“Nói về được và mất thì vụ đầu tư này có vẻ hời hơn, mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả cơ hội… tuy nhiên anh chọn sự mất mát này để sống một khoảng thời gian rất trẻ: nông nổi – bộc phá – hừng hực -… và vững vàng.”
Hưởng ứng chương trình Ban Điều Hành Tập Sự nhóm S Communications 2013, BTC chương trình đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với anh Hồ Thành Tâm, chị Nguyễn Bích Ngọc và chị Nguyễn Minh Hà, nguyên là trưởng nhóm S Communications qua 3 nhiệm kì 10, 11,12. Chủ đề buổi phỏng vấn chủ yếu là chia sẻ những nhận định, những từng trải, những kỉ niệm của anh chị từ khi là “thường dân” đến khi trở thành “nhân vật nguy hiểm”.
Cùng nghe lời tâm sự để hiểu hơn về vị trí lãnh đạo nói chung, và lãnh đạo Scoms nói riêng. Họ đã trải qua những gì, được gì, mất gì, đánh đổi gì và học tập được gì từ những điều mà họ đã làm được, nhé.
1. Đầu tiên, để hiểu hơn về động cơ khiến anh chị đi đến quyết định lên BDH. Anh chị có thể cho các bạn biết cái duyên gì đã giúp anh chị quyết định như vậy không ạ?
Anh Thành Tâm: “ Ngay khi vào nhóm, anh đã ý định muốn lên ban điều hành. Lúc đó, tuổi trẻ thật sự có rất nhiều ý tưởng, dường như lúc nào cũng sẵn sàng tuôn trào nên anh muốn trở thành BĐH, để lãnh đạo nhóm, để mang lại những sự khác biệt và có cơ hội thực hiện hóa những ý tưởng đó. Nếu mình nhỉ là một “thường dân” thì khó lòng có thể làm được thật nhiều việc khi không có đôi tay và khối óc của tập thể.”
Với anh Tâm, đó là một ý định được xây dựng từ trước. Nhưng với chị Bích Ngọc, đó là một cái duyên tình cờ: “Anh Tâm (trưởng nhóm hiện thời) giao cho bộ phận Kế Hoạch (giờ đã tuyệt chủng) một nhiệm vụ: viết kế hoạch thành lập STV, mà bộ phận Kế Hoạch cũng có đến hai team, nhưng cái duyên này cứ rơi từ tay này qua tay khác, một chặp thì nó rớt trúng chị, rồi chị lò dò chạy luôn dự án STV và thành lập ekip. Thế là từ đó lên BĐH.
Khi đứng trước những quyết định quan trọng như làm STV, lên BĐH, làm trưởng nhóm, hay cả những quyết định lớn bé sau khi ra khỏi nhóm cũng vậy, chị thường nghĩ: Không mình thì ai? Lịch sử vẫn sẽ diễn ra dù có mình hay ko, cách này hay cách khác, nhưng làm sao để mình là một phần làm nên lịch sử mới đáng nói.”
Đối với nguyên trưởng nhóm mới nhất của Scoms, chị Minh Hà cho biết: “Để quyết định lên BĐH thì ai cũng chỉ có một lí do mà thôi: đơn giản đó là tình yêu dành cho S quá lớn và mong muốn tiếp tục làm điều đó nhiều hơn để cống hiến.”

2. Vị trí lãnh đạo đã giúp anh chị thay đổi gì? Anh chị đã nhận được, và có đánh mất điều gì trong quá trình đó?
Anh Thành Tâm chia sẻ: “Anh cảm nhận sự thay đổi qua từng ngày trong bản thân mình khi trở thành ban điều hành. Nhiều khi thấy chóng cả mặt. Khoảng thời gian đó anh sống vội vã, lao vào công việc, lao vào những mối quan hệ,… và ép bản thân mình phải thích nghi với môi trường ‘chưa bao giờ có” đó. Những điều học được có lẽ nhiều hơn cả những gì trên giảng đường, tự mò mẫm và tự khám phá những định nghĩa của riêng mình về cuộc sống. Anh học được cách xây dựng tổ chức, cách truyền cảm hứng làm việc cho mọi người, cách để yêu thương những con người khác mình… và quan trọng là học cách đối mặt với những giới hạn của bản thân. Nói về được và mất thì vụ đầu tư này có vẻ hời hơn :), mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả cơ hội… tuy nhiên anh chọn sự mất mát này để sống một khoảng thời gian rất trẻ: nông nỗi – bộc phá – hừng hực -… và vững vàng. Nhờ khoảng thời gian này, mà về sau, anh có vẻ “chẳng biết sợ gì cả”.

