Trải qua 2 vòng thi đầy khó khăn và thử thách, cuộc thi Thử tài kinh doanh do CLB Nhân sự tổ chức đã bước vào vòng 3 – vòng thi cuối cùng diễn ra lúc 18h ngày 11/11/2012 tại hội trường B322 trường Đại học Kinh tế.
Vượt qua hơn 2000 thí sinh khác đến từ các trường Đại học trên cả nước, 4 thí sinh bản lĩnh, tài năng sẽ tỏa sáng trong đêm chung kết. Cùng với mô hình sàn đấu đầu tư bán ý tưởng kinh doanh lần đầu tiên xuất hiện tại Trường đại học Kinh Tế TP.HCM trong đêm chung kết, 4 thí sinh sẽ trình bày đề án kinh doanh của mình trước các nhà đầu tư để thực hiện bước huy động vốn.
Với sự mở màn đầy sôi động bằng tiết mục múa của đội Văn nghê xung kích và ca sĩ Y Thanh, đêm chung kết chính thức bắt đầu.
Cuộc thi gồm 4 chặng:
Chặng 1: “Tôi là nhà kinh doanh” :
Chặng 2: “Anh tài hội tụ”
Chặng 3: “Đón đầu ý tưởng”
Chặng 4: “Sàn đấu phút 89” Các BGK, khách mời và sinh viên đóng vai trò nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể chia lượng tiền (chia lượng phiếu đầu tư) của mình để đầu tư cho nhiều dự án.
Bước vào chặng 1 bốn thí sinh sẽ tự giới thiệu bản thân mình trong 3 phút.
Thí sinh đầu tiên tham dự phần thi này là bạn Dương Đình Thuận – trường ĐH Kinh tế TPHCM. Bạn đã tự chuẩn bị một clip dài 3 phút giới thiệu với mọi người về bản thân và dự án “Trung tâm giảng dạy tiếng anh chuyên ngành kinh tế Clever Teach”. Bạn chia sẻ những trăn trở của mình về hiện trạng nhiều sinh viên Kinh tế vẫn còn kém trong việc giao tiếp bằng tiếng anh và Clever Teach mở ra đáp ứng nhu cầu của phần đông các sinh viên khối ngành Kinh tế. Kết thúc phần thi của mình với phong thái tự tin Dương Đình Thuận đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía khán giả.
Thí sinh thứ hai bước vào phần thi này là bạn Phan Bội Ngân sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế và cũng là thí sinh trẻ nhất bước vào vòng chung kết, không nói nhiều về dự án của mình, Ngân mang đến câu chuyện về đam mê đã ấp ủ từ nhỏ của mình. Bạn chia sẻ: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Tiếp theo là thí sinh có nhiều điểm ấn tượng nhất với khán giả, là thí sinh nữ duy nhất và đến từ nơi xa nhất – trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng Nguyễn Minh Hằng không hề kém cạnh so với các đối thủ của mình. Hằng thể hiện phần giới thiệu bản thân thông qua ba vật dụng quan trọng của mình. Một là chiếc áo mà bạn đã mặc khi chinh phục đỉnh Phanxipang, vật thứ hai là card visit của CLB Marketing mà Hằng làm trưởng ban, đây cũng là nơi Hằng trau dồi kỹ năng và nảy sinh ra nhiều ý tưởng kinh doanh thú vị. Cuối cùng là dự án Big Party – dịch vụ tiệc cho trẻ em.
Thí sinh cuối cùng cũng là một sinh viên năm tư của trường Đại học Kinh tế, Nguyễn Bảo Long. Từ những giây đầu tiên của phần thi của mình Long đã mang hết lửa thể hiện câu chuyện đầy ý nghĩa và chân thật về bản thân và những hoài bão, mục tiêu và sứ mạng mà Long đặt ra. Cuối phần thi bạn còn hát vang bài “Đường đến vinh quang” làm nóng cả hội trường B322 và nhận được sự reo hò, cổ vũ của khán giả.
Chặng 2: “Anh tài hội tụ”:
Bốn thí sinh cùng tham gia một hội thảo bàn về chủ đề “Khác biệt hay chết?” với sự dẫn dắt của một chuyên gia. Mỗi thành viên sẽ đưa ra các tham luận của mình trong 3 phút. Đây là phần thi tạo cơ hội cho các thí sinh thể hiện những hiểu biết và quan điểm của mình trong kinh doanh và ban giám khảo sẽ chấm điểm cho từng thí sinh dựa trên phần trả lời của họ. Các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề về sự “Khác biệt” và được các thí sinh bàn luận rất sôi nổi, mỗi người một phong thái và một quan điểm khác nhau về sự khác biệt. Cuối chặng hai, mỗi thí sinh sẽ trả lời thêm một câu hỏi của ban giám khảo.
Chặng 3: “Đón đầu ý tưởng”: Bốn thí sinh lần lượt trình bày ý tưởng kinh doanh trước hội đồng giám khảo. Hình thức trình bày không giới hạn, các thí sinh được tự do sáng tạo và có thể dùng bất cứ hình thức hỗ trợ khác trình bày để thuyết phục trước hội đồng giám khảo (video clip, PPTs, diễn kịch…). Thời gian trình bày tối đa 5 phút.
Thí sinh Dương Đình Thuận đã có phần trình diễn rất xuất sắc trước ban giám khảo với dự án “Trung tâm giảng dạy tiếng anh chuyên ngành kinh tế Clever Teach”.
Với dự án “Sản xuất và kinh doanh các loại bánh truyền thống làm từ bột gạo” – VIETGOC Phan Bội Ngân mong muốn các loại bánh truyền thống Việt Nam sẽ phổ biến hơn trong mắt bạn bè quốc tế và dự án của Ngân cũng được ban giám khảo đánh giá cao.
Đến với chặng 3 bằng dự án “Dịch vụ tiệc cho bé – BIG PARTY” Nguyễn Minh Hằng có phần thuyết trình rất thu hút và ấn tượng, dự án chỉ nhắm đến tầng lớp gia đình khá giả ở Hà Nội.
Cuối cùng là dự án khá mới mẻ và ấn tượng của thí sinh Nguyễn Hoàng Long, dự án bán bút lông làm từ tóc chính con của khách hàng. Theo Long, cái mà Long bán không phải là bút lông mà là tình yêu, là kỷ niệm của cha mẹ dành cho con cái.
Chặng 4 là chặng thi cuối cùng. Các BGK, khách mời và sinh viên đóng vai trò nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể chia lượng tiền (chia lượng phiếu đầu tư) của mình để đầu tư cho nhiều dự án. Kết quả vòng 4 như sau:
Dương Đình Thuận :131 phiếu tương đương với 131 triệu.
Phan Bội Ngân: 38 phiếu tương đương với 38 triệu.
Nguyễn Minh Hằng: 81 phiếu tương đương với 81 triệu.
Nguyễn Hoàng Long: 33 phiếu tương đương với 33 triệu.
Kết quả chung cuộc thí sinh Dương Đình Thuận đạt giải nhất, Nguyễn Minh Hằng giải nhì, hai thí sinh Phan Bội Ngân và Nguyễn Hoàng Long đồng giải ba.
Đêm chung kết đã kết thúc tốt đẹp với sự tỏa sáng của cả bốn thí sinh, với hình ảnh chủ đạo là “hoa bồ công anh”- “kết nối và sẻ chia”. Ban Tổ Chức Cuộc thi muốn kết nối những con người tài năng, kết nối những khát vọng của tuổi trẻ và sẻ chia niềm đam mê để những ước mơ đó bay cao hơn, xa hơn vào thế hệ tương lai.
Thanh Mai