Sáng đi nhà thờ, chợt thấy màu nắng dường như vàng hơn dưới cái nhìn hoang hoải của thời gian. Một màu vàng chẳng chói chang lại khiến lòng người miên man tìm về miền kí ức xưa cũ. Rồi nhớ…
Ngày đó, qua lời kể của mẹ, cùng trí nhớ vụn vặt của tôi, xóm mình còn khổ lắm. Mỗi độ xuân về, dường như chẳng mấy ai háo hức trang hoàng nhà cửa để đón chào một mùa mới sang. Có lẽ lòng ai cũng bộn bề thênh thang với những nỗi lo mưu sinh cuộc sống. Bác gánh quả vẫn nặng trĩu vai, chị hàng cơm vẫn sớm khuya miệt mài nơi góc bếp. Chỉ có lũ trẻ chúng tôi, vui sướng hân hoan khi gốc mai đầu ngõ đã rực lên một màu nắng vàng.
Mỗi ngày, khi xa mãi nơi tận chân mây đã ánh lên màu ráng chiều rực rỡ, cậu và tôi lại ngồi trước cổng chờ bố tôi đi làm về. Ngày đó, hình dáng bố liêu xiêu khắc khổ trên chiếc xe đạp cọc cạch, xách trong tay vài mẩu pháo dây thừa nơi vệ đường đánh rơi, luôn để lại trong lòng hai đứa tôi thật nhiều mong đợi. Món quà nhỏ, chẳng mất tiền mua, nhưng đã để lại biết là bao nhiêu, tiếng cười cho một tuổi thơ tuyệt đẹp. Đêm giao thừa, cả đám trong xóm đều có đồ chơi mới thật thích. Rồi có đứa nào đấy xuýt xoa với tôi : “ Mày sướng thật, được ba mua cho cả bịch pháo hoa. Lát về tao phải dặn ba tao mua cho mới được…”.Lớn lên rồi mới hiểu rõ, không phải cái gì cũng có thể mua được bằng tiền.
Lại có những buổi, cả xóm cùng nhau chắt chiu cho một nồi bánh chưng đậm đà hương vị Tết xưa. Lửa cháy bập bùng nhóm lên một chút hân hoan, làm vơi đi nỗi nhọc nhằn thường nhật của cuộc sống. Khói lên trời làm cay nồng đôi mắt trẻ thơ, bụi than quê làm lấm lem bao gương mặt hạnh phúc. Dẫu vậy, với mỗi chúng tôi, cái cảm giác ngồi canh nồi bánh, đếm thời gian trôi tuột qua kẽ tay, luôn rạo rực sướng vui đến kì lạ. Đến tận sau này, có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ có lại cảm xúc ngày xưa ấy một lần nào nữa. Và cũng sẽ chẳng còn chúng tôi, của mùa xuân kia, một ngày nào nữa…
Sau đó không lâu nữa, gia đình tôi chuyển nhà đi, cậu lại đi du học, xa xóm nghèo lam lũ với chuỗi ngày ấu thơ êm đềm. Nhà cũng khá lên nhiều. Chếnh choáng không biết bao năm rồi mới quay trở lại. Hình ảnh xóm nghèo ngày xưa chẳng còn nữa. Là nhà lầu, cao lắm, là xe hơi, tấp nập. Từng chậu mai sáng bừng rực rỡ ngày lễ hội, đâu phải bụi mai rừng giản dị của ngày xưa. Bánh chưng bây giờ cũng có còn chân quê như một thời để nhớ. Tôi muốn gửi cậu chút hồn của Tết xưa, mà tất cả giờ chỉ như khói thoảng, làm cay mắt nhau rồi tản mạn vào gió chiều chẳng còn vương vấn. Cậu ở nơi xa xứ, cũng phải dần quen với cuộc sống mới mẻ quê người. Liệu có còn nhớ những mùa đã qua? Chỉ sợ những hồi ức kỉ niệm đã phai mờ theo thời gian, chỉ còn có thể đông cứng trong thời điểm đó. Rồi vỡ tan.
Tết của người là chộn rộn những mai vàng lá xanh, là Sài Gòn đêm rực lên ánh đèn của những phố dài xa hoa, thanh lệ. Còn Tết của tôi, là những gì thân thương ấm áp của gia đình làng xóm lúc cơ cực khó khăn, là kỷ niệm, là nỗi nhớ mong manh của những tháng ngày đã cùng nhau yên ấm. Tất cả, chỉ còn là một quá khứ vẹn nguyên trong lòng mỗi người, tiền mua không được, lần về tìm không ra. Nhưng chính bản thân mình cũng vậy thôi, đó vẫn chỉ là nơi tôi đã vội vã trở về (trong tiềm thức) rồi vội vã quay đi (nơi thực tại)…
Có còn bao nhiêu tuổi thơ chờ đợi Tết về cùng những nét hồn quê, đâu đó len lỏi trong từng giấc mơ, với nụ cười khanh khách giữa khuya như vậy nữa chăng? Chắc là hiếm, hiếm hoi lắm.
An Thanh
S Communications
www.UEHenter.com