Rất khó để thưởng thức Regression, bộ phim mới nhất của đạo diễn The Others nổi tiếng Alejandro Amenábar, mà không liên hệ đến True Detective. Cả hai phim đều đưa người xem rong ruổi trên những con đường tối tăm vùng quê nước Mỹ, tạo nên không khí ám ảnh đe dọa, và cố gắng đưa ra lời lý giải cho một trong những hiện tượng rùng rợn nhất từng xảy ra vào thập kỷ 90: các hoạt động kinh khiếp của Satan giáo.
Thứ tôn giáo phi chính thống này, được xem là đối nghịch với Thiên Chúa giáo, từng trở thành mối đe dọa với nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới vào thập kỷ 80, 90. Các giáo đồ được cho là tôn thờ quỷ Satan, thực hiện nhiều lễ nghi đẫm máu phi nhân tính như giết hại, ăn thịt, quan hệ tình dục với trẻ con, hiến tế gái đồng trinh, hoặc các màn tra tấn bạo lực. Các cuộc điều tra dậm chân tại chỗ do thiếu bằng chứng, hoặc ngập đầy trong các bằng chứng giả, khiến người dân càng trở nên lo sợ.
Regression là một nỗ lực tái hiện, và đâu đó là câu trả lời của Amenábar về nguồn gốc của hiện tượng này. Phim xoay quay một vụ cưỡng bức bất thường, với người cha Gray (David Dencik) bị buộc tội loạn luân với cô con gái 17 tuổi Angela (Emma Watson). Bất thường ở chỗ ông ta không hề nhớ bất kỳ điều gì. Thám tử Kenner (Ethan Hawke) buộc phải sử dụng đến liệu pháp “truy hồi”, một dạng thôi miên để lần ngược lại ký ức của Gray. Trong tình trạng tranh sáng tranh tối, những hình ảnh mờ nhạt về một nghi lễ tà giáo xuất hiện.
Choáng váng, Kenner quyết định thuyết phục cô gái trẻ, vốn đang hoảng loạn, kể ra sự thật. Angela, sau khi dè chừng những phút đầu, cuối cùng đã tiết lộ rằng cả gia đình cô là thành viên của một tổ chức Satan giáo. Chúng đã giết hại mẹ cô, hiện đang đe dọa mạng sống của cô, và có thể là chính Kenner vì đã biết bí mật. Những kẻ cuồng tín dưới lớp áo choàng đen có thể làm tất cả.
Điều khiến Regression hiện đang chịu sự ghẻ lạnh của giới phê bình những ngày qua, hoàn toàn không nằm ở chất lượng phim. Amenabar là bậc thầy trong thể loại kinh dị và tâm lý hồi hộp, ông không hề xuống tay. Nếu phải so sánh với các phim kinh dị đã ra mắt trong mùa hè, Regression nằm ở hàng hay nhất về mặt hù dọa. Không hề có những màn jumpscare lối mòn, Amenabar khiến người xem sợ hãi bằng các chi tiết và sáng tạo đáng giá. Ông bắt được đúng không khí và tâm lý của phim, duy trì áp lực đều đặn suốt chiều dài phim, và khai thác tâm lý nhân vật một cách khéo léo. Cả bộ phim, khi lật ngược lại, không phải là Kenner truy hồi ký ức của các nạn nhân, mà chính anh đang ở trong cuộc truy hồi. Anh là minh chứng sống động nhất cho hiệu quả, hoặc hậu quả, của liệu pháp này.
Ethan Hawke là lựa chọn phù hợp cho vai Kenner. Ở cả vẻ ngoài hốc hác, xương xẩu, và cách anh thể hiện những chuyển biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Hawke luôn là một diễn viên ở vào vị trí thấp hơn so với tài năng thực sự anh có, và hiếm lần nào khiến người xem thất vọng. Regression không phải ngoại lệ. Trường hợp khó xác định hơn là Emma Watson, người lần đầu tham gia vào một vai diễn nặng ký thật sự. Sau Harry Potter, Watson từng thể hiện xuất sắc trong bộ phim coming-of-age The Perks Of Being A Wallflower. Nhưng Angela là kiểu nhân vật hoàn toàn khác, thậm chí có phần khó hơn cả Gone Girl vào năm ngoái, bởi thiếu hụt thời lượng và không gian diễn xuất, trong khi vẫn phải đảm bảo những chuyển biến tinh tế cho đoạn twist cuối cùng.
