Theo lịch đào tạo của nhà trường, sau 7 kì học tập tại giảng đường, sinh viên năm cuối sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn đi thực tập 3 tháng để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Trong quá trình học tập của sinh viên, có thể nói, đây là giai đoạn hết sức quan trọng khi những kiến thức “suông” được tiếp xúc với thực tế. Giai đoạn này cũng là bước đệm để sinh viên được làm quen với môi trường làm việc và đúc rút ra những kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân mình.
Tháng 1/2013 này chính là thời điểm bắt đầu thời kì thực tập của những bạn sinh viên k35. Xoay quanh câu chuyện thực tập đó, có những điều dở khóc, dở cười đáng nhớ với mỗi sinh viên.
Lao đao chuyện chọn nơi thực tập:
Đối với trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết tất cả sinh viên các ngành đều phải tự tìm chỗ thực tập cho mình, duy chỉ có Tài Chính Nhà Nước và Ngân Hàng là được khoa hỗ trợ tìm chỗ thực tập. Vì vậy, chính công cuộc tìm kiếm chỗ thực tập lại là một cuộc chạy đua thử sức với các bạn sinh viên. Một số bạn tìm kiếm thông tin các công ty qua người quen hoặc trên công cụ internet. Dù bất kỳ hình thức nào thì các bạn đều ý thức được tầm quan trọng của giai đoạn thực tập này.
Bạn Kim Hương (TCDN): “Bên khoa tài chính doanh nghiệp mình không cần đi thực tập mà chỉ cần kiếm được con dấu, chủ yếu đọc tài liệu là được. Nhưng mình vẫn muốn thử sức với thực tế. Để kiếm được những chỗ thực tập thì có nhiều cách, mình quan tâm tới công ty nào thì tìm hiểu công ty đó hoặc nhờ người quen giới thiệu, nếu liều lĩnh thì nộp hồ sơ vào chỗ mình muốn thực tập nhưng không đăng tuyển”.
Với tâm lý học một trường lớn và ngành hot, nhiều sinh viên vẫn e dè nộp đơn vào các công ty nhỏ mặc dù đang trong thời gian chờ đợi công ty lớn gọi phỏng vấn, với hi vọng làm đẹp hơn bài khóa luận của mình.
Bạn Như Ngọc (Marketing): “Dù đã có nơi tuyển dụng thực tập nhưng mình muốn tìm một vị trí đúng với ngành học để có thể áp dụng những điều đã học vào công việc. Lúc đầu mình nộp đơn vào vị trí marketing của tập đoàn Lotte, được gọi đi phỏng vấn nhưng do tiếng anh của mình chưa giỏi nên không được chọn. Sau đó mình xin thực tập ở công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ. Thực tập ở những công ty lớn, điều đó sẽ giúp mình dễ dàng viết khoa luận hơn”.
Háo hức trước khi đi thực tập:
Hầu hết sinh viên đều mong chờ đến giai đoạn kì thứ 8 để được đi thực tập. Sau thời gian đằng đẵng học với mớ lý thuyết trên sách vở, đây chính là lúc mỗi người sẽ xử lý công việc của mình bằng những hiểu biết và kinh nghiệm riêng. Thêm vào đó, nhiều sinh viên mong muốn được thể hiện khả năng, bản lĩnh của mình với những “người thật, việc thật”. Với một tâm thế sẳn sàng đương đầu với trở ngại cùng quá trình rèn luyện ở ngôi trường kinh tế, hầu hết sinh viên k35 tỏ ra khá hào hứng với việc đi thực tập.
Bạn K.Ninh (TCDN) chia sẻ rằng : “Đối với việc thực tập mình không lo lắng, hồi hộp lắm nhưng háo hức thì có. Mình lên công ty và cô hướng dẫn bảo là cuối năm việc nhiều nên chủ yếu quan sát thôi chứ cũng khó được thực hành, nếu có công việc nào đơn giản và đủ tin tưởng thì họ mới giao cho mình làm.”
Thực tập là thời kỳ nghỉ ngơi?!?
Một số bạn sinh viên do có công ty gia đình hoặc chắc chắn đã có chỗ làm việc sau khi ra trường nên không hề có tâm lý học hỏi trong quá trình thực tập. Đây là thời điểm không ai quản lý, nhà trường cũng không mà doanh nghiệp cũng không. Nhiều bạn chọn cho mình những hình thức du lịch và nghỉ ngơi trong những ngày này. Xét cho cùng thì câu chuyện thực tập vẫn chỉ là “con dấu” và bài báo cáo nên có đi thực tập hay không đối với các bạn này cũng không quan trọng. Vì vậy, một số bạn có tâm lý “đi cũng được mà không đi cũng được”.
Thực tập không như là mơ:
Từ niềm hân hoan, háo hức giai đoạn đầu, nhiều sinh viên sau khi bắt tay vào công việc thực tập thật sự lại muốn… quay về ngồi học trong giảng đường.
Các công ty hầu như guồng máy làm việc đã đi vào khuôn khổ khớp với nhau từng bộ phận nên khi các bạn đi thực tập chủ yếu quan sát và làm những công việc đơn giản. Không phải ai cũng được thực tập đúng ngành nghề của mình.
Bạn T.Huy (TCNN): “Mình được làm công việc khá nhàn, ngồi phòng máy lạnh, nhập liệu. Tuy không phải lao động tay chân, chạy bôn ba ngoài đường, nhưng mình ngồi miết cũng chán”.
Đó là một công việc cũng khá tốt đối với một nhân viên thực tập. Hiện tại, nếu không nói thẳng ra, một số bạn sinh viên còn được thực hành nghề “bưng nước pha trà”. Công ty bảo lên xem quan sát mọi người làm sao rồi làm theo nhưng chả mấy ai chịu giao việc cho những sinh viên vẫn còn lơ ngơ. Nhiều bạn còn bị sai vặt đi làm những việc như photo tài liệu hay đi pha trà, bưng bê cho các “ma” cũ của công ty.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp không chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực thực tập tại chỗ cho công ty, họ sợ những công việc bị xáo trộn và chưa đủ tin tưởng nên việc nhận thực tập chỉ là hình thức. Việc thiếu kinh nghiệm thực tế cũng là một vật cản lớn đối với các sinh viên.
Lời kết cho câu chuyện thực tập:
Thực tập là một giai đoạn quan trọng để mỗi sinh viên thiết lập những mối quan hệ tốt, rèn luyện kỹ năng và ứng dụng kiến thức sách vở vào cuộc sống. Vì vậy, dù cho có những khó khăn nhưng mỗi bạn vẫn nên thể hiện một tâm thế chủ động học hỏi, biết đòi hỏi những quyền lợi cho bản thân và mạnh dạn trao đổi với những người phụ trách về mong muốn của mình.
Hơn nữa, các bạn cũng không nên chăm chăm vào công ty lớn chỉ để ra oai với bạn bè hay làm đẹp báo cáo của mình, nếu không tìm được vị trí thực tập phù hợp, hãy mạnh dạn chuyển công ty để không lãng phí thời gian và công sức của mình.
Phương Thảo