Người Trẻ Và Những Cái “Quên” Tưởng Chừng Vô Hại Nhưng Là Trở Ngại Trên Bước Đường Thành Công
Trưởng thành dần với thời gian, con người đối mặt với bao sự lựa chọn khác nhau. Liệu bạn có nghĩ đến việc cố gắng khắc phục tính hay quên, để tâm đến những vật dụng xung quanh mình hay mãi đuổi theo những điều cao xa vĩ đại?
– Này cậu ơi, câu lạc bộ A mở đợt tuyển cộng tác viên rồi? Cậu đã nộp CV chưa?
– Này cậu ơi, nghe đâu một cuộc thi học thuật về chuyên ngành tụi mình đang tổ chức đó, đăng ký tham gia nào!
– Này cậu ơi, doanh nghiệp B vừa thông báo một đợt tuyển dụng làm internship có vẻ rất xịn, apply với tớ không?
Những lời kêu gọi, những mảnh chuyện nhỏ như thế, có phải bạn cảm thấy rất quen thuộc không? Vì đúng vậy, chúng ta, từ khi đặt chân vào ngưỡng cửa đại học đã được người người hối thúc, kẻ kẻ mong chờ để nhanh chóng trở thành một cá nhân thành đạt. Thế nhưng họ lại quên rằng trái đất cấu thành từ những chi tiết nhỏ, con người muốn thành công phải tự hoàn thiện mình từ những hành động bé nhất.
Tâm lý “xuýt xoa” những chuẩn mực mang tính vĩ mô, to lớn
Suzanne L.Davis đã từng chia sẻ: “Phần lớn hành vi được gây ra bởi nhiều yếu tố tương tác với nhau đồng thời”.
Thật vậy, thời đại của sự khó khăn và chậm chạp trong truyền tải thông tin đã qua. Ngày nay, khi truyền thông dễ dàng tiếp cận đến con người thì việc chúng khiến ta tin vào một giả thuyết nào đó là vô cùng dễ dàng. Một bài báo đăng, ta có thể cảm thấy nghi ngờ trước sự xác thực của nó. Nhưng hàng loạt các tờ báo và quảng cáo cùng tấp nập xuất hiện, chúng ta có muốn cũng khó để làm ngơ. Đấy chính là cách mà truyền thông đã hối thúc sinh viên: “Tham gia các lớp nâng cao kỹ năng mềm, tập thuyết trình trước đám đông, ngoại ngữ ngay hôm nay nếu không muốn bị chết “dìm” giữa xã hội đầy ắp những người tài giỏi này”. Việc tham gia các câu lạc bộ đội nhóm, tích cực đến các lớp bổ sung kỹ năng trên thực tế mang lại cho mỗi người rất nhiều những bài học hay ho. Chúng là những hành trang quý giá để từ những việc nhỏ như thuyết trình trong lớp, sử dụng các phần mềm chuyên ngành cho đến những việc lớn hơn như trở thành người diễn thuyết trước hàng trăm ánh nhìn, hay dùng phần mềm hỗ trợ cho công việc truyền thông sau này, bạn đều có thể áp dụng và hoàn thành một cách thật trơn tru.
Song, một ngày chỉ vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ. Ngẫm ra thời gian trôi đi quá nhanh khiến con người đôi lúc rơi vào tình trạng “bị tồn đọng” quá nhiều công việc cùng một lúc.
Với một sinh viên mới, việc đánh mạnh vào các luồng thông tin liên quan đến công việc sau này, lương bổng, truyền thông dễ dàng đưa ta vào vùng kiểm soát. Và để rồi, mỗi sáng hàng ngày ta cắp sách đến trường, trưa về lật đật chăm chỉ tham gia hoạt động ngoại khóa, tối đến lại hì hục đăng ký các lớp rèn luyện thêm kỹ năng. Ta đến với các khoá rèn luyện, quan trọng hoá chúng như những liều thuốc cứu rỗi tâm hồn khỏi sự bất an, lo âu trước nỗi sợ không có việc làm. Guồng quay cuộc sống bỗng ngày một trở nên dày đặc, hối hả hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, chúng ta có đang quá tập trung chạy theo những điều cao xa còn những gì nhỏ bé, bày ra trước mắt thì lại cho là không cần thiết?
Có lẽ mỗi chúng ta đều đang tìm kiếm cảm giác an toàn từ những khái niệm to lớn nhưng lại quên đi sự thực rằng những thứ vĩ mô vốn cấu thành từ các chi tiết vi mô. Mà những chi tiết ấy lại bắt nguồn từ cuộc sống thực tại, từ những điều thường nhật hiển hiện từng phút từng giây.
“Quên” với chính mình
Nào hãy trả lời thành thật, đã bao lần bạn quên deadline để rồi đánh mất một cột điểm quan trọng trong quá trình học tập; bao lần bạn để tâm trí lơ đãng mà đánh rơi thẻ xe, khiến cả chiều phải loay hoay tìm kiếm, để rồi cuối cùng lại tốn 50 ngàn mà đáng lẽ đã dùng để mua một bữa cơm tối. Hay đơn giản hơn, đã bao lần bạn tự cảm thấy thói bất cẩn, thiếu để tâm của mình mang lại bao rắc rối cho chính bản thân chứ không phải ai khác?
Thế đấy, những mảnh ghép nhỏ nhặt ấy mấy ai để tâm, mấy ai cho rằng chúng thực sự quan trọng như kinh nghiệm thực tiễn, như kỹ năng giao tiếp, như tấm bằng IELTS 8.0 bao giờ…
Xét cho cùng, chúng ta chung quy không tìm ra được bất kì lí do gì để thay đổi dần suy nghĩ và quan niệm về việc hay quên đồ bừa bãi của mình.
