Người cho tôi thời áo trắng thân thương

Tôi đang sống trong hoài niệm của những ngày xưa cũ. Miên man, miên man,…. Từng kỷ niệm ùa về trong tâm trí tôi từ từ, nhẹ nhàng như một bộ phim quay chậm: kỷ niệm về tuổi thơ ngây ngô, nghịch ngợm; về thời áo trắng trong sáng, mộng mơ và về những ngày tháng sinh viên nhiệt huyết hết mình. Từng ngày, từng ngày tôi bước những bước đi mới trên con đường hoàn thiện tri thức. Và tôi biết, ngoài gia đình, bên cạnh tôi luôn có bóng dáng thân thương của thầy cô – những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời – hết lòng tận tụy, dõi theo mọi cố gắng của học trò. Một ngày 20/11 nữa lại sắp tới, tôi muốn dành tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất cho thầy cô – những “người lái đò” mải miết chở kiến thức đi khắp nơi, những con người cao quý của xã hội. Nhắm mắt lại, bất giác tôi thốt lên “Thầy cô ơi…!”.

Tiểu học, cô giáo của tuổi thơ.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường… Buổi sáng hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Không hiểu sao những dòng văn trong “Tôi đi học” của Thanh Tịnh cứ ngân nga trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nhớ về ngày đầu vào lớp một. Tôi nhớ như in những ngày ấy, cô giáo hiền hậu như trong truyện cổ tích bà thường kể, xuất hiện trước cửa lớp đón tôi từ bàn tay của mẹ. Tuổi thơ mà lúc nào cũng sống trong thế giới của những câu chuyện cổ tích với cô Tiên, ông Bụt, …. Tôi đã bắt đầu buổi học đầu tiên bằng những lời giảng, những câu chuyện ngọt ngào cô Trang. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ hết họ tên cô. Tôi chỉ biết rằng với tôi cái tên của cô thật hay, hay như chính những lời giảng của cô vậy. Cô dạy chúng tôi làm quen với que tính, với những con số, con chữ đầu tiên. Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng cô viết, rơi vào tâm hồn non nớt của chúng tôi những bài học của cuộc đời: bài học về tình cảm gia đình, tình bạn và tình người. Mẹ tôi kể ngày ấy lớp tôi có thi văn nghệ chào mừng 20/11. Tôi được cô giao cho một tiết mục văn nghệ. Thế là mỗi tối ở nhà, mẹ lại tranh thủ dạy tôi thuộc lời và giai điệu bài hát. Sáng ngày 20/11 đầu tiên (trẻ em ở quê tôi không được học mẫu giáo nên với tôi đó là ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên trong cuộc đời), cô Trang chạy khắp nơi mượn đồ đẹp, tết tóc rồi trang điểm cho tôi thật xinh nữa. Mẹ nói, khi tôi bước lên trước cột cờ và cất cao lời hát “Ngày đầu như thế đó cô giáo như mẹ hiền, em bây giờ cứ ngỡ cô giáo là cô tiên…”, cô Trang đã ôm mẹ khóc. Và mẹ cũng khóc theo. Tôi không hiểu vì sao, những kỷ niệm đó tôi đã không còn nhớ. Có lẽ tuổi thơ như trang giấy trắng, nhanh nhớ và mau quên mọi thứ. Những ký ức ấy, sau 20 năm khi nghe mẹ kể lại, tôi mới tìm thấy được. Bây giờ, mỗi khi đạp xe ngang qua một mái trường tiểu học và nghe mênh mang trong gió lời ca của bài hát “ngày đầu tiên đi học”, trái tim tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, mắt tôi cay xè. Tôi khóc vì hai người mẹ thân thương trong cuộc đời. “Em bây giờ khôn lớn, vẫn nhớ về ngày xưa Ngày đầu tiên đi học, mẹ cô cùng vỗ về…”

Thời áo trắng trong sáng, mộng mơ.

