rằng mình thật đơn độc giữa cuộc đời này, nhưng rồi khi mở lòng ra, chị biết mọi người vẫn sẵn sàn nắm lấy tay chị. Gia đình, các thành viên Dự án Cake Winner,người mạnh thường quân hỗ trợ chị và cả anh xe ôm chở chị đi giao hàng chỉ lấy đúng tiền xăng… tất cả mọi người vẫn luôn ở bên cạnh chị. Chị xúc động: “Chị rất tiếc vì khoảng thời gian suy nghĩ không thấu đáo ấy, chị muốn nhắn nhủ tới mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh như chị rằng đừng ngại khó khăn và đừng sợ mình cô độc,xung quanh có rất nhiều người bên cạnh chúng ta, đừng bao giờ ngừng cố gắng.”
Mọi thắc mắc hay mong muốn hợp tác để trở thành đối tượng được giúp đỡ của Dự án, xin vui lòng liên hệ:
Trương Diệu Dân
Leader | Cake Winner Project| R&D Department | UEH SISE
[M]: 090 890 0138
[W]: www.uehsise.org
S Communications
www.UEHenter.com