“Chú ơi, chú ơi, chờ con với!”
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ hiện ra trong đầu tôi trong khi bản thân đang cố gắng chạy thật nhanh để không bỏ lỡ chuyến xe buýt này. Thật ra đây cũng không phải là chuyến cuối cùng. Nhưng vì phải “bắt ghép xe” nên nếu trễ chuyến này thì chuyến thứ hai sẽ đông lắm, không những vậy mà còn phải chờ lâu hơn thời gian giãn cách chuyến cũng vì đúng vào giờ tan tầm.
“Phù! Hôm nay thật là ngày may mắn. Và may mắn hơn nữa khi vẫn còn một chỗ trống gần cửa ở hàng ghế cuối cùng”. Nếu là lúc mới lên Thành phố, tôi thà phải đứng cả đoạn đường dài cũng không vô ngồi chỗ trống đó. Lý do ngớ ngẩn để biện minh cho chính mình là “ngại”. Mà thực tế cũng chẳng biết điều gì lại khiến tôi “ngại”. Chỉ là “ngại” vậy thôi!
Khi quan sát một bức tranh hay bất kì một sự vật, một con người, nếu nhìn gần cho ta sự chân thật thì từng bước lùi về sau sẽ đem đến cho ta cái nhìn tổng quát hơn. Như mọi khi, thói quen hàng ngày lên xe buýt của tôi là tìm ghế trống ở hàng đầu để ngồi. Dường như chính thói quen đó khiến tôi lỡ mất cơ hội quan sát mọi vật xung quanh ở một vị trí khác cũng tuyệt vời không kém. Cũng là tuyến xe buýt đi hàng ngày, cũng là những trạm dừng quen thuộc mà chưa cần nghe báo trạm tôi cũng biết được kế tiếp là trạm dừng nào nhưng hôm nay, ở một chỗ ngồi cao hơn, ở một vị trí khác biệt thói quen hàng ngày, cảnh vật dường như có sự thay đổi dưới cái nhìn của tôi.
Đường sá mỗi lúc một đông hơn. Sắp tới giờ tan tầm rồi. Vậy là cũng đến trạm dừng quen thuộc để “bắt ghép” chuyến xe tiếp theo. Như mọi khi, có một số người đã chờ ở trạm này. Không cần hỏi tôi cũng đoán được họ đi cùng tuyến xe với tôi vì chỉ có chuyến xe này mới mất nhiều thời gian chờ đợi đến vậy. Cái nắng chói chang dường như đều khiến ai nấy đều ngóng chờ chuyến xe đến nhanh hơn, như thể chỉ cần xe đến là họ sẽ chẳng cần quan tâm có chỗ ngồi hay không mà đều vô thức bước lên.
Hôm nay có phải là ngày may mắn không khi một lần nữa tôi lại được ngắm nhìn cảnh vật lúc ngồi hàng ghế cuối cùng. Mọi người đều có chỗ ngồi trên xe, không ai phải đứng, cũng không có cảnh tượng chen lấn. Nhưng chỉ ngừng thêm vài trạm nữa, điều gì sẽ diễn ra sau đó tôi không thể đoán được.
Trạm dừng kế tiếp, hai ông bà bước lên. Họ có quen nhau không thì tôi không rõ nhưng chắc hẳn là họ đi khám bệnh vì trên tay có cầm theo hồ sơ của bệnh viện. Từ lúc thấy hai ông bà bước lên, lẽ ra hai bạn ngồi hàng ghế ưu tiên phía trước đã phải tự ý thức nhường chỗ chứ không phải để đến lúc chú tài xế nói lớn lên: “Họ đáng tuổi ông bà mình nha mấy đứa” hai bạn ấy mới đứng lên. Những tuyến xe không có người thu vé, chú tài xế vừa chạy xe vừa thêm nhiệm vụ thu tiền nên cũng ít khi chú ý đến vị trí ngồi phía sau, chủ yếu là mỗi người phải tự ý thức khi sử dụng phương tiện công cộng. Nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ được xem là nghĩa vụ cũng như một nét đẹp trong văn hóa xe buýt. Duy trì văn hóa xe buýt không cần phải tuyên truyền hay nhắc nhở bởi đó là điều ai cũng biết, ai cũng hiểu, quan trọng là mọi người có cố tình thờ ơ hay không, có muốn giữ gìn nét đẹp hay không!