Có chăng, ta cũng sẽ cho rằng: “Do não cá vàng mà thôi!” rồi cười xuề xoà cho qua chuyện. Để rồi ngày mai, ngày kia, hôm nọ, tình trạng này lại tiếp diễn thường xuyên hình thành nên nếp sống.
Nhưng bạn ơi, muốn trở thành một bông hoa vươn mình trên cành cao thì trước tiên phải là chiếc búp non xanh mơn mởn, ngày ngày tìm lấy nhựa sống để nuôi dưỡng bản thân; con người muốn trở thành một cá nhân được đề cao, được tôn trọng thì trước tiên chúng ta đã phải cố gắng trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.
Và cái ngưỡng “hoàn hảo” ấy không chỉ bao gồm những kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức mà còn cả những thói quen và hành động nhỏ bé, mang tính thường nhật nhất.
Thử ngẫm lại mà xem, sau một ngày dài mệt mỏi, chẳng ai muốn phải tốn thêm khoảng thời gian quý giá cho việc tìm lại thẻ xe hay điện thoại; chẳng ai muốn trở nên hốt hoảng, lo sốt lo vó sợ trễ giờ vào lớp vì ngủ quên dù ngày mới chỉ vừa bắt đầu. Ta mong mỏi mọi việc suôn sẻ và vận hành như cách chúng ta đã lên kế hoạch cẩn thận. Thế nhưng nếu những sự cố ngớ ngẩn ấy xuất hiện, ngang nhiên chen vào làm hỏng tâm trạng của cả một ngày dài lao động, tự do đẩy mọi thứ ra khỏi tầm kiểm soát thì chẳng phải sẽ gây ra rất nhiều khó khăn hay sao?
Nhìn vào mặt tối của vấn đề là thế, nhưng đổi lại, việc cẩn trọng với những vật dụng cá nhân của mình mang cho bạn ích lợi gì? Hiển nhiên nếu bạn là một người luôn hoàn thành mọi thứ như đã định trước, tỉ mỉ, không hay để những việc đáng tiếc xảy ra làm cản trở công việc thì sự tín nhiệm và tin tưởng luôn là điều tất yếu mà từ bạn bè, đồng nghiệp đến cả nhà tuyển dụng cũng tự tin trao gửi đến bạn.
“Quên” với những người xung quanh
Và bây giờ, lại câu hỏi cũ: đã bao lần bạn ăn uống xong nhưng vì lười mà để rác tồn đọng trong hộc bàn gây thêm bao khó khăn cho công tác dọn dẹp của cô lao công; cũng như bao lần vì vô ý không đọc nội quy của phòng tự học mà bạn không ngại mang thức ăn vào khiến hàng trăm cá nhân đang học tập cũng khó lòng tập trung? Hay đơn giản hơn, đã bao lần bạn chịu để tâm đến những hành động mình làm để không phải vô tình ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người khác?
Những chi tiết ấy tưởng chừng vụn vặt nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự đánh giá của những người xung quanh về bạn. Bao nhiêu rắc rối, trở ngại mà thói hay quên gây ra có thể một lần, hai lần bạn cho qua, nhưng nhiều lần cứ thế tiếp diễn, bản thân ta cũng cảm thấy mệt, cũng tự hỏi vì sao ta lại không rút kinh nghiệm, sao cứ tiếp tục ảnh hưởng đến không chỉ hình ảnh bản thân mà còn cuộc sống của người khác. Phải chăng trong mắt họ, chúng ta là kẻ thiếu ý thức, là kẻ luôn để tâm trí ở một nơi xa xôi và bất cẩn trong mọi việc? Khi đã được gán cho cái thành kiến nặng nề ấy, liệu khi tạo nhóm họ có muốn san sẻ bài tập cùng bạn, lớn hơn là liệu khi bạn tốt nghiệp, ngoài kia có một doanh nghiệp nào chấp nhận việc nhân viên thường xuyên trễ hẹn công việc vì quên mất hay không?
Chẳng ai muốn bị người khác dòm ngó với ánh nhìn soi mói khi ta quên bẵng mất lời cảm ơn; chẳng ai muốn trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi ta chẳng may chưa đọc nội quy mà đã mang thức ăn vào phòng; cũng chẳng ai muốn vô tình trở thành kẻ thiếu ý thức khi ta ra về cuối cùng và cô lao công vào lớp bắt gặp cảnh tượng rác xuất hiện mọi ngõ ngách.
Chẳng ai muốn cả… nhưng lại chẳng ai chịu thay đổi!
Tóm lại, hãy thôi dễ dãi với chính mình! Rèn luyện thói quen cẩn thận và để ý hơn khi đến bất cứ đâu.., vì khi chúng mất đi, người “lỗ vốn” chính là bản thân bạn mà thôi!
Sinh viên chúng ta vô hình chung đều cho rằng những điều lớn lao mới là thứ cần đuổi theo, mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự hoàn thiện nhân cách và trình độ của mỗi người. Nhưng hãy nhớ rằng, từ sự cẩn trọng, kĩ càng với những thói quen hay món đồ nhỏ bé, con đường đến sự hoàn thiện ấy sẽ trở thành bước đệm tinh thần vững chắc để chúng ta ngày một nâng cao kỹ năng, tích góp kinh nghiệm cho chặng đường đến với sự thành công.
“Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác nhưng nhất thiết phải là người tử tế” – PGS Văn Như Cương
Bài viết: Lea Nguyen
S Communications
UEHenter.com