[CTXH 2016] Nơi Màu Đỏ Dừng Chân: Cậu Bé Có Đôi Mắt Chỉ Sáng Một Nửa
Cần Đước – Long An, vùng đất được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ chở nặng phù sa, nơi nổi tiếng với giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào, Rượu Đế Gò Đen, với những âm điệu đờn ca tài tử ngọt lịm ấm nồng. Và vùng đất ấy cũng còn đó những cây cầu tre lắc lẻo, những ngôi nhà đơn sơ, những con đường đất lầy lội nơi những đôi chân nhỏ bé vẫn hằng ngày cất bước đến trường…
Dừng chân tại ngôi trường Tiểu học Long Hựu Tây nằm hiu hắt giữa những mảnh ruộng cằn cỗi đá sỏi tại ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đằng sau cánh cổng sắt ọp ẹp rỉ sét là khung cảnh bao em học sinh ngây thơ, vui vẻ nô đùa trong khoảng sân trường nhỏ rợp bóng cây. Ngôi trường đã được xây cách đây 20 năm hiện là nơi ấp ủ và nuôi dưỡng ước mơ của hơn 600 em học sinh trên địa bàn xã. Nằm ở nơi có hình thấp, lại gần biển khiến đất đai ở đây nhiễm mặn, vụ mùa bấp bênh từng bữa, đời sống của đa số các em đều gặp không ít khó khăn. Thế nhưng trong những đôi mắt trong veo ấy chưa bao giờ vơi bớt niềm hạnh phúc được cắp sách đến trường, được học chữ, thành người. Dù rằng đằng sau những nụ cười sáng rỡ vẫn còn đó những khó khăn, vất vả đời thường, nhưng dường như chỉ có ở đây, các em mới được sống đúng lứa tuổi của mình, được vui chơi, cười nói, hồn nhiên trong sáng.
Từ những ánh mắt trong veo…
Một trong những đôi mắt thu hút sự chú ý của chúng tôi là của một cậu bé học lớp 3.1 với làn da rám nắng và bộ đồng phục áo trắng quần xanh đã sờn cũ. Một chút gì đó nhói lên khi chúng tôi nhìn kĩ vào đôi mắt em, một đôi mắt chỉ sáng một nửa. Em tên là Nguyễn Khắc Phục, cậu bé 9 tuổi với một con mắt giả vẫn lấp lánh ánh nhìn trong veo, đều đặn hằng ngày vượt đoạn đường gần 3 cây số để đến trường. Men theo con đường đất nhỏ gồ ghề bụi bặm, băng qua con kênh nước mặn có cây cầu tre nghiêng ngả bắc ngang, chúng tôi tới ngôi nhà nơi ba mẹ và bốn anh chị em em sinh sống. Nằm lạc lõng giữa những miền đất trống khô cằn, căn nhà được xây phía trước bằng gạch sơ sài, hai bên nhà phải lợp lá dừa vì gạch đã đổ, nền nhà bằng đất, bên trong chỉ có vỏn vẹn chiếc giường ván ọp ẹp xiêu vẹo và cái bàn gỗ sứt mẻ.
Phía trước ngôi nhà của gia đình bé Phục…
…và hai bên nhà lợp bằng lá dừa đổ nát
Ngôi nhà bên trong sơ sài, cũ kỹ
Mẹ em kể nhà có bốn anh chị em thì trừ chị cả bị bệnh nên phải ở nhà, còn ba đứa em đều được ba mẹ cố gắng cho đi học, Phục là em út, hai bé giữa học lớp 8 và lớp 6. Gia đình chỉ có mảnh ruộng nhỏ ngay phía sau nhà, nhưng thổ nhưỡng không phì nhiêu như những nơi khác, đất đai khô cằn nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa vỏn vẹn có 30kg gạo. Ba em hằng ngày đi phụ hồ kiếm tiền, là lao động chính trong nhà. Mẹ em ngoài việc trồng trọt và chăm sóc đứa con cả bị bệnh còn nhận thêm giấy xếp về gia công để trang trải cuộc sống. Hai chiếc xe đạp cũ kỹ là phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà, thế nên mấy chị em phải thay phiên nhau, đứa đi xe đạp, đứa đi bộ để đến trường. Ở vùng quê nghèo hẻo lánh nên trường học cách nhà rất xa, mấy đứa trẻ cứ vẫn cần mẫn ngày ngày đi học, tối về nắn nót từng con chữ bên ngọn đèn dầu lúc mờ lúc tỏ.
…Tới những ước mơ rất thật
Tôi hỏi em: “Lớn lên em muốn làm gì?”, cậu bé cười hồn nhiên: “Em muốn sau này làm thầy giáo!”
