Hồi đó tôi thích xem phim ma. Tới cảnh con ma chui từ trong tivi ra, ẩn ẩn hiện hiện trong gương, lập lờ ở cầu thang, hay lúc nhân vật chính sợ quá chui vào chăn cũng bị con ma từ trong chăn lao ra đè lên người. Nổi hết cả da gà. Nhưng qua cảnh đó rồi ngưng, không nghĩ đến nữa. Đến lúc hết phim bắt đầu sợ lại, vài ngày sau nỗi sợ tăng thêm mấy lần. Không dám coi tivi, không dám soi gương. Cái cảm giác sợ, nhưng lại không thể nghĩ đến chuyện gì khác ngoài mấy con ma mặt mài trắng bệch, tóc rũ rượi vây bám tận mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng đó, người ta gọi là ám ảnh.
Cái cách hiểu ám ảnh chỉ xuất hiện khi xem mấy thứ ghê rợn tạo thành một định nghĩa chuẩn nhất lúc bấy giờ. Tưởng là đơn giản, tưởng là sẽ dễ cho vào quên lãng. Nhưng, đã là ám ảnh thì không có chuyện vạt nó ra khỏi đầu (trừ phi đi tẩy não). Cảm giác đó cũng như bóng ma, mập mờ mập mờ giữa nhớ và quên, lưng chừng ở đó, không nhích qua quên, mà cũng chẳng thể nhớ hoài.
Lớn lên một tí, suy nghĩ mới mẻ hơn một tí, nhờ vậy mà cái cách áp đặt định nghĩa cho từ “ám ảnh” cũng từ đó cũng “update” hơn. Không chỉ là mấy thứ tởm tởm, ghê ghê đâu, mà thích một ai đó cũng gây ra cảm giác ám ảnh. Thậm chí dữ dội và mạnh mẽ hơn nhiều so với mấy con ma áo trắng kia.
Bắt đầu có cảm tình một người, lúc nào cũng kè kè kế bên để nhìn người đó nói, cười, vu vơ hát theo một khúc nhạc… rồi sinh ra nghiện lúc nào không hay. Tối về, giọng nói đó, nụ cười đó, tiếng hát đó hiện ra trong tâm trí rồi ngủ ngon lành tới sáng. Vừa mở mắt ra thì cơ thể râm ran, giống như điện giật.
Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức đơn phương. Không cần lời đáp trả, không cần nhận bất cứ điều gì. Rồi cứ như vậy, cứ như vậy, cho đến khi người ta quen một người khác. Thất bại. Khó chịu. Hình như là ghen. Tại sao lại vậy nhỉ? Có là cái gì của nhau đâu? Nhưng cảm xúc làm sao ngăn lại được? Ban ngày, ghét cay ghét đắng người ta vì không chịu nhận ra tình cảm của mình, để rồi ban đêm, bị giọng nói, nụ cười, âm thanh ấy ám ảnh, đến độ không tài nào ngủ được.
Giờ đây, cái cảm giác đó vẫn nguyên vẹn như cái ngày mới bắt đầu thấy thích. Người ta nói đúng, người mình thích đầu tiên sẽ chẳng bao giờ nhớ được ngày bắt đầu, kể cả ngày kết thúc. Vì làm gì có cách để dừng lại, để quên đi?
Đi trên con đường, thấy một người chạy chiếc xe đạp giống người đó. Nhớ.
Đi ăn ở một cái quán vỉa hè, nghe một người kêu một tô bánh canh nhiều tiêu, ít hành lá giống người đó. Nhớ.
Coi một bộ phim, thấy nhân vật có tính cách giống người đó. Nhớ.
Đi học, nhìn thấy đứa bạn mới có nét chữ giống người đó. Nhớ.
Làm tất cả mọi thứ, đều cảm thấy hình bóng người đó trong đấy. Đều nhớ.
Chỉ có điều là, nhớ để được gì?…
Cái định nghĩa ám ảnh cứ bám lấy tâm trí. Chẳng thể làm được gì. Là biểu hiện cao trào nhất của tình-thương-và-tình-nhớ-đã-cũ. Nhớ và thương, đã là quá mệt mỏi, cớ sao lại còn gán vào đấy một chữ “cũ”?
Cảm ơn người, vì đã mang cảm giác đó đến tận ngày hôm nay, kể cả khi ngồi gõ mấy dòng lảm nhảm này, vẫn là nhớ, là ám ảnh đấy thôi…
Gya Rados
S Communications
www.UEHenter.com