Có hàng tá cách thức để đánh dấu cột mốc của tuổi trẻ…
Có đứa mê viết thì mở sổ ra, liệt kê cho bằng hết những cột mốc trong suốt ngần ấy thời gian.
Mấy ba mấy má cá tính hơn thì chọn một chiếc hình xăm thật ưng ý.
Mấy đứa hướng nội thì sẽ cất ngược vô tâm trí, khi con tim thấy nhớ nhung thì sẽ gõ cửa lý trí để hoài niệm.
…
Bạn có tin không, khi tôi bảo rằng tôi chọn lưu nhớ những cột mốc của mình bằng những chiếc áo?
Chiếc áo đầu tiên mà tôi nhận tại ngôi trường này có ba màu chủ đạo: trắng – đỏ – xanh dương. Chắc bạn đã đoán ra rồi chứ? Phải đấy, vì UEH không có đồng phục, nên áo thể dục nghiễm nhiên trở thành “quốc phục” tại “xứ sở đông dân” này. Thật lòng mà nói, đây là một chiếc áo hết sức bình thường, thiết kế vô cùng đơn giản và những đường vải cũng không quá đặc sắc. Thế nhưng,
Ngày đi học thể dục, vì là dân tỉnh nên tôi chẳng rành rọt đường đi nước bước ở thành phố đầy ngõ lắm hẻm này. Bản đồ bảo chỉ cần đi thẳng một mạch là tới nơi, nhưng tôi cũng đi một mạch nhưng tới đâu thì không biết… Xe cộ thì cứ ngổn ngang, dòng người thì cứ tấp nập, cộng thêm với tay lái run lẩy bẩy vì mới bị chiếc xe tải bóp còi dằn mặt, tôi phải tấp vào một xó vì đường đi phía trước đã trở nên vô định.
Thế rồi trong cái khoảnh khắc sợ hãi tột độ ấy, tôi chợt bắt gặp một chiếc áo thể dục UEH khác đang chạy phía trước.
Đó chính xác là cái cảm giác nhẹ nhõm và an tâm tuyệt đối khi những chiếc áo trắng đỏ xanh tìm thấy nhau giữa dòng người xa lạ. Chẳng cần phải là bạn, cứ khoác chiếc áo thể dục lên thì tự nhiên trở thành người một nhà, ngộ heng? Mà đôi lúc, sự an tâm ấy lại khiến tôi đâm ra bực dọc, vì “trời ơi, sao đến tận đây cũng gặp người nhà là sao vậy trời?”
Một trong những “đặc sản” độc đáo nhất của UEH chính là quy mô số lượng của các CLB/Đội/Nhóm. Giữa rừng câu lạc bộ ấy, tôi phát hiện một Nhóm chuyên làm truyền thông với chiếc áo trông thật có gout và xịn sò. Dù lúc trả lời phỏng vấn là tôi muốn cái này cái kia, nhưng sâu trong thâm tâm thì tôi muốn vào đây phần lớn vì… chiếc áo!
Sau hơn 6 tháng trời hoạt động, trầy trụa qua không biết bao nhiêu chương trình, dự án làm tôi “nội thương” mấy lần, chiếc áo Nhóm mà tôi hằng ao ước cuối cùng cũng thuộc về mình. Thích lắm, chính xác là cái cảm giác lâng lâng trong người ấy! Không biết những người khác sẽ nghĩ sao, nhưng với tôi,
Tôi từng rảo bước trên “con đường tơ lụa” kha khá lần, từng chứng kiến những con người mặc những chiếc áo giống nhau cùng nhau cười nói, cùng nhau túm đầu nắm tóc giỡn với nhau như những đứa trẻ lúc nghỉ trưa, rồi cùng nhau tâm huyết thao thao bất tuyệt kể cho mọi người nghe về những chương trình mà họ đang thực hiện. Họ hiểu về điều họ làm, và họ hiểu cả nhau, để lắng nghe nhau trong những lúc căng thẳng mệt mỏi.
Hãy thử một lần bật chế độ không – phiền – hà khi họ nói về chương trình họ đang chạy. Cứ lắng nghe hết những điều họ nói, bạn sẽ phát giác ngay chiếc áo này đang phát huy sức mạnh bao nhiêu phần trăm đấy!
Tôi không thích mùa hè xanh. Do đó, tôi có sự lựa chọn khác cho mùa hè của mình. Nhưng tôi mến mộ vô cùng những con người dũng cảm đổi mùa hè của họ để chọn về những vùng quê, để xây đắp ước mơ cho mùa hè của những người khác.
Hai mươi tám ngày xanh chung sống cùng nhau ở một nơi xa lạ, làm những công việc tưởng chừng quen thuộc nhưng lại là một thử thách lớn đối với những đứa đã được sống trong sự nuông chiều của cha mẹ. Rồi tôi trông thấy họ mặc chiếc áo xanh đó, dạy học cho những đứa trẻ, cuốc đất trồng cây, dọn dẹp kênh mương, rồi bon bon trên chiếc xe cũ kĩ hơn cả chục cây số để chụp được tấm hình, quay được đoạn clip để đăng bài cập nhật tình hình cho tất cả mọi người.
Sau cả tháng trời ấy, tôi thấy những chiếc áo của họ sờn màu đi đôi chút, không còn xanh nữa mà lết phết chút đất đỏ, có chỗ đậm màu hơn hẳn vì vết mồ hôi còn hằn lại.
