Gây bão với bài hit đình đám trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2013, Táo Kinh tế đã thể hiện xuất sắc phần dự thi của mình bằng màn trình diễn “Một năm kinh tế buồn” một cách ấn tượng, nhưng cũng đầy chua chát khi hai từ “nợ xấu” được nhắc đến như một hình ảnh châm biếm về sự bất lực của các cơ quan kinh tế trong việc giải quyết khủng hoảng năm 2012.
Trên thực tế, không phải Chính phủ Việt Nam không có biện pháp xử lý nợ xấu như trong “phiên chất vấn” của Nam Tào, Bắc Đẩu. Vào tháng 11/2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đề xuất lên Chính phủ đề án xử lý nợ xấu quốc gia mang tên VAMC, dự kiến sẽ được Bộ Chính trị phê duyệt và thực thi vào cuối quý I, đầu quý II năm 2013. Vậy VAMC, đó là gì?
1. Đề án VAMC.
VAMC (Vietnam Asset Management Company) là tên viết tắt của công ty thu mua nợ quốc gia, là một trong những đề án nhằm xử lý nợ xấu của NHNN. Trong bước đầu tiên của quá trình cơ cấu nợ, ngân hàng sẽ “chuyển giao” giá trị sổ sách nợ xấu sang VAMC. Đổi lại, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt với lãi suất cực thấp cho ngân hàng.
Cách làm này giúp các ngân hàng vừa làm sạch bảng cân đối tài khoản, vừa giúp ngân hàng không phải ghi nhận lại toàn bộ tổn thất tín dụng ngay khi bán nợ xấu (nhất là các ngân hàng đang niêm yết) mà có thể phân bổ tổn thất này trong vòng 1-5 năm.
Công ty hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, xử lý nợ xấu sẽ bao gồm hai phần chia đều trách nhiệm cho NHNN và Bộ Tài chính, với hai mảng là nợ xấu ngân hàng và nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mục tiêu của đề án được xác định khá rõ ràng là tạo điều kiện mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn tốt để có thể cơ cấu lại và phát triển; ôn định vĩ mô; đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng…
Trong cơ chế hoạt động, VAMC là công ty trực thuộc Chính phủ nhưng sẽ chịu trách nhiệm giám sát và quản lý của NHNN. Nguồn vốn ban đầu của VAMC sẽ nhỏ hơn nhiều so với quy mô nợ xấu (xấp xỉ 5.000 tỷ đồng) và do Nhà nước cấp. Bên cạnh đó, VAMC sẽ phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện giao dịch mua-bán nợ xấu với các tổ chức tín dụng (TCTD).
Lợi ích đầu tiên mà trái phiếu VAMC này đem lại chính là làm tăng tính thanh khoản cho NHTM. Khi ngân hàng mua trái phiếu, tức là một tài sản “xấu” trên bảng cân đối kế toán đã biến thành một tài sản “được coi là tốt”. Từ tài sản “không có tính thanh khoản” thành một tài sản có thể mua, bán, cầm cố, thế chấp trên thị trường và đặc biệt là bên NHTM có thể đem trái phiếu này tới NHNN để chiết khấu lấy tiền. Dù rằng chỉ nhận được 30% hay 50% giá trị của VAMC thì các ngân hàng có nhiều nợ xấu đã được bổ sung thêm một lượng tiền đáng kể, mà không phải huy động từ dân cư hoặc vay liên ngân hàng với lãi suất cao.
Chi phí cơ hội của đề án?
VAMC không phải là bữa ăn trưa miễn phí mà Chính phủ dành cho các NHTM. Thứ nhất, việc các TCTD đem trái phiếu của VAMC đến NHNN để tái chiếu khấu (tỷ lệ 20-40%) thực chất là một hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế, làm tăng cung tiền M2, từ đó gây ra rủi ro lạm phát.
Thứ hai đây lại là lần đầu tiên một công ty mua bán tài sản cấp quốc gia được thành lập với vốn sở hữu là 100% của nhà nước, hiệu quả hoạt động thực tế chưa được kiểm chứng do đó khả năng và tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC là một ẩn số.
Thứ ba là vấn đề lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình mua bán nợ trong khi những luật định và các chế tài xử lý cụ thể vẫn chưa có. Nếu kết quả đi ngược lại với mục tiêu ban đầu thì đề án sẽ gây tổn thất thêm cho hệ thống và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.
2. Giới tài chính, họ nghĩ sao?
Louis Taylor, CEO cua Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered bày tỏ lo lắng trên Thời báo ngân hàng về kế hoạch sử dụng vốn của VAMC, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới giá trái phiếu và giá trị đồng tiền (lạm phát). Điều này cũng dễ hiểu vì các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nắm rất nhiều trái phiếu và giấy tờ có giá, nếu lạm phát trở lại và lãi suất tăng thì số trái phiếu này sẽ mất giá và các TCTD sẽ lỗ nặng.
Còn theo bà Lee Chui Sun, giám đốc cấp cao của công ty PwC Malaysia lại cho rằng nếu Chính phủ bơm tiền ào ạt qua VAMC, nợ xấu sẽ vẫn lại như cũ. Thay vào đó, Việt Nam nên bơm tiền một cách từ từ và thông báo rõ ràng kế hoạch hành động tới toàn thị trường.
Nhưng đó chỉ là nhận định về phía các chuyên gia, còn các nhà đầu tư cổ phiếu, họ lại thấy mảng tươi sáng hơn về tương lai của bức tranh kinh tế. Bằng chứng là sau khi thông tin về VAMC được hé lộ trên mặt báo, chỉ vài ngày sau, cổ phiếu VN-Index tăng 17%, HNX-Index tăng gần 15%.
Tiếp sau đó, Marc Faber- chuyên gia tư vấn đồng thời là nhà quản lý quỹ nổi tiếng với những nhận định tiêu cực về thị trường – cũng có một bài phát biểu trên chương trình Squawk Box ngày 09/01/2013 trên kênh CNBC rằng: “Năm 2013 nên đầu tư vào Thị trường chứng khoán Việt Nam”. Tuần báo kinh tế nổi tiếng Bloomberg đã bình luận nước ta là “thị trường tăng trưởng tốt nhất kể từ đầu năm 2013”. Cả Wall Street Journal còn chạy tít chúc mừng năm mới thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Bỏ qua những quan điểm lo ngại của người dân trong nước cũng như những phản ứng tích cực từ các …chuyên gia nước ngoài thì tính cho tới thời điểm này, VAMC vẫn đang là chủ đề nhận được đông đảo sự quan tâm của giới tài chính nhất. Đây là một đề án của Chính phủ và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
3. Lời kết
Không có gì là chắc chắn nếu nói Hoang mang Style vẫn còn hot vào Táo quân 2013, nhưng có thể khẳng định một điều rằng nợ xấu sẽ không dễ dàng biến mất ngay trong thời gian này được. Liệu VAMC sẽ là cây kim đâm thủng quả bóng “Nợ xấu” đang căng phồng, hay lại là chất xúc tác khiến Hoang mang Style ngày càng trở nên phổ biến trong lòng dân chúng? Tất cả còn là một ẩn số và chúng ta hãy cùng chờ xem!
(*) Hình ảnh minh họa từ Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt.
Vân Thảo
www.uehenter.com
S Communications