Vào buổi trưa nào đó chính tôi cũng không nhớ rõ nhưng cái cảm giác ấm áp, hạnh phúc khi bản thân làm được “việc tốt” đến giờ nghĩ lại vẫn còn vẹn nguyên. Nếu nói là việc tốt có lẽ đã hơi quá đề cao chính mình bởi việc nhường chỗ trên xe không phải là việc mà duy nhất bản thân tôi có thể làm được. Tôi đã nhường ghế cho một bà lão. Vì xe cũng đông nên tôi cũng đứng gần chỗ bà ngồi. Ngồi xuống được một lúc, bà hỏi tôi:
-Trạm dừng của con có xa không?
-Dạ không bà ơi!
-Hay con ngồi xuống cùng với bà nè.
-Bà cứ ngồi đi, con đứng được mà!
Trạm dừng kế tiếp, người ngồi ghế gần chỗ tôi đứng bước xuống. Vậy là tôi được ngồi vào vị trí đó. Lúc nhường ghế cho bà, tôi cũng chẳng nghĩ đến việc mình sẽ lại có chỗ ngồi vì còn nhiều người đang đứng mà. Tôi chỉ tự hỏi chính mình: “Nếu là ngoại của mình, mình có để cho ngoại đứng như vậy không?” và nhường chỗ cho bà không cần do dự, không cần nhìn xem trước mình có ai nhỏ tuổi đứng lên nhường chỗ không.
Thật may là cách đó vài trạm, bà bước xuống. Nếu không bà sẽ biết tôi nói dối vì trạm dừng của tôi còn xa lắm. Trước khi xuống xe, bà cảm ơn tôi. Tôi không hi vọng nhận được sự khen ngợi của mọi người trên xe, cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được lời cảm ơn vì tôi chỉ đang làm đúng những gì cần làm thôi. Nhưng lời cảm ơn của bà lại khiến tôi vui lạ!
Câu chuyện xảy ra trên các chuyến xe buýt không bao giờ có thể kể hết được. Đó có thể là những câu chuyện vui, những câu chuyện tốt hay những câu chuyện khiến những người trong cuộc và chính bản thân ta phải ngẫm nghĩ và thay đổi cách ứng xử, cách giải quyết những vấn đề nảy sinh. Không ít những confessions, bài báo… đề cập đến vấn đề an ninh trên xe buýt, về cách ứng xử của chú tài xế cũng như không ít những lời nhắc nhở, than phiền của những chú tài xế về việc thực hiện nội quy xe buýt của hành khách. Không thể chỉ kể về những mặt chưa tốt của tài xế, người bán vé hay chúng ta- những người sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt. Ai trong chúng ta cũng có thể là người đã phạm lỗi. Đôi khi, chính sự sơ ý khiến chúng ta vô tình gây nên ảnh hưởng đến mọi người xung quanh chỉ vì nói chuyện quá lớn trên xe, dùng thẻ sinh viên mà quên tháo khẩu trang, “đùn đẩy” cho nhau chuyện nhường chỗ ngồi,… Không thể phiến diện liệt kê ra những mặt trái về phía hành khách thì cho rằng hành khách không thực hiện tốt nội quy, cũng không thể chủ quan nêu ra những thiếu sót của chú tài xế hay người bán vé rồi quy mọi lỗi cho họ. Mỗi người cần học cách ứng xử văn minh, lịch sự và chấp hành tốt những nội quy, quy định trước khi mong muốn đón nhận những gì khiến chúng ta thoải mái, vui vẻ từ bất kì ai.
Đi xe buýt có nhiều lợi ích nhưng cũng không tránh khỏi những bất lợi. Lợi ích gì? Hay bất lợi gì? Ai trong chúng ta cũng đã rõ và thậm chí là đã trải nghiệm. Chúng ta không thể kì vọng có thể sửa đổi, cải thiện ngay lập tức những bất lợi để việc đi lại bằng xe buýt hoàn toàn là những lợi ích. Điều đó chắc chắn không thể xảy ra. Điều duy nhất chúng ta có thể làm và cùng nhau làm đó là tối thiểu hóa những bất lợi để mỗi người trong chúng ta lưu lại “chút tình gửi xe buýt”.
Mỗi chuyến xe, mỗi chặng đường, mỗi con người, mỗi sự việc… tất cả đơn giản là cuộc sống. Những điều tốt, những điều xấu, những chuyện vui, những chuyện buồn… là nhiều màu sắc tô vẽ nên sự phong phú, đa dạng cho cuộc đời mỗi người. Hãy đón nhận những điều tốt đẹp, hạnh phúc trong niềm vui sướng tột cùng, hãy đón nhận những khó khăn, thất bại để cho bản thân cơ hội vượt qua và ngày một trưởng thành hơn. Hãy yêu quý cuộc sống này và những người thương yêu luôn ở bên cạnh ta!
Luhana
S Communications
www.UEHenter.com