Tôi học cấp 2 và cấp 3 tại cùng một ngôi là trường Ngô Gia Tự. Tôi rất tự hào vì được mang trên mình màu áo truyền thống của trường – nơi mà đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên. Ở đó có hàng ghế đá thân thuộc, có sắc tím thơ dại của bằng lăng, có sắc đỏ rực rỡ của phượng vĩ, sắc xanh mát của bàng và có vị thơm nhẹ nhàng của hoa sữa mỗi độ thu sang. Ở đó có bóng hình của những người thầy, người cô dạy cho tôi biết yêu thương, biết ước mơ và biết cố gắng để đạt được ước mơ ấy. Tôi nhớ cô Hiên – cô giáo dạy văn lớp 6 của tôi, người đầu tiên khen những bài thơ ngô nghê con nít mà tôi tự làm, người đầu tiên nắn lại từng nét chữ lệch hàng cho tôi (dù tôi đã là học sinh lớp 6). Người đầu tiên khiến một học sinh từng không hứng thú gì với những cuốn sách nhiều chữ nhàm chán như tôi, từ đó lại gục đầu trên những trang viết. Tôi say mê “Không gia đình” của Hector Malot, tôi khóc trên trang sách “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis và tôi lặng đi khi đọc “Búp sen xanh” –viết về cuộc đời Bác Hồ vĩ đại của nhà văn Sơn Tùng,…. Cô từng kể với chúng tôi rằng, những cuốn sách đó, ngày xưa vì nghèo và yêu thích quá, cô đã từng có ý định đi mượn và “không trả lại” luôn. Nhưng thầy giáo cũ của cô thương và hiểu được tình yêu với văn học của cô, nên đã tặng hết cho cô. Để rồi khi gặp chúng tôi, cô lại muốn chia sẻ món quà quý giá ấy với cả lớp. Chúng tôi thay nhau đọc và giữ gìn. Chúng hay và sâu sắc, chúng đẹp như tấm lòng của cô vậy. Cả lớp tôi đã bàn bạc với nhau để viết tặng cô một cuốn sổ, ghi lại những bài văn, bài thơ các bạn tự làm, ghi cả những lời chúc dành đến cô. Ngày 20/11 năm ấy, lũ học trò đội nắng đạp xe mấy chục cây số đến nhà cô và tận tay trao cô cuốn sổ cùng một đóa hồng gần như đã rủ xuống vì quãng đường quá xa. Ban đầu cô ngạc nhiên hết mức, cô chạy lại vừa lau mồ hôi vừa la nhẹ chúng tôi “Mấy đứa ngốc quá, sao không nói gì với cô trước, đi xa có chuyện gì thì cô biết làm sao đây…”, rồi cô khóc. Cả lớp chỉ biết im lặng.

Sự im lặng của những yêu thương không thể nói thành lời!