Không phải quá ấn tượng như Rosamund Pike, có thể nói rằng Watson đã làm tốt công việc của cô. Nếu tinh ý, ngay từ những cảnh đầu tiên, người xem đã có thể cảm nhận có gì đó lạ lẫm từ lời kể Angela. Không có sự sợ hãi hoặc hoảng loạn cần thiết, và nếu không phải Watson quá xuống phong độ trong diễn xuất, hẳn phải là thứ gì đó đang ẩn giấu. Và thật sự có gì đó đang ẩn giấu.
Vấn đề của Regression không nằm ở diễn xuất, ngay cả các diễn viên phụ như người cha do David Dencik, vị bác sĩ “thầy Lupin” David Thewlis, người cha và bà ngoại… đều đủ sức thuyết phục. Cũng không nằm ở tư duy đạo diễn của Amenábar. Thiết lập không khí là biệt tài của ông, và Regression cũng xuất sắc ở mặt này như The Others hay các phim trước đó. Ông sử dụng nhiều các góc quay cận cảnh ám ảnh, mượn cả các quay góc nhìn thứ nhất, cũng như rất chịu khó đầu tư cho bối cảnh. Chúng ta cảm thấy mối đe dọa thực sự, từ bất kỳ đâu, ngoài đường phố, trong giường ngủ, ngay chính trong tâm trí của các nhân vật. Và quan trọng hơn, chúng ta hiểu được nguyên do của nỗi sợ hãi đó.
Regression giống như một hành trình đã trọn vẹn đến 90%, và khá đáng tiếc, bị phá hủy bởi 10% cuối cùng ở kết thúc. Đó vẫn là một kết thúc đậm chất Amenábar, phong cách đã giúp ông thành công, khi lật ngược lại hoàn toàn những cơn ác mộng tốn công dựng xây, và mang đến nhận thức khác. Nhưng nó không phù hợp với chủ đề củaRegression, và có phần xem nhẹ một vấn đề vốn phức tạp và có qui mô lớn hơn, quy mô bằng với 8 tập phim củaTrue Detective. Sứt hút về Satan giáo và những tưởng tượng đáng sợ về nó, khoan nói về việc có thật hay không, nằm hoàn toàn ở sự bí ẩn nó mang lại. Rằng chúng ta thích nghĩ, có một lý do để Satan giáo trở thành một hiện tượng toàn cầu. Chúng ta thích hình dung những con người trong bộ áo choàng đen vẫn đang thực nghi lễ của chúng trong bóng tối. Chúng hấp dẫn, dù nguy hiểm. Hơn là ngược lại.
Do đó, kết thúc của Regression giống như một cơn hụt hơi, và không quá bất ngờ, theo kiểu The Others mang lại. Sẽ có một cảm giác gờn gợn rằng, mọi thứ diễn ra quá dễ dàng, giữa một thế giới thiếu vắng sự tỉnh táo đến mức khó tin. Còn khó tin hơn những màn tra tấn khủng khiếp của Satan giáo. Và đòn chí mạng, nằm ở yếu tố khẳng định trong kết thúc phim về hiện tượng này. Amenabar mắc một lỗi cơ bản trong việc lật ngược vấn đề, vốn phải kết nối với không khí chung, và không bao giờ nên dập tắt toàn bộ sự nghi ngờ. Phim ảnh rất khác với các quyển sách khoa học có cùng chủ đề giải thích các nỗi sợ hãi đại chúng, mà cùng chủ đề tiêu biểu là Thế Giới Bị Quỷ Ám, của Carl Sagan. Người xem không cần được soi sáng bằng các câu trả lời, mà muốn đắm chìm nhiