[Nhật ký vào chuyên ngành] Cho những ngày đầu

Những trang giấy của môn học thứ sáu khép lại, một tuần học đã trôi qua không nhanh, không chậm. Nhưng có lẽ đối với những UEHers K38, đây mới là thật sự bắt đầu.

Bắt đầu cho một nỗi nhớ

Thứ hai, bước chân vào giảng đường, im lặng nhìn xung quanh. Ừ thì vẫn bàn, vẫn ghế, vẫn những lát gạch xỉn màu nhưng quanh đây…sao những khuôn mặt chưa quen! Lòng chùng chình trước những câu nói: “Chào bạn, tụi mình làm quen nhé?” Chợt nhớ một năm rưỡi trước, mình cũng đã từng như thế này. Loay hoay, lạ lẫm rồi..nhớ!
3 kỳ học chúng ta bên nhau với biết bao vui buồn. Bạn và tôi từng hứa sẽ cố gắng đi cùng nhau hết con đường dài phía trước vì chúng ta ấp ủ chung một giấc mơ. Nhưng cuộc sống vốn nhiều ngã rẽ. Chúng ta dừng lại ở ngã ba đường…Những ngày tháng đợi chờ đèn tín hiệu bật xanh trong bao lo lắng cũng qua. Bạn rẽ trái, tôi rẽ phải. Bỏ lại sau lưng kia là nỗi nhớ chưa được lấp đầy.

Ký ức khu quân sự

1 tháng học quân sự cho chúng ta bao kí ức vui, buồn. Cả đám bạn người tứ xứ, Nam có, Bắc có, nông thôn có, thành phố cũng có. Mỗi người một tính, mỗi người một lo âu nhưng phòng kí túc xá lúc nào cũng rôm rả tiếng cười. Khu quân sự gắn với những buổi chiều ngắm hoàng hôn xuống dần qua hồ Đá nước trong veo. Rồi bất chợt lời bài hát Aloha vang vang từ phòng phụ trách: “you’re the light of my life, you are the one in my life…” Con đường phía xa xa bỗng trở nên ấm áp hơn với màu vàng rực rỡ của những bông hoa bọ cạp nhỏ xinh. Đó còn là những kỉ niệm “kinh hoàng” khi mà đang gội đầu thì cúp nước, đang ngủ bỗng thấy một con chuột lổn nhổn bò qua. Nhưng ký ức khu quân sự gắn với nhiều hơn những ngọt ngào. Chúng ta thức cùng nhau, ngủ cùng nhau, vui cùng vui, buồn cùng buồn.

Mặc dù thầy đã quy định kỹ càng, nhưng đêm chẳng có đứa nào ngủ đúng giờ. Hiện trạng diễn ra thường xuyên, đó là “đóng cửa dạy nhau…đánh bài”. Tôi- từ một đứa chỉ biết đến Picachu và Cờ caro, sau một tháng đã có thể tự hào nói rằng mình tinh thông một trong 4 thứ được coi là “tứ đổ tường”.  Đó là kết quả, hay nói đúng hơn là hậu quả của những đêm thức tới tận khuya để ăn mì tôm sống và lén la lén lút “mở sòng”. Cả phòng đánh hoài, đánh mãi, đến lúc quá buồn ngủ, đứa rủng rỉnh túi cũng vỏn vẹn có 2000đ!

Và bài hát chúng ta sáng tác bắt đầu bằng hình ảnh con diều no gió, giật đứt dây : “con diều vàng ơi, mi no gió, mi bay theo cơn gió to…” Cả đám im lặng nhìn con diều cứ bay xa mãi, xa mãi rồi không còn nhìn thấy gì nữa.  Tự nhủ với nhau, ngày mai, rồi những ngày sau, sau nữa, cho dù đường đời sóng to gió lớn đến mấy, hãy cứ bay thật cao, thật xa nhưng đừng lệch hướng, để rồi đứt và rơi!

Bắt đầu tập làm quen

Tôi tập ngồi ở giảng đường mới với bạn bè mới mà không cảm thấy quá nhiều trống vắng. Tôi tập ghi nhớ tên của bạn ở đằng trước, đằng sau mà không tự nhủ rằng: “Chỗ ngồi ấy, trước đây là của bạn”.

Khi viết vội mấy dòng chữ này vào nhật ký, cô bạn ngồi bên cạnh nhìn tôi. Ánh mắt hiện lên nét cười đồng cảm. “A, ra không phải chỉ mỗi mình”. Tôi mỉm cười và hỏi: “Cậu nhớ bạn cũ à?” Cô bạn khẽ rung rinh mái tóc, gật đầu. Mấy bạn nam ngồi sau lưng đưa cho hai đứa tờ giấy với dòng chữ chẳng đầu, chẳng cuối: “ghi tên, lập nhóm thuyết trình” . Tôi vừa quay đầu lại, định sẽ training kỹ năng…viết giấy cho cả đám thì các bạn nam đã nhanh miệng rủ rê: “Ra về, nhóm mình đi ăn trưa rồi làm quen luôn nhé!”

Những người bạn chuyên ngành đầu tiên của tôi dễ thương như vậy đấy.

Xách balo lên…

10h30, Thầy bỏ xuống micro và cho giảng đường ra về. Tôi xách balo lên và thầm nghĩ: “Vì cuộc đời là những chuyến đi.” Hành trình dài vừa chỉ mới bắt đầu, nhưng nó đã là tiếp nối của những giai đoạn đã kết thúc. Đừng vì kỉ niệm mà mãi ngoái đầu nhìn lại, quên rằng chúng ta cần phải tạo niềm vui mới trên con đường dài phía trước, còn rất xa và rất sâu.

Có lẽ giờ này, hơn một năm sau, những cái tên là lạ xung quanh mà tôi chưa kịp ghi nhớ hết sẽ đong đầy trong những dòng nhật ký của tôi. Tôi sẽ cầm cây bút mà nguệch ngoạc: “chúc mừng bạn là người bạn thứ mấy mấy mấy…ngàn của tôi! Chúng ta đã có kỳ học dài chuyên ngành thật đẹp, thật vui!”

Ảnh: TheS Magazine

Việt Trinh
UEHenter.com
S Communications