Đến năm ba đại học, tôi vẫn còn trụ lại ở Nhóm mà tôi kể ở khúc trên (nếu quên thì lướt lên đọc lại liền!). Đến thời điểm này, tôi vẫn còn là một đứa bộp chộp, đưa ra những quyết định đầy cảm tính và không thấu đáo. Tôi từng khiến nhiều con người tổn thương vì những lời nói và hành động của mình. Và như một kiểu “nghiệp quật iz real” mà lũ sinh viên chúng tôi hay bông đùa với nhau, tôi trở thành một trong những con người đứng đầu, điều hành những hoạt động diễn ra trong Nhóm và quản lý một nhóm nhân sự nhỏ trong Ekip của mình.
Bản thân tôi còn lo cho mình chưa xong, thử hỏi lo lắng được cho ai? Tự băn khoăn thế thôi, chứ lỡ mặc chiếc áo sơ mi đen quyền lực này vào rồi, làm không được thì nhiều người tổn thương lắm.
Rồi những bữa họp với những kẻ áo đen khác, chúng tôi bàn bạc hết chuyện này đến chuyện kia, đưa ra những quyết định mà chúng tôi tin là đúng đắn. Đã không biết có bao nhiêu cuộc cãi vã to tiếng đến mức chẳng thèm nhìn mặt nhau, rồi cũng í a í ới rủ nhau đi ăn chứ giận hoài làm chi…
Phải chăng, những chiếc áo đen đã bắt được tín hiệu của nhau, rồi bảo chúng tôi xem nhau như những người đồng đội? Một năm trời “ăn nằm” với nhau để rồi “đẻ” ra không biết bao nhiêu chương trình, dự án, những kẻ áo đen cứ ngu ngơ mà hết mình với những điều mình đã chọn lựa. Có thể tiếc nuối, nhưng chẳng bao giờ hối hận vì đã thỏa thuận với chiếc áo đen này, rằng chúng tôi sẽ cố gắng hết mức có thể.
Suốt bốn năm đại học, có lẽ đây là chiếc áo mang đến những cảm xúc lẫn lộn nhất. Vừa là cảm giác nôn nao được mặc chiếc áo này để cười tươi nhận lấy thành quả sau bốn năm đại học – chiếc bằng tốt nghiệp. Đâu đó cũng là cảm giác chắc chắn phần nào cho cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Nhưng hơn cả là cảm giác thoáng buồn vì sau cái ngày nhận bằng, tự nhiên đi xe buýt mất 5 nghìn thay vì 2 nghìn, đi xem phim không còn giá vé sinh viên, bị công an bắt cũng chẳng dám than là sinh viên nữa… Đau lắm chứ!
Đùa thôi! Điều tôi đang muốn nói ở đây chính là cảm giác hụt hẫng pha chút sợ sệt – rằng khi bước ra khỏi cánh cửa trường học và bước vào cảnh cửa trường đời, đám sinh viên mới tốt nghiệp tụi mình sẽ phải xoay xở khác đi rất nhiều. Sẽ không còn là bạn học nữa, mà sẽ là những người đồng nghiệp, sẽ không còn là mối quan hệ thầy – trò nữa, mà sẽ là sếp – nhân viên. Mọi sự thay đổi nhỏ nhặt này đòi hỏi ta phải có sự thích nghi rất nhiều đấy.
Sau ngày tốt nghiệp hôm nay, chúng ta rồi sẽ tiếp tục với những hành trình mới mẻ. Bốn năm đại học khép lại để ta mở ra thêm những cánh cửa khác cho tương lai của mình. Trong những năm tháng sau này, sẽ có những sự kiện, cột mốc được tiếp tục ghi dấu lại. Tôi vẫn sẽ như thế, chọn một chiếc áo gắn liền với những sự kiện lớn của cuộc đời. Tương lai của tôi. Sẽ là chiếc áo sơ mi trắng công sở. Sẽ là chiếc áo vest đầy quyền lực khi trở thành một doanh nhân thành đạt. Hay sẽ là bộ vest cưới mà tôi sẽ trìu mến nắm tay người tôi yêu nhất trong lễ đường. Và vô vàn những chiếc áo khác sẽ gắn với những câu chuyện, những cột mốc của chúng ta trong tương lai.
Chúng ta có những cách khác nhau để lưu lại những cột mốc của mình và lưu chúng vào tâm trí. Tại UEH cũng thế. Mỗi người sẽ chọn cho mình những chiếc áo gắn liền với hành trình của mình nhất. Là chiếc áo xanh lấm tấm mồ hôi nhưng không hề biết mỏi mệt của những cô lao công, những bác bảo vệ. Là những bộ trang phục diễn mà các bạn đã cùng nó cháy hết mình trên sân khấu. Là những chiếc áo ban tổ chức mà ở bên trong cánh gà, các bạn hồi hộp trong từng giây phút khi chương trình đang diễn ra. Cũng có khi là một bộ trang phục hết sức bình thường, nhưng đã bị con bạn đổ ly trà sữa vào đấy. Để rồi đến ngày tốt nghiệp sắp tới, những đứa sinh viên chúng ta sẽ kết lại hành trình của mình bằng chiếc áo tốt nghiệp – bộ trang phục của niềm vui, sự tự hào và sự lo sợ.
Những chiếc áo của tôi có khi không giống với của bạn đâu, vì chúng ta có những cuộc đời khác nhau mà, phải không? Nhưng tôi biết chắc, bạn cũng sẽ trân quý những chiếc áo đã gắn liền với bạn trong suốt bốn năm tại đây.