Chọn một buổi sáng đầu tuần đến với “Chợ Phiên Sách Cũ”, tôi vẫn cảm nhận được cái không khí nhộn nhịp, đông đúc tại nơi đây. Vậy chắc hẳn, chợ phiên phải có điểm hấp dẫn, thú vị nào đó mới thu hút lượng lớn người tập trung tại nơi đây. Bạn có biết đó là gì không?
Nằm trong chương trình Ngày sách Việt Nam lần II tại TP.HCM, kéo dài từ 18- 21/04/2015, hoạt động mua bán, trao đổi sách cũ được tổ chức theo mô hình “Chợ Phiên Sách Cũ” và được chia thành các khu chính theo thể loại:
Sách Tiền chiến: tên gọi dòng sách này chưa được định danh một cách chính xác, thường được quy ước là những sách xuất bản từ trước 1945. Đây được coi là mảng sách rất hiếm hiện nay, có giá trị cao, thường chỉ mua bán hay trao đổi trực tiếp giữa các nhà sưu tập. Một số sách được bày bán trong “Chợ Phiên Sách Cũ” như: Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng (Phạm Quỳnh, Đông kinh ấn quán 1928); Nam thi hợp tuyển (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Vĩnh Hưng Long thư quán 1927); 47 điều giáo hóa triều Lê (Trần Trọng Kim, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn 1928)…
Sách bao cấp: tập hợp những ấn phẩm được xuất bản trong thời kỳ bao cấp. Đây là thời kỳ công tác xuất bản được kế hoạch hóa, sách được phát hành trên cả nước với số tirage rất cao. Nhiều bộ sách, tủ sách, tuyển tập, toàn tập, tổng tập lớn đã được khảo cứu, biên tập, xuất bản lần đầu trong thời kỳ này.
Sách Liên Xô: là tên gọi chỉ chung các sách in tại Liên Xô và phát hành tại Việt Nam những năm 1970-1980, phần lớn sách này có nội dung nhân văn, ý nghĩa giáo dục, đề cao truyền thống yêu nước chống phát xít của nhân dân Xô Viết như Chúng tôi sẽ chết như đã sống (A-na-tô-li Gô-lu-bếp, Nhà xuất bản Cầu Vồng 1985); Tuổi ra đời của người công dân (V. Xu-khôm-lin-xki, NXB Tiến Bộ 1987) và nhiều sách phổ biến tri thức khoa học.
Báo cũ: các báo lẻ hoặc đóng bộ như Tạp chí Sông Hương, Nghiên cứu lịch sử, Khảo cổ. Đặc biệt một số báo xưa như Lục Tỉnh Tân Văn, Tri Tân… đã được bày bán.
Từ điển xưa: một lượng từ điển xưa phong phú sẽ được tập trung tại khu vực này: Việt Nam Từ điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, xuất bản 1931), Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh, Minh Tân xuất bản 1950), Từ điển Việt Nam (Thanh Nghị xuất bản 1958),…
Ngoài ra tại khu vực sách cũ còn có nhiều quầy nhỏ khác như Sách thiếu nhi xưa, Sách ngoại văn.
Bên cạnh những cuốn sách cũ được bày bán, tại chợ phiên này, chúng ta cũng có thể mang về cho mình những quyển sách mới với giá cả được giảm từ 10%-20%, hay những cuốn sách đồng giá từ 10.000đ-30.000đ. Tùy theo từng hóa đơn mua hàng, món quà bạn có thể nhận được là: bookmark dễ thương, cuốn sổ tay, hay một quyển sách tự chọn có tại gian hàng bạn mua…
Đối với những ai từng là fan cứng của truyện Doremon, Thần Đồng Đất Việt,… chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội đến với chợ phiên lần này. Hàng loạt các tập truyện được sắp xếp thứ tự trên các kệ sách đảm bảo ai cũng thích và không muốn rời khỏi khu này.
Và hôm nay (21-04-2015) cũng chính là ngày cuối cùng diễn ra “Chợ Phiên Sách Cũ, đừng bỏ lỡ cơ hội cuối cùng đến với phiên chợ đầy bổ ích, thú vị này nhé!
Luhana
www.UEHenter.com
S Communications