Tôi nhớ thầy Nền – thầy giáo dạy anh văn hay cười. Mỗi lần thầy dò bài, chỉ cần thầy im lặng không nói gì và cười thật tươi là chúng tôi tự biết rằng mình đã làm đúng. Nhiều lần tôi nghĩ, có lẽ mai sau, dù chúng tôi có trưởng thành và thầy có già đi theo năm tháng thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ luôn nhận ra thầy, vì nụ cười đó. Môn anh văn khó là vậy nhưng nhờ có thầy nó trở nên thật dễ chịu và thoải mái. Cả lớp nói chuyện, trao đổi bài với thầy như những người bạn, người anh em trong gia đình. Thầy ở trong phòng nội trú của trường nên nhiều lúc chúng tôi được thầy rủ vào ăn cơm, thậm chí chơi game thỏa thích. Nhiều lúc viện cớ hết nước qua phòng thầy xin để mượn thầy sách học nữa. Lớp tôi yêu thầy và thầy cũng rất quý chúng tôi. Bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào học trò không làm được bài hoặc không trả lời được câu hỏi, thầy đều nói “Cố lên em!”. Nhiều đứa bạn thân của tôi từ học lực yếu lên được điểm khá giỏi môn anh văn cũng chỉ nhờ câu nói này của thầy. Những lần tâm sự với thầy và kể cho thầy bí mật này, thầy lại cười thật tươi. Trong nụ cười ấy, tôi biết, thầy tự hào và hạnh phúc nhiều lắm. Thầy từng hứa với cả lớp, khi nào thấy lấy vợ sẽ mời cả lớp đi dẫn lễ và đến ăn tiệc cưới của thầy. Mùa hè khi chúng tôi vào đại học năm nhất, thầy giữ đúng lời hứa với những “học trò ngốc xít” ngày nào. Chúng tôi đến chơi với thầy, mừng cho thầy cô và chúc thầy mãi mãi thành công, hạnh phúc. Lũ học trò năm xưa ôm thầy thật lâu…. *** Tôi nhớ thầy Cảnh – thầy dạy Vật lý và cũng là thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi. Thầy Cảnh khó tính lắm, ngay từ những ngày đầu vào lớp 12 thầy đã rèn cho chúng tôi cách học liên tục với áp lực rất cao. Chúng tôi phải vừa học kiến thức của 12 môn học, vừa phải lo cho những kỳ thi trên trường và giải đề của thầy mỗi ngày. Đến lớp, không khí thỉnh thoảng lại chùng xuống vì những gương mặt mệt mỏi do thiếu ngủ. Nhưng rồi sau đó tất cả lại lao vào sách vở như kiểu thời gian cho kỳ thi Đại học không chờ đợi bất cứ ai. Những tiết học của thầy là những lúc cả lớp im lặng, tập trung cao độ, chỉ nghe loáng thoáng tiếng lật sách, tiếng bấm máy tính liên tục, tiếng phấn ghi bài và lời thầy giảng đều đều. Dù thỉnh thoảng có hơi “sợ” thầy một chút, nhưng tôi phải công nhận rằng thầy giảng bài rất hay, thầy gỡ bỏ mọi công thức phức tạp mà chúng tôi đã từng nghĩ rằng có lẽ đề thi sẽ không bao giờ ra vì quá dài. Thời gian cứ dần trôi qua, chúng tôi đã bắt đầu quen với áp lực thi cử. Không biết do ôn luyện nhiều hay do quen tay mà chúng tôi đã cảm thấy kiến thức nhẹ nhàng hơn với mình một chút. Thầy thì vẫn vậy, vẫn bóng dáng quen thuộc ngày ngày lên đứng lớp, vẫn ánh mắt kiên nghị và tiếng giảng bài đều đều. Nhiều khi thầy hỏi cả lớp: “Các con có mệt lắm không?”, chúng tôi không trả lời thầy mà chỉ cười đáp lại, sự mệt mỏi do ôn bài liên tục cũng vơi đi phần nào. Thầy từng nói với cả lớp: “Thầy biết, trong số các con có rất nhiều bạn thông minh. Nhưng thầy không cần vì trí thông minh đó mà các con ỷ lại, thầy cần những học trò chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Thầy trò mình cùng cố gắng nhé!”. Thầy dành tình thương cho tất cả chúng tôi, cho cả những đứa học kém. Thầy sẵn sàng cùng học trò ở lại đến khuya, chỉ để trao đổi một bài tập còn vướng. Thầy trân trọng mọi sự cố gắng của chúng tôi, không cần phải đạt ngay điểm 10 trong những ngày đầu, quan trọng là mỗi ngày chúng tôi đều có tiến bộ. Trước ngày thi hai tuần, chúng tôi vẫn cặm cụi đến nhà thầy để làm đề thêm. Nhiều khi, bài thi thử được điểm thấp, tôi òa khóc nức nở ngay trên lớp. Cuối giờ hôm đó, thầy kêu tôi ở lại. Tôi chỉ biết cúi mặt trước thầy, thầy từ tốn nói: “Con đang rất lo lắng, thầy biết. Nhưng điều bây giờ thầy cần ở con là tâm lý ổn định, con phải bình tĩnh và vững vàng lên chứ. Thầy tin vào con, và thầy tin con sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Dù thế nào, thì thầy vẫn ở đây mà”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi câu nói ấy của thầy, vì thầy tin tôi nên tôi sẽ luôn cố gắng để xứng đáng là học trò của thầy. “Thầy ơi, con sẽ mãi luôn cố gắng!” Một mùa hè nữa lại đến, nhưng mùa hè năm đó là mùa hè cuối cùng khép lại thời học sinh của tôi. Gặp lại thầy cô, bạn bè, vẫn những con người thân thương ngày ngày dạy dỗ, vui đùa bên cạnh tôi. Nhưng sao tôi thấy nhớ tất cả, dù mọi người vẫn đang ở thật gần. “Ước gì thời gian có thể quay trở lại dù chỉ một lần, một lần thôi để lại một lần nữa là học trò, lần nữa được yêu thương, được quan tâm và thậm chí là cả la mắng. Ước gì thời gian ngừng trôi để có thể biến tất cả nơi đây trở thành mãi mãi”. Trong cuộc đời, có những người khẽ lướt qua tâm trí ta mơn man như một làn gió nhẹ, thoáng nhớ rồi quên. Nhưng cũng có những người để lại trong ta những ký ức khắc sâu trong tâm khảm, để ta luôn nhớ về họ với những tình cảm tuyệt vời nhất. Dù mai đây, khi mái trường chỉ còn là “kỷ niệm”, khi ta đủ vững cánh tung bay khắp mọi nẻo đường thì có lẽ hai tiếng “thầy cô” và những bài học của người vẫn sẽ mãi luôn theo ta trong từng trang viết. Tháng 11 đặc biệt, vì có một ngày thật đặc biệt – ngày để tất cả thế hệ học trò gửi lời cảm ơn chân thành, tri ân sâu sắc nhất đến tất cả thầy cô…. 20/11, ngày của những lời đến từ trái tim!
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm.”

Thu Phạm
www.uehenter.com
S Communications