Lâu nay chúng ta vẫn hay nói tôi bất hạnh, tôi sống bình thường, tôi hạnh phúc hay tôi rất hạnh phúc để thể hiện mức độ hài lòng của chúng ta đối với cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi nghe nhận xét thì ta cũng chẳng biết được một người nói mình “hạnh phúc” liệu có sống sung sướng, vui vẻ hơn một người “rất hạnh phúc” hay không. Vậy có hay không thước đo chung dành cho tất cả mọi người? Hay mỗi người xài một dụng cụ đo khác nhau cho… đông vui?
Liên quan đến vấn đề thước đo, chúng ta nói đến một vấn đề được rất nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Đó chính là vấn nạn ế của thanh niên thời hiện đại. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau làm rõ khái niệm “ế”, một khái niệm mà mỗi khi được nhắc đến đã khiến không ít bạn trẻ tỏ ra không cam tâm hay buồn phiền. Cũng giống như khái niệm “thất nghiệp” trong kinh tế học, “ế” cũng được định nghĩa trên 4 tiêu chí:
- đến tuổi được phép kết hôn,
- muốn và rất muốn có bạn trai/gái,
- đang tìm bạn trai/gái,
- chưa tìm thấy đối tượng phù hợp.
Qua 4 tiêu chí này, có thể thấy, chúng ta có thể loại ra ngoài danh sách một lượng đông đảo các bạn học sinh cấp 3 trở xuống, mặc cho các họ có gào thét đến mức nào về tình trạng “ế lâm sàng” của mình, bởi vì các bạn ấy đã thiếu đi tiêu chí thứ nhất để gia nhập “Hội những người ế nhưng vẫn thấy khí thế”.
Một nhóm đối tượng khác nữa mà ta cần quan tâm ở đây đó là những bạn đã đủ điều kiện 1 nhưng không muốn có người yêu vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Nhóm đối tượng này cũng không được quy vào hội ế vì về cơ bản họ không chủ động tìm và cũng chả mong muốn có người yêu. Họ thích sống độc thân hơn. Cuộc sống đối với họ như vậy mới thật sự ý nghĩa.
Như vậy có thể thấy, với 4 tiêu chí này, số lượng hội viên của “Hội những người ế nhưng vẫn thấy khí thế” đã giảm đi một số lượng đáng kể. Số lượng những người còn lại trong hội đã cô đơn nay còn cô đơn hơn. Nhưng cũng không hẳn như vậy, cái nhận xét đó chỉ đúng với số đông đang ngày càng ít đi thôi chứ không hề đúng với số ít đang ngày càng đông lên. Số ít ngày càng đông lên mà tôi muốn nhắc đến ở đây đó là các bạn trẻ mà ông bà ta vẫn hay nói là “kén cá chọn canh”. Tôi không có ý phê phán những bạn tỏ ra kĩ lưỡng trong quá trình tìm kiếm người yêu của mình. Đó là điều cần và rất cần với cuộc sống mà giả thật đang lẫn lộn và ranh giới giữa chúng ngày càng mong manh như hiện nay. Tuy nhiên, kĩ lưỡng và kén chọn lại là 2 khái niệm khác nhau. Kĩ lưỡng ở mức độ nào đó là đức tính cẩn thận còn kén chọn lại là khó tính, khắt khe. Quá khắt khe để rồi một sớm mai thức dậy truy cập Facebook và gia nhập “Hội ế” thì đó là việc bình thường và tất yếu. So với những người đang cố gắng tìm mà không thấy đối tượng thì “phận ế” của những người “kén cá chọn canh” này xem ra có vẻ dài hơi hơn. Và như một hệ quả tất yếu, những người kén chọn cũng chính là những admin hoặc thành viên cốt cán của “Hội những người ế nhưng vẫn thấy khí thế”.
Quay trở về với công cụ thước đo chung của hạnh phúc mà ta đề cập ban đầu. Hãy hình dung những thứ có tác động đến cảm xúc trong một ngày của chúng ta đều có những giá trị của nó. Những giá trị đó có thể nhiều hoặc ít và chúng được quy về một con số nhất định. Một điều gây ra cảm xúc tiêu cực thì mang số âm, những thứ tạo cảm giác phấn khởi thì mang dấu dương. Như vậy, sau khi cộng dồn những con số đó lại ta sẽ biết được mình đang hạnh phúc ở mức độ mấy. Ví dụ, ăn bánh tráng trộn 3.67; gặp đèn đỏ -1.23; kẹt xe -2.41; trúng số độc đắc 23.11; như vậy sau một ngày với 4 sự việc tác động đến cảm xúc của một bạn như vậy ta có thể kết luận bạn này đang hạnh phúc ở mức 23.14 (một mức độ mà ta đáng mơ ước).
Như vậy, sau khi đã hiểu về thang đo độ hạnh phúc thì tình trạng ế được đánh số bao nhiêu? Câu hỏi lớn và khá phức tạp nhưng không phải là không có câu trả lời. Giả sử xem như mức độ mong muốn có người yêu của những thành viên ế là như nhau thì đối với những bạn “kén cá chọn canh”, tình trạng ế của họ sẽ bằng csế= -1.25*(số người phù hợp nhưng bị bỏ qua). Còn đối với những bạn tìm mãi mà vẫn chưa thấy đối tượng thì csế= -5. Biểu đồ dưới đây sẽ cho ta thấy rõ hơn mối quan hệ mức độ ế của 2 nhóm đối tượng này.
Qua biểu đồ, ta rút ra kết luận gì cho bài viết này? Ế là một trong những tình trạng không mong muốn của rất nhiều người. Nó tạo nên một điểm trừ trong thang đo hạnh phúc với các mức độ trừ ít, nhiều khác nhau. Một bạn đã rất cố gắng nhưng vẫn ế thì sẽ trừ 5 điểm. Lấy điểm số này so sánh với điểm hạnh phúc trong một ngày của bạn sinh viên trong ví dụ trên là 23.14 thì có thể thấy ế cũng không nghiêm trọng lắm. Mà nếu có nghiêm trọng thật thì người ế cũng không đủ bình tâm để viết những dòng này. Hình như mới có thông báo có người post status từ “Hội những người ế nhưng vẫn thấy khí thế” thì phải.
Cẩm Vân
www.UEHenter.com
S Communications