Tháng 9 gõ cửa mang theo trên mình một mùa tựu trường ươm mới. Tháng 9 cũng là tháng ghi dấu những bước chân đầu tiên của các bạn tân sinh viên trên khắp mọi miền đất nước bước vào môi trường Đại học đầy thử thách lẫn thú vị. Từ miền quê xa xôi bỡ ngỡ lên thành phố ắt hẳn bạn nào cũng mang trong mình nhiều băn khoăn, lo lắng. Và một trong những điều đó chính là việc đi lại bằng phương tiện nào sao cho tối ưu, nhất là ở chốn Sài Gòn đông đúc, hoa lệ này?
Nhắc đến sinh viên, có lẽ ba phương tiện mà người ta thường nói đến nhất chính là xe buýt, xe đạp và xe máy. Vậy giữa “xế hộp” và những chú “ngựa sắt” đó, đâu mới là điều tốt nhất sinh viên cần lựa chọn? Hãy cùng UEHenter khám phá điều này nhé!
Mưa, nắng và gió…
Sài Gòn nổi tiếng là một thành phố nắng mưa thất thường, có khi đang nắng nóng bỏng rát là thế chợt ào một cái đã mưa như trút nước, rồi chẳng bao lâu sau trời lại hanh hao nắng chói chang. Hơn nữa là một thành phố nhộn nhịp đất chật người đông, những giờ cao điểm mà bước chân ra ngoài đường thực sự là một…cực hình! Đường xe như mắc cửi, nắng nóng, gió bụi, khói xe… đến ngạt thở. Và có một sự thật hẳn ai cũng biết là bạn sẽ chẳng bao giờ sợ mưa ướt lạnh, sợ nắng rát da khi được yên vị trong một chiếc xe buýt bon bon trên đường cả! Đó là một trong những điều tuyệt vời nhất của xe buýt đấy! Nếu di chuyển bằng xe máy hay xe đạp bạn phải chống chịu với thời tiết ẩm ương, mưa, nắng, gió và cả bụi đường, thì ngồi trên chiếc xe buýt có máy lạnh ghế ngồi chắc chắn thoải mái hơn nhiều.
Kinh tế
Đã là sinh viên thì hầu như ai cũng… “nghèo”! Chính vì thế mà vấn đề kinh tế luôn được các bạn quan tâm và đắn đo nhiều nhất. Trong ba loại phương tiện thì xe đạp chính là phương án tối ưu nhất để tiết kiệm kinh tế. Sử dụng xe đạp bạn chỉ phải trả tiền gửi xe bằng một nửa xe máy, thỉnh thoảng bơm vá và không cần đổ xăng. Ngoài ra di chuyển bằng xe buýt cũng khá tiết kiệm, chỉ với 2.000VNĐ/lượt đối với học sinh – sinh viên. Xe máy hẳn là phương tiện “đắt đỏ” hơn cả khi vừa tốn tiền gửi xe, tiền sửa chữa và tiền xăng. Với giá xăng khá cao hiện nay thì việc đ chuyển bằng xe máy quả thật sẽ “ngốn” khá nhiều trong số tiền phí hằng tháng của các bạn sinh viên đấy!
Sức khỏe
Không cần nói cũng biết xe đạp là phương tiện “mất sức” nhất để di chuyển. Với quãng đường từ nhà đến trường ngắn, không xa thì đi xe đạp có thể xem như tập thể dục hằng ngày để rèn luyện sức khỏe. Nhưng với đoạn đường dài, đặc biệt nếu phải di chuyển giữa các cơ sở, thì sẽ vô cùng mất sức và mệt mỏi.
Bên cạnh đó, với xe buýt, bạn thường phải đi bộ một quãng ngắn để đến bến xe hay từ bến xe đến địa điểm của mình. Các tuyến đường ở Sài Gòn hầu như đều có bến xe buýt và cách nhau không xa nên việc đi bộ này cũng như một cách vận động nhẹ cho bản thân mỗi buổi sáng hay sau hằng giờ ngồi trên giảng đường. Bù lại, khi leo được lên xe buýt rồi, bạn chỉ việc ngồi đợi đến bến để xuống.
Xe máy dường như là một biện pháp cho những người lười vận động, vì so với hai phương tiện trên thì xe máy ít tốn sức nhất. Tuy nhiên nếu lỡ xui xẻo xe bị tắt máy hay hết xăng giữa đường thì… còn mệt gấp bội ấy chứ!
Tập trung
Khi đi xe máy và xe đạp, đòi hỏi bạn phải thật tập trung khi cầm lái. Đường Sài Gòn rất đông đúc lại không thiếu những thành phần phóng nhanh vượt ẩu nên bản thân phải tự biết phòng bị cho bản thân, thật cẩn thận khi di chuyển. Tuyệt đối không được vừa đi vừa trò chuyện, nghe nhạc, ngắm cảnh…
Ngược lại thì trên xe buýt bạn có thể làm được nhiều việc hơn. Bạn có thể ngồi bên cửa kính mơ màng ngắm cảnh phố xá Sài Gòn, nhìn mưa rơi, nghe nhạc, trò chuyện và thậm chí là ngủ! Tuy nhiên, đừng quá mất tập trung mà quên cả bến xuống của mình nhé!
Tiện lợi
Bù lại đó, có thể nói xe máy là phương tiện tiết kiệm thời gian nhất. Xe đạp là phương tiện mất thời gian di chuyển nhiều nhất, còn xe buýt thì cũng tốn kha khá thời gian chờ đợi vì mỗi chuyến thường cách nhau từ 10-15 phút.
Xe máy và xe đạp có thể đi đến bất kì đâu và bất kì lúc nào, còn xe buýt thì chỉ hoạt động trong khung giờ nhất định. Di chuyển bằng xe buýt phải phụ thuộc khá nhiều vào thời gian, đặc biệt là buổi tối thì không thể đi lại được. Ngoài ra, với những chuyến xe buýt thông dụng thì việc lên xe không còn ghế ngồi là điều không hiếm. Trường hợp đó bạn buộc phải đứng, thậm chí là chen lấn khá chật chội.
Từ những phân tích ở trên, mong rằng các bạn tân sinh viên có thể dựa vào đó để tìm được cho mình phương tiện di chuyển phù hợp và tối ưu nhất nhé! Chúc các bạn sẽ có quãng đời sinh viên thật đẹp và đáng nhớ!
VyVy Jenda
S Communications
www.UEHenter.com