Khởi Động Sau Tết

Tết đến, xuân về không chỉ là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ mà còn có thể xem là kì nghỉ ngắn sau khoảng thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, chúng ta vẫn phải hoàn thành một số việc nhất định để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc và học tập sau Tết. Trước khi nghỉ, ai cũng lên kế hoạch hoàn thành trước Tết vì rút kinh nghiệm những năm trước bị áp lực về thời gian khi mà ngày làm việc, học tập đã cận kề mà công việc, bài tập vẫn chưa xong. Lên kế hoạch chi tiết, cụ thể là vậy nhưng không phải ai cũng thực hiện được một cách thành công. Giờ đây, khi kì nghỉ này đã gần kết thúc, nếu những việc cần làm vẫn còn dang dở, hãy bình tĩnh và cùng thử nghiệm một số chia sẻ này nhé!

1) Đồng hồ sinh học:

Nếu hằng ngày, bạn thức dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng và đi học đúng giờ thì Tết đến, chiếc đồng hồ của bạn sẽ “lệch” ngay. Đó là một hiện tượng rất bình thường mà khó có ai tránh khỏi: tự cho phép mình ngủ dậy trễ, ăn sáng, ăn trưa lệch giờ một chút thì có sao, thậm chí còn bỏ bữa, tối thì thức khuya… Chính những việc này làm cho chiếc đồng hồ sinh học của bạn bị “lệch” và cảm thấy rất mệt mỏi nếu không điều chỉnh lại trước khi bắt đầu việc học sau Tết. Vậy đâu là cách để chiếc đồng hồ hoạt động đúng?

Vẫn còn khoảng một tuần nữa mới đến ngày đi học trở lại, vậy hãy đặt đồng hồ báo thức của bạn mỗi ngày sớm hơn 10 phút. Lưu ý, 10 phút này cũng tùy thuộc vào từng người. Nếu dịp Tết bạn thức dậy quá trễ thì cần nậng khoảng thời gian này lên từ 10 phút đến 15 phút hay 20 phút. Cần tính toán làm sao để trong vòng một tuần bạn có thể đưa thời gian thức dậy đúng với chiếc đồng hồ sinh học trước Tết.

Một bí quyết nhỏ để thành công là bạn nên đi ngủ sớm hơn. Nếu ban ngày là thức dậy sớm một chút thì buổi tối là đi ngủ sớm hơn một chút. Thời gian đi ngủ sớm hơn nên gấp đôi thời gian thức dậy sớm hơn. Chẳng hạn ngày mai bạn dậy sớm hơn 15 phút thì tối nay bạn nên ngủ sớm hơn 30 phút.

2) Lập kế hoạch:

1111

Mặc dù kế hoạch đặt ra trước Tết đã thất bại nhưng cũng đừng vì thế mà nản chí. Kế hoạch lần này bạn lập ra cần cụ thể và nghiêm túc thực hiện. Bí quyết giảm bớt căng thẳng và thực hiện được những điều đã đặt ra là nên chia nhỏ công việc thành từng giai đoạn với thời gian nhất định. Trong quá trình hoàn thành, bạn không chỉ quan tâm đến tiến độ mà còn cần quan tâm đến chất lượng. Tránh tình trạng chỉ lo thực hiện cho kịp giờ mà bỏ qua chất lượng. Điều đó chỉ càng làm cho bạn thêm áp lực về thời gian mà thôi. Hãy nghĩ một cách kĩ lưỡng xem! Nếu công việc hoàn thành với chất lượng kém, nhiều khi bạn phải bỏ ra thời gian gấp đôi để sửa lại, Liệu bạn có đủ kiên nhẫn và đủ thời gian để làm lại không?

3) Sức khỏe tốt:

Có sức khỏe tốt, bạn mới có khả năng thực hiện những kế hoạch đã đặt ra. Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, bổ sung nhiều rau quả và nước trái cây, tránh xa những loại thức uống có chất cồn như rượu, bia và hạn chế những đồ uống có gas…để sở hữu một sức khỏe tốt và tinh thần sảng khoái.

4) Giải trí lành mạnh:

Sau giờ học căng thẳng, bạn giải trí bằng hình thức nào? Nghe nhạc, đọc sách, xem TV, chơi game trong khoảng thời gian cho phép… tất cả những cách đó đều ổn. Cần kết hợp một cách khoa học giữa học tập và giải trí để mang lại kết quả tốt trong công việc và tránh gây áp lực cho bản thân. Đừng vì áp lực thời gian mà bỏ qua giải trí. Bạn có thể làm việc liên tục một ngày, hai ngày nhưng không thể là một tuần. Làm việc liên tục thì chất lượng công việc có thể không được đảm bảo  và đó cũng là những áp lực mà bạn tự đem lại cho bản thân mình.

Trên đây là một vài chia sẻ hi vọng sẽ mang lại hiệu quả cho các bạn khi áp dụng!

Luhana
S Communications
www.UEHenter.com