Những Bao Lì Xì Biết Nói

1.

Xin chào! Đố các bạn đoán xem tôi là ai?

Tôi sẽ cho một vài gợi ý: tôi thích mặc áo màu đỏ, tôi chỉ xuất hiện vào dịp Tết và điều quan trọng nhất là nhiều người sẽ bỏ mặc tôi nằm lăn lóc sau khi có được “tâm hồn” của tôi. Chính xác! Tôi chính là bao lì xì – một trong những bao lì xì chính hiệu, biết nói.

Nhung bao li xi biet noi 1

Đời tôi trải qua vô vàn điều thú vị, nhưng khắc ghi mãi trong trí nhớ tôi có lẽ là đoạn đối thoại ngắn này:

“Mẹ ơi, Tết này con được mấy cô, mấy dì lì xì quá trời luôn.”

“Ừ mẹ biết rồi, con của mẹ phải ráng học giỏi để mấy cô chú thương, năm sau lì xì con nhiều hơn nghe chưa?”

“Dạ con biết rồi!”

“Tiền lì xì của con đưa mẹ giữ hộ cho, con giữ không khéo lại làm mất đó.”

“Nhưng mà…”

“Nhưng nhị gì, mẹ chỉ giữ hộ con thôi, khi nào con lớn mẹ sẽ trả lại.”

“D-dạ mẹ…”

Và kết quả của cuộc đối thoại ấy là, người mẹ không bao giờ đưa tiền lại cho con của mình….

2.

Có thể nhiều người không biết, tôi chính là một nét đậm đà của phong vị Tết cổ truyền mà bấy lâu nay vẫn được lưu truyền. Con người dùng tôi nhằm cầu chúc người nhận gặp nhiều may mắn, phát đạt trong năm mới. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu con mong con cháu trong nhà ăn mau chóng lớn, năm mới sẽ gặp nhiều may mắn trong học tập và cuộc sống. Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, đôi lúc, con cháu lì xì cho ông bà, cha mẹ trước. Đó thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo đối với những người có vai vế trong gia đình.

phan-hoi-bai-viet-li-xi-tet-lam-sao-cho-phai-dung-lam-hu-tre

3.

Mang hạnh phúc từ người này truyền sang người khác – tôi cảm thấy vui lắm. Tôi đã từng bắt gặp những ánh mắt chân thành mà con người dành cho nhau vào những ngày đầu năm mới. Đó không phải là những bao lì xì người thân dành cho nhau, mà chính là những bao lì xì trong viện dưỡng lão, trong trại trẻ mồ côi, khi gió xuân đang tràn về làm lòng người khẽ lạnh.

Tôi nhìn thấy những ánh mắt ấy đã long lanh lên vì nhận được những phong bì màu đỏ, hình như đôi mắt họ đã nhoè đi vì những giọt nước mắt hạnh phúc đang cố trực trào ra, nhưng nghĩ lại không khí đang vui nên họ đành đẩy ngược những giọt nước mắt ấy vào trong, khoả lấp chúng bằng những nụ cười vui sướng cùng những câu nói cứ lặp đi lặp lại “Cảm ơn!”, “Cảm ơn các cô chú nhiều lắm!”.

Lúc đấy, tôi còn cảm nhận được hơi ấm từ đôi bàn tay của họ, ấm vì vui sướng, vì nó thấm đẫm cả tình người nữa. Bàn tay họ run lập bập, hình như bấy lâu nay, họ chưa bao giờ nhận được những điều ý nghĩa đến vậy. Lòng tôi cũng từ đó mà ấm hẳn lên.

Giá trị của tôi, dường như không phải được cân đo đong đếm bởi nội dung bên trong nữa, mà chính là hình thức bên ngoài, là màu đỏ của sự may mắn, sự sung túc.

4.

Đó là cái “tình” mà họ đã dành cho nhau. Tôi vui lắm vì điều đó. Ấy vậy mà trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, người ta đôi khi chỉ chăm chăm nhìn vào cái “tiền” trong tôi để phán xét “tình” họ dành cho nhau…

Cớ vì lí do gì, nhiều người lại cần đến tôi để làm vừa lòng nhau? Tại sao họ không dành cho nhau những điều chân thành, mà lại là những nụ cười vô cảm khi nhận được tôi? Thử hỏi lúc đó, họ có hiểu được cảm giác của tôi không? Họ có còn vui sướng khi nhìn thấy màu đỏ của sự may mắn nữa không, hay chỉ là những tờ giấy bóng loáng, thẳng tướp mà họ hay gọi là tiền?

Có còn là niềm vui, là những nụ cười tươi rói khi nhận được những tấm bao màu đỏ, dẫu biết trong đấy chỉ có vài ba nghìn lẻ, còn mới tinh, nhưng lòng vẫn thấy vui đến lạ? Bởi một lẽ, cái họ dành cho nhau là tấm chân tình trong những ngày năm mới. Họ cho đi niềm vui, và như một lẽ đương nhiên, họ sẽ nhận lại những niềm vui. Giả như con người ta dành cho nhau những nụ cười giả dối, họ sẽ nhận lại những gì?

5.

Tết đến, tôi không thể không hiện diện. Song, đừng biến tôi trở thành một hình thức cần phải có, mà hãy là niềm vui, để ai cũng có thể cười, những nụ cười chân thật nhất. Đôi lúc, cái người ta cần không phải là tôi đâu, mà chỉ cần là ngồi cùng nhau, ngửi mùi bánh chưng đang toả hương Tết, lắng nghe những khúc nhạc xuân, kể cho nhau nghe những câu chuyện, có khi là vui, là buồn trong năm qua. Kể, để rồi cười, để rồi biết rằng, ta đã trưởng thành hơn như thế nào. Hình thức hoá tôi, liệu có còn giữ được ý nghĩa thực sự của những ngày Tết hay không?

Gya Rados
S Communications
www.UEHenter.com