Này hỡi ! chú chim non,
Đang bay, đang bay giữa trời lộng gió.
Cảm thương sao
Con cá nhỏ bơ vơ,
Đang bơi ngược dòng…nước xoáy!
Trôi giữa dòng đời đâu biết đục trong.
(Lời bài hát Chú bé đi tìm cha)
Phố phường về đêm. Khi đường sá, xe cộ, người qua lại bắt đầu thưa thớt, thổn thức đâu đó một trái tim vẫn lặng yên nơi đó. Là em, chẳng thể lẫn vào đâu được. Có lẽ, em lại đang suy nghĩ về cuộc đời, về những dấu hỏi cứ miên man trong lòng, không lời giải đáp. Ẩn số cuộc đời đã trùm lên người em một cái khăn choàng to đùng, tối đen, không có lấy một khe hở để ánh sáng lọt vào soi rọi, dẫn đường. Tôi tình cờ được gặp em trong Chiến dịch tình nguyện Sinh viên Kinh tế 2014. Ba tuổi thì cha mẹ ly hôn, chín tuổi mới được cắp sách đến trường, biết con chữ. Khi cha mẹ em mỗi người một ngả, tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình, chỉ còn em trơ trọi, bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời xô đẩy.
Mồ côi cha, ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ, liếm lá dọc đường
Người ta kể cho tôi nghe rằng: hồi em ba tuổi, cái tuổi mà đứa trẻ chỉ mới chập chững tập đi, bi bô tập nói, chỉ biết khóc khi đói, cười khi vui thì em đã phải tự xuống bếp, nhóm lửa nấu cơm mém chút gây cháy nhà. Tôi lặng người. . Câu chuyện nghe có vẻ phi lý, nhưng đôi khi, có những sự thật bắt ta phải tin, và đó chính là sự thật. Với một đứa trẻ bị bỏ rơi, khi còn rất nhỏ, để tự làm no bụng của mình, nó phải trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ khác. Cơm ăn bữa no bữa đói, thân hình em gầy gò trơ sống lưng. Từ ngày chiến sĩ chúng tôi về đây công tác, em cũng chỉ mặc độc một bộ quần áo duy nhất. Tôi hỏi em sao không thay bộ khác, đôi mắt tròn ngây thơ, em nhoẻn miệng cười ngượng ngùng: “Em chỉ có bộ này thôi, mấy bộ kia cũ rách hết rồi.”
Nhớ ngày đầu chiến dịch, em dẫn chúng tôi đi thăm các nhà trong xóm bằng đôi chân trần đen nhẻm. Cậu bé lanh lợi, như chú chim nhỏ ríu rít xung quanh các màu áo xanh tình nguyện. Có lẽ từ lâu lắm rồi, chưa từng có ai quan tâm, yêu thương em như cách chúng tôi vẫn đang làm. Đi theo chúng tôi mọi lúc, mọi nơi; từ thăm nhà làng xóm, đến đi nhặt rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường; từ hội thao huyện cho đến ngày hội gia đình xã… Chú chim nhỏ ấy là chim dẫn đường, người đồng hành với các anh chị chiến sĩ suốt cả ngày.
Tôi còn nhớ một buổi tối kia, khi xóm giềng đang chìm dần vào giấc ngủ, em vẫn ngồi trước hè nơi chúng tôi ở, không về vì nhà xa. Lòng tôi quặn đau. Chúng tôi dẫn em qua nhà họ hàng của em trong xóm. Không phải là cái gật đầu như chúng tôi mong mỏi mà là sự thờ ơ của những người được gọi là “họ hàng”. Đôi mắt em long lanh chực khóc, khoé mắt đỏ hoe, đôi môi mím chặt, cố kìm nén những giọt nước mắt tủi thân. Cậu bé giẫy khỏi cái nắm tay của chúng tôi, chạy ra bến sông, leo lên chiếc thuyền nhỏ chống ghe chèo đi. Nhìn chiếc ghe bơi dần hút khỏi tầm mắt, đôi mắt người chiến sĩ và tôi chợt ướt nhòe: “Em ơi”. Tôi sợ và lo lắng. Khi chúng tôi đi rồi, ai sẽ dạy em học mỗi ngày? Ai sẽ là người vui đùa trò chuyện cùng em mỗi tối? Cùng em chia sẻ những yêu thương? Chú chim nhỏ ấy, này hỡi, em sẽ ra sao?
Nghĩ về em, tôi chỉ mong cho em những điều tốt đẹp nhất mà mình có được, một thế giới tràn ngập tình yêu thương, tiếng cười, những bộ quần áo đẹp, những bữa cơm ngon và ấm cúng. Cho em hôm nay và mãi mãi mai sau. Thương em
Xuân Quỳnh
S Communications
www.UEHenter.com