3. Tố chất gì anh chị nghĩ là cần nhất khi làm lãnh đạo? Anh chị có thể chia sẻ về kinh nghiệm khi mình đã rèn luyện để có, hoặc một vấn đề nào đó xảy ra vì thiếu tố chất này.
“Theo anh đó là sự “trăn trở””- Anh Thành Tâm nhận xét- “ Trăn trở với chính bản thân mình, trăn trở với những điều của tập thể. Khi sự trăn trở đó thôi thúc không ngừng, đến một lúc nào đó sẽ đủ mạnh để khiến mình làm tất cả. Hãy luôn đặt cho mình những câu hỏi, tại sao lại như vậy?. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố thôi, còn để trở thành một lãnh đạo thì phải “đi, nghe, nói, đọc, học…” nhiều.
Khi là một người lãnh đạo, anh biết rằng mình phải học cách để chia sẻ nhiều hơn. Tập tành từ những lần ngồi café với các bạn trong nhóm, đi chơi chung, tâm sự, chia sẻ về cuộc sống, về những gì mình đã trải qua,về những gì học được … anh đã dần dần trở nên “social” hơn và sẵn sàng “share” với mọi người. “
Với chị Minh Hà thì đó là “Tâm và Tài. Để trả lời cho câu hỏi tố chất nào là cần nhất, chị vẫn chọn Tâm. Nhưng lãnh đạo mà không có Tài thì chắc chắn sẽ không quản nổi “đội quân đỏ” càng ngày càng phình to như thế này.
Dù sao thì, theo chị quan sát trong vài thế hệ gần đây, có thể khẳng định một khi đã trở thành “đối tượng tiềm năng” thì bằng cách này hay cách khác, những bạn lên làm lãnh đạo của nhóm đều được bồi dưỡng cả Tâm lẫn Tài.”

4. Kỉ niệm nào khiến anh chị nhớ nhất khi tại vị? Nó ảnh hưởng đến anh chị lúc đó và về sau như thế nào?
Chị Minh Hà kể lại:
“Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với chị chính là thời kì tổ chức GreenS, khi đang làm trưởng bộ phận PR (chính là ER hiện giờ). Gần như đó là lần duy nhất chị thấy nhiều nước mắt như vậy từ các thành viên của nhóm mình, và đó cũng là học kì mà chị te tua nhất (hehe). Chính từ sau lần đó, nó đã làm chị suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa mình và STSV (lúc đó nhóm chưa tái định vị thành Scoms như hiện giờ, có vẻ thế hệ S của chị chứng kiến khá nhiều thay đổi của nhóm quá nhỉ?).
Chị đã phải suy nghĩ rất nghiêm túc về việc chỉ chọn một trong hai: rút khỏi nhóm, hay học cách cân bằng việc học và hoạt động. Rồi còn thấy được cả chỉ một quyết định của mình sẽ ảnh hưởng đến biết bao con người khác như thế nào. Việc chị quyết định chọn cái nào, hành động ra sao thì bây giờ mọi người cũng có thể đã thấy. Và cách nghĩ, cách làm của chị từ sau sự kiện đó đã có sự thay đổi rất nhiều và còn dấu ấn cho tới tận bây giờ.”
5. Anh chị nghĩ gì về chương trình BDHTS của nhóm? Kỉ niệm khiến anh chị nhớ nhất khi tham gia BDHTS?
Anh Tâm nhận định như sau: “Đây là cửa ải đầu tiên để bạn bước vào một thế giới mới. Nếu không vượt qua được cánh cửa này thì cũng đừng luyến tiếc hoặc là bạn không phù hợp với vị trí này hoặc là hãy đợi đấy, ta sẽ phục thù sau (cười)
Chương trình BĐH Tập sự năm 2010, với mỗi ứng viên anh đều hỏi câu hỏi: “Em có yêu nhóm không?” . Điều anh cần là ánh mắt rực lửa khi nói về những điều em thật sự muốn làm cho nhóm.”
Chị Bích Ngọc “đe dọa”: “Các thí sinh tham dự chương trình có rất nhiều áp lực, vì ít nhiều việc quyết tâm lên BĐH là một quyết định lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng và học tập của các bạn. Đặc biệt là không phải ai cũng có thể sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách ổn thỏa để theo đuổi, sẽ có vài trường hợp dừng lại giữa đường vì chưa đc chuẩn bị kỹ..”
Chị Minh Hà chia sẻ một vài điều cho thế hệ mới: “ BDHTS là một bước thử thách và tôi rèn không thể thiếu cho thế hệ lãnh đạo tương lai. Ở đây chị không dùng từ BĐH vì như em biết đó, không phải chỉ BĐH mới được xem là những người lãnh đạo của nhóm..
Nhân tiện chị cũng tranh thủ bật mí chút bí kíp cho các em về cách trả lời những câu hỏi hóc búa và khó đỡ như thế này từ những con người nguy hiểm kia nhé. Đó là hãy luôn trả lời thật chân thành và đúng với những gì các em nghĩ và sẽ làm trong những tình huống được đặt ra. Vì hầu hết các anh chị đều đã có thời gian quan sát và làm việc cùng với các em, nên những những câu trẻ lới quá khác với con người các em sẽ không được đánh giá cao. Ngoài ra, mục đích của những câu hỏi này không chỉ để đánh giá năng lực của thí sinh, mà còn để BTC có những kế hoạch training tăng trình độ “nguy hiểm” cho BĐH tương lai nữa đó (hehe).
Kết quả của chương trình này năm nào cũng sẽ quyết định cả nhiệm kì sắp tới của S đỏ. Do đó, chị chúc cho BTC lẫn thí sinh của năm nay sẽ có một mùa tập sự thành công nhé!”

Chân thành cảm ơn sự chia sẻ quý báu từ quý anh chị. Đó như là một kinh nghiệm, một động lực giúp thế hệ mới S Communications tự tin vững bước trên con đường phía trước. Con đường còn nhiều chông gai, cần lắm thế hệ lãnh đạo đủ tâm, đủ tài, đủ trăn trở đưa Scoms ngày một phát triển.
Chương trình Ban Điều Hành Tập Sự 2013, Say- Stay- Support, chi tiết tại www.scommunications.org.
BTC chương trình BDHTS 2013