Chuyện bóng đá của các "đại gia"

Mùa hè 2012 chứng kiến 1 trong 20 vụ chuyển nhượng cầu thủ lớn nhất trong lịch sử thế giới. Chelsea chấp nhận bỏ ra mức giá 40 triệu USD để có được chữ kí của Eden Hazard trước sự ngỡ ngàng và ấm ức của các câu lạc bộ tiếng tăm khác.
Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng “khủng” này cũng không làm người hâm mộ môn thể thao vua quan tâm bằng sự kiện gần đây khi C. Ronaldo (Real) nói anh “buồn”. Ngay sau câu nói tưởng chừng vu vơ của cầu thủ danh giá này, các ông chủ Ả Rập của câu lạc bộ Man City đã đồng ý chi 120 triệu bảng để chiêu mộ Ronaldo. Mặc dù sau này, chính Ronaldo đã lên tiếng bác bỏ tiền là lý do khiến anh “buồn” tuy nhiên, con số mà “Man xanh” đưa ra cũng khiến ta phải suy nghĩ và ganh tị.
2 ví dụ trên một mặt cho chúng ta thấy sự cạnh tranh khốc liệt của các câu lạc bộ trong khâu tuyển cầu thủ, mặt khác cũng tiết lộ nhiều điều về thế giới tài chính – bộ phận chi phối và điều khiển cả nền bóng đá thế giới hiện nay.
Không nói thì hẳn mọi người đều biết, các ông chủ câu lạc bộ bóng đá hiện nay đa phần đều là những “trùm” tài chính. Những người này nắm giữ trong tay khối tài sản khổng lồ và họ có thế lực thật sự to lớn trong thị trường tài chính. Lấy ví dụ điển hình đó là chủ tịch câu lạc bộ Manchester City, ông Sheikh Mansour. Người ta ước tính tổng tài sản của ông này lên đến 20 tỷ bảng và ông cũng đã mạnh tay chi 1 tỷ bảng cho việc khôi phục và tái thiết lại đội bóng này. Tuy nhiên, điều đáng nói là không giống như những ông chủ khác đầu tư vào bóng đá vì yêu thích môn túc cầu giáo, Sheikh Mansour thậm chí còn không biết nhiều về bóng đá và rất ít khi xuất hiện trên khán đài để theo dõi đội bóng con cưng của mình thi đấu. Nếu là bạn, bạn có “phung phí tiền tấn” như vậy không? Hay bạn đang cười thầm rằng nhân vật này đã chơi trội một cách ngớ ngẩn?
Trước khi đến với Man City, liệu mấy ai trên thế giới này biết đến Sheikh Mansour? Danh tiếng và những lời đồn đại về tài sản của ông chủ “Man Xanh” lan đi khắp thế giới có thể nói là thành công bước đầu của ông khi đầu tư vào bóng đá. Dưới tác động của hiệu ứng đô- mi- nô, công việc làm ăn của ông trên thị trường tài chính cũng lên như diều gặp gió khi quyền lực tài chính của ông đã được bóng đá khẳng định.
Vẽ mây nhưng thực chất là để nẩy trăng. Đầu tư cho bóng đá nhưng để tạo lợi thế trên thị trường tài chính. Không những thế, bóng đá cũng là một “đám mây béo bở” mà các ông chủ này không muốn bỏ qua.
Chỉ tính việc bán vé và bản quyền truyền hình trong các trận đấu “kinh điển” không thôi cũng đã giúp các ông chủ thu về một khối lượng tiền khổng lồ. Đây là khoản thu vào đều đặn và định kì mà câu lạc bộ không cần phải bận tâm. Bên cạnh đó còn có một phần lợi nhuận khác mang tính biến động đó là cổ phiếu của các câu lạc bộ này. Khi bỏ tiền ra mua cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ, lợi ích đầu tiên thấy rõ nhất không phải là nâng cấp đội hình hay vững tin hơn vào con đường chinh phục các chức vô địch mà chính là giá cổ phiếu của câu lạc bộ đó ngay lập tức tăng lên đáng kể. Và phần tăng lên này tất nhiên sẽ vào túi của những ông chủ đã bỏ tiền ra mua cầu thủ.
Hơn nữa, chiêu mộ cầu thủ mới cũng đồng nghĩa với việc kéo những cổ động viên của cầu thủ này về sân nhà của mình. Lượng khán giả gia tăng là tin tốt cho các dịch vụ ăn theo môn thể thao này (các dịch vụ đa phần đều do câu lạc bộ tự đầu tư) như: bán áo thi đấu, tham quan sân vận động, ăn uống bên ngoài khán đài…
Như vậy có thể nói, chi tiền vào bóng đá là một hướng đầu tư thông minh của các “đại gia”. Một mặt, họ đã phân tán rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tư, chia trứng vào nhiều rổ khác nhau chứ không chỉ để tiền riêng cho ngành chuyên môn của mình. Mặt khác, họ đã tự tạo nên tên tuổi của mình – điều không phải dễ dàng nếu ta chỉ đi trên con đường tài chính.
Chuyện thế giới là vậy, quay trở lại Việt Nam, ta thấy bầu Kiên đã “lanh trí” như thế nào khi chi mạnh tay cho câu lạc bộ Hà Nội ACB. Thật ra mà nói, ông được lợi nhiều hơn khi chi tiền – vừa được tiếng, vừa được miếng. Nếu không kể đến những lùm xùm gần đây xoay quanh vấn đề kinh doanh của ông trên thị trường tài chính thì có thể nói, bầu Kiên đã áp dụng thành công chiêu thức của các “đại gia” trên làng bóng đá thế giới. Và theo dự đoán, cách làm này sẽ vẫn được bóng đá Việt Nam tiếp thu và vận dụng trong thời gian đến.
Chính vì tất cả những điều này nên bạn cũng đừng “lăn tăn” và “than thở” rằng giá như mình làm cầu thủ thay vì hằng ngày học các môn học về kinh tế. Biết đâu sau này khi trở thành ông chủ của một câu lạc bộ nào đó, bạn lại cảm ơn những kiến thức mà mình thu nhặt được trên ghế nhà trường.
Cẩm Vân