Mẹ em mỉm cười xoa đầu em. Cô kể Phục bị đau mắt khi em mới có năm tháng tuổi, gia đình liền đưa em đi bệnh viện Nhi Đồng I chạy chữa, nhưng chỉ một tuần sau thì mắt em đổ bệnh, mắt lòi ra và hỏng luôn. Bác sĩ bảo em phải thay mắt giả và phẫu thuật để không ảnh hưởng đến con mắt còn lại, nhưng mãi đến năm vừa rồi gia đình mới có điều kiện đưa em đi mổ mắt. Đeo mắt giả khiến em thường xuyên bị chảy ghèn và nước mắt, hằng ngày phải lấy mắt giả ra vệ sinh 2-3 lần, sinh hoạt gặp không ít bất tiện và khó khăn.
Cậu bé Phục đã quen với đôi mắt chỉ sáng một nửa của mình
“Nhà cô chưa có điện 15 năm rồi, tối nào tụi nhỏ cũng học bài bằng đèn dầu. Được cái đứa nào cũng ngoan, chăm học. Nhất là thằng Phục, ngày nào ăn cơm xong cũng ra trước hiên nhà lấy phấn viết kẻ lên nền gạch giảng bài, tập làm thầy giáo…”
Không những không có điện, căn nhà cũ xiêu vẹo luôn bị dột ướt lênh láng mỗi lần trời đổ mưa, ngay cả nước sinh hoạt của cả gia đình cũng là lấy từ con kênh nước mặn đục ngầu trước nhà. Nước để đun nấu phải hứng từ nước mưa, còn trời nắng thì phải đạp xe hơn 5km đến giếng nước không bị nhiễm mặn ở nhà văn hóa để lấy nước. Cuộc sống chồng chất khó khăn, thế nhưng những ước mơ hồn nhiên được đến trường, trở thành thầy giáo, cô giáo của các em vẫn không bao giờ tắt.
“Mình sao thì sao chứ giờ cũng phải lo cho tụi nó học chứ, nó đang cái tuổi đi học mà… Sợ lắm, hù đứa nào rớt tao cho ở nhà chăn gà chăn vịt, tụi nó sợ, đứa nào cũng lo học…” – Ba em cười nói với chúng tôi, đôi mắt ngậm ngùi nhìn xa xăm. Cứ thế, mỗi mùa tựu trường lại thành mùa lo đau đáu khi phải chạy vạy ngược xuôi mượn tập sách, quần áo cũ và mớ tiền học phí.
Trẻ em chính là những hạt ngọc trong veo, là mầm non ấp ủ bao hi vọng của ba, mẹ và những người yêu thương em. Phục và rất nhiều những đứa trẻ ở trường Tiểu học Long Hựu Tây nơi đây, các em có quyền được hưởng một cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy hơn thế. Quãng đường các em phải đi còn rất xa, năm rộng tháng dài trải thênh thang phía trước, mỗi bước chân đến trường là một bước đến gần hơn với tương lai tươi sáng đầy ắp hi vọng. Chúng tôi tin rằng các em sẽ chẳng độc bước trên con đường ấy, vì quanh em còn có những trái tim yêu thương sẵn sàng san sẻ và vòng tay quan tâm của tất cả mọi người.
Những ngày cuối năm sắp đến gần, cũng là lúc bắt đầu chuyến Công tác Xã hội “Gắn kết yêu thương” thường niên của đại gia đình Nhóm Truyền thông Sinh viên S Communications. Chúng ta hãy góp sức chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh tại trường Tiểu học Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hãy cùng nhau tạo nên một kì CTXH Tết thật ý nghĩa, chia sẻ và ủng hộ những món quà nhỏ ấm áp dành tặng các em, giúp các em có một cái Tết thấm đượm tình thương và chắp cánh cho những ước mơ trong veo của các em một ngày nào đó sẽ thành hiện thực. Và để đôi mắt em thơ luôn rạng ngời lấp lánh như chưa bao giờ khiếm khuyết…
Chương trình rất mong nhận được sự quyên góp tập vở, bút viết, sách giáo khoa cũ,… từ mọi người dành tặng cho các em học sinh trường Tiểu học Long Hựu Tây, sẽ được trao tặng trong chuyến CTXH ngày 24.1.2016.
Ngoài ra, mọi sự ủng hộ, giúp đỡ bé Nguyễn Khắc Phục và chương trình CTXH "Kết nối yêu thương 2016" xin vui lòng liên hệ:
Trưởng Ban tài trợ CTXH – Phạm Nhật Quỳnh Anh, SĐT: 0935717469
Lương Vy
S Communications
UEHenter.com