Tại sao hàng chục ngàn người đến khán đài để theo dõi các trận bóng đá trong khi hàng triệu người khác lại chọn cách theo dõi trực tiếp qua tivi? Tại sao bóng đá được chọn là môn thể thao vua? Và tại sao những tin tức về các giải đấu bóng đá luôn được săn đón ráo riết? Câu trả lời chỉ có thể nằm ở những điều bất ngờ mà môn thể thao này mang đến cho khán giả.
Đã đi hết lượt trận thứ nhất của vòng bảng, Euro 2012 diễn ra không ít bất ngờ. Nhưng nếu phân tích kĩ lưỡng, những “chất gây mê” này hoàn toàn có thể giải thích được.
Ba Lan- Hy Lạp trận đấu mở màn Euro năm nay được đánh giá là trận cầu kịch tính, hấp dẫn dù 2 đội bóng này không quá mạnh. Trước trận đấu, hàng trăm ngàn cổ động viên Ba Lan đều tin tưởng vào một chiến thắng cho đội nhà. Thậm chí họ còn xem thủ thành Wojciech Szczesny là một tượng đài của nền bóng đá Ba Lan. Nhưng chỉ khi chứng kiến pha bắt bóng non kinh nghiệm dẫn đến chiếc thẻ đỏ cho chính bản thân Wojciech Szczesny và quả phạt đền cho Hy Lạp, tượng đài ấy mới thật sự sụp đổ hoàn toàn. Khi Wojciech Szczesny rời sân, trọng trách lúc này được đặt lên vai của thủ môn dự bị Przemyslaw Tyton. Với số lần thi đấu ít ỏi của mình, Przemyslaw Tyton không thể làm yên tâm khán giả nhà. Nhưng bất ngờ đã xảy đến, anh đã cản phá thành công cú sút phạt của Hy Lạp. Cả khán đài nổ tung. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, đội tuyển Ba Lan đi từ tuyệt vọng đến phấn khích và đồng thời diễn ra sự hoán đổi ngôi đầy ngoạn mục ở vị trí thủ môn. Có lẽ ít được kì vọng hơn đã tạo ra sự thoải mái về mặt tinh thần cho Przemyslaw Tyton .Và lợi thế này cũng là điều ma Wojciech Szczesny đã không có được, it nhất là trong trận đấu hôm đó.
Nhìn những ngôi sao của Bồ Đào Nha và Đức thi đấu mờ nhạt và chật vật trong trận đấu được kì vọng sẽ có nhiều bàn thắng khiến các khán giả trên khán đài không khỏi bất ngờ. Duy chỉ có Mourinho hiểu được nguyên nhân tại sao. Vắt kiệt sức sau hàng tháng đấu giải căng thẳng tại các câu lạc bộ khiến những đôi chân điêu luyện của cả 2 đội bóng đều trở nên cứng nhắc, uể oải. Hơn nữa, vì đều là những đội bóng lớn nên Đức và Bồ Đào Nha luôn hiểu lối chơi của đối phương. Chính vì vậy họ nhập cuộc một cách thận trọng nhằm chớp thời cơ khi có thể. Và đây cũng là nguyên nhân giải thích dễ chấp nhận nhất cho một trận cầu tệ hại của 2 “đại gia” của bóng đá châu lục.
Bất ngờ lớn nhất ở lượt trận đầu tiên của vòng bảng là thất bại của Hà Lan trước đối thủ được đánh giá yếu hơn rất nhiều là Đan Mạch. Có lẽ, với lịch sử bóng đá Hà Lan, ngày hôm đó là một ngày đen tối đáng quên. Trong khi đó, với Đan Mạch, có nằm mơ họ cũng không thể nghĩ đến một chiến thắng ngọt ngào đến vậy. Lên bóng nhiều hơn, tấn công ào ạt, áp đảo đối phương bằng tốc độ nhưng các chân sút Hà Lan lại cho thấy sự vô duyên không thể chấp nhận của mình. Nhiều cổ động viên “cơn lốc màu da cam” cảm thấy thất vọng tràn trề sau mỗi lần đặt niềm tin vào những cú dứt điểm như vậy. Tuy nhiên, ở bên kia chiến tuyến, Đan Mạch lại là đội bóng biết chắt chiu những cơ hội ít ỏi của mình. Để cho đến cuối trận, họ có được 3 điểm quý giá ngoài mong đợi.
Phải chờ đến bảng C, người hâm mộ mới được thưởng thức một bữa tiệc bóng đá đúng nghĩa. Trận đấu của những nhà vô địch Tây Ban Nha và Italia khiến người ta liên tưởng về kịch bản của một trận chung kết. Vẫn lối đá đậm chất Tiqui Taka quen thuộc, Tây Ban Nha dâng cao đội hình nhằm tìm kiếm bàn mở tỷ số. Nhưng bất ngờ lại mang tên Italia khi từ đường chuyền như dọn sẵn của Pirlo, Di Natale ghi bàn cho đội bóng màu thiên thanh. Không dừng lại ở đó, điều thú vị tiếp tục diễn ra, khi chỉ chưa đầy 5 phút sau, Fabregas ghi bàn cho Tây Ban Nha và đưa trận đấu về lại vạch xuất phát. Liên tiếp những đợt lên bóng nhưng không thành bàn, cả Tây Ban Nha và Italia có trong tay 1 điểm khi trận đấu kết thúc.
Cái nóng khắt nghiệt trên sân vận động dường như không bì kịp với sức nóng từ cặp đấu Anh-Pháp. Với đội hình xáo trộn về nhân sự, chỉ có người Anh mới tin vào khả năng của đội bóng “tam sư”. Tuy nhiên, đội tuyển Anh đã làm cho người hâm mộ của họ tự hào và làm cho phần còn lại của thế giới phải giật mình thán phục với sự nhập cuộc đầy hưng phấn. Nỗ lực với những đường chuyền sắc nét đầy kĩ thuật nhưng đội tuyển Anh lại ghi bàn từ một tình huống cố định. Trong khi đó Pháp miệt mài với những pha câu bóng vào khu vực 16m50 lại ghi bàn từ một cú sút xa đầy hiểm hóc của Narsi, cầu thủ đang chơi cho Man City. Các cổ động viên ngạc nhiên về cách ghi bàn của cả 2 đội nhưng rồi họ lại thấy trong mỗi bàn thắng ấy là bóng dáng của chất truyền thống, bản sắc riêng không hề pha trộn ở mỗi nền bóng đá.
Có lẽ thoạt đầu là ngạc nhiên, sứng sốt, bất ngờ nhưng trong chính những tâm trạng, cung bậc cảm xúc ấy lại là điều tất yếu hiển hiện của thực tế, của chiến thuật và của cả lòng khao khát chiến thắng. Chỉ mới đi được một đoạn đường ngắn nhưng những gì đã và đang diễn ra hứa hẹn nhiều điều thú vị tiếp nối của Euro năm nay.