CLB Nhân Sự: “Hội Thảo Đàm Phán – Thương Lượng” – Học Mà Chơi, Chơi Mà Học

Chỉ với một thao tác “click chuột” đơn giản, bạn đã có thể sở hữu một lượng lớn thông tin về kĩ năng đàm phán- thương lượng. Cách tiếp cận đó có thật sự mang lại hiệu quả? Với phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học”, kĩ năng đàm phán-thương lượng không còn quá xa lạ và khó hiểu. Vậy làm thế nào để đàm phán- thương lượng thành công? Cùng tìm hiểu và áp dụng những bí quyết được chia sẻ ngay phía dưới nhé!

 

Khách mời đặc biệt đồng thời cũng là diễn giả của buổi “Hội Thảo Đàm Phán- Thương Lượng” diễn ra vào 8h Sáng Chủ Nhật 5/4 tại B.612 (279 Nguyễn Tri Phương) là Thầy Phạm Anh Tuấn- Nguyên Phó Tổng Giám Đốc Công ty Nam Huân, Giảng viên Thỉnh giảng ĐH Kinh Tế TP.HCM các môn kĩ năng mềm. Ngay từ phút bắt đầu, buổi hội thảo đã thu hút sự chú ý lắng nghe của các bạn tham dự bởi câu hỏi: “Các bạn có biết bí quyết nào giúp chúng ta trẻ?” Theo chia sẻ của Thầy, đáp án chính là việc chúng ta thường xuyên tiếp xúc và làm việc với con người.

“Cuộc đời là cuộc chơi”. Đứng trước mỗi vấn đề cần giải quyết, mỗi nhiệm vụ cần thực hiện, nếu ta nghĩ chúng chỉ đơn giản là một cuộc chơi, mọi thứ dường như sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Trên cơ sở đó, hơn 2/3 thời gian diễn ra buổi hội thảo là trò chơi. Nội dung trò chơi đó đàm phán- thương lượng những tình huống thực tế xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Sau mỗi tình huống sẽ là phần nhận xét, góp ý và chia sẻ cách giải quyết của Thầy.

Vòng đầu tiên diễn ra với nội dung tình huống là: “Bạn có 200.000đ nhưng cái áo bạn muốn mua giá 300.000đ. Bạn hãy thương lượng với chủ tiệm để mua được cái áo đó”. Tình huống đầu tiên có vẻ đơn giản bởi nó thường xuyên xảy ra nhưng không phải ai cũng có thể xử lý khéo léo để đạt được mục đích. Một bầu không khí thân thiện, cởi mở sẽ là bí quyết giúp bạn phần nào thành công trong việc thương lượng giá cả. Hơn nữa, biết cách khen ngợi cũng là một gợi ý đáng xem xét. Tuy nhiên, như Thầy chia sẻ, đối với những người chúng ta mới gặp lần đầu, các bạn nên chú trọng việc khen đúng và khen về ngoại hình (khuôn mặt, kiểu tóc,…) vì điều đó mang lại niềm tin cho họ so vơi việc bạn ca ngợi về tính cách hay sự thành công của họ.

Một tình huống khác diễn ra ở vòng thứ hai đó là: “Cuối tuần này, bạn và nhóm bạn rủ nhau ăn uống. Trong đó, 3 bạn đưa ra ý kiến nấu ăn ở nhà, 3 bạn còn lại đề nghị ra tiệm ăn”. Tình huống này được các bạn “nhập vai” khá sôi nổi vì dường như cả hai phía đều kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Bài học mà mỗi người rút ra từ tình huống này đó là cần biết nhượng bộ và nghĩ nhiều đến tương lai hơn. Bởi vì: “Bữa ăn hôm nay đâu phải là bữa ăn cuối cùng!”

“Vận động tài trợ”- một tình huống có lẽ khá quen thuộc với chúng ta. Kinh nghiệm mà Thầy chia sẻ cho những bạn thường xuyên vận động tài trợ cho các chương trình của sinh viên chúng ta đó là nên chọn những doanh nghiệp sản suất, kinh doanh những sản phẩm về văn phòng phẩm, đồ dùng liên quan đến sinh viên… Quan trọng hơn cả, chúng ta nên tránh nhắc đến từ “quyền lợi”, thay vào đó là các từ “đầu tư”, “giúp”. Cách chọn từ ngữ chạm tới cảm xúc người nghe nhiều hơn ý chí sẽ là yếu tố tạo nên thành công cho việc vận động tài trợ.

“Đàm phán mức lương trong phỏng vấn xin việc” cũng là tình huống cuối cùng của buổi hội thảo. Hai nguyên tắc được Thầy chia sẻ nghe có vẻ dễ hiểu và dễ nhớ nhưng lại không dễ dàng để áp dụng thành công ngay lập tức. Đó là:

Không bao giờ trả lời bằng con số cụ thể.

Không bao giờ được so sánh.

Mỗi người chúng ta đều có những giá trị mà chúng ta chưa biết đến. Vì vậy, việc tự đưa ra một con số cụ thể cho mức lương mình sẽ nhận có thể sẽ thấp hơn những giá trị bạn có thể đóng góp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sai lầm mà chúng ta thường xuyên gặp phải đó là hay so sánh giữa mình với bạn bè, người thân,… để từ đó định ra mức lương tương xứng với mình. Hãy nhớ, mọi sự so sánh trong tuyển dụng đều khập khiễng.

Mỗi vòng chơi là cách nhìn nhận vấn đề một cách kĩ lưỡng, mỗi vòng chơi được học thêm cách giải quyết khéo léo, mỗi vòng chơi có cơ hội tiếp nhận nhiều kĩ năng và kinh nghiệm. Trên tất cả, “Mỗi người trong chúng ta hãy học cách đặt thật nhiều câu hỏi và phát triển kĩ năng hỏi” chính là lời gửi gắm của Thầy Tuấn khi kết lại buổi “Hội Thảo Đàm Phán- Thương Lượng” ngày hôm nay.

 

Luhana
www.UEHenter.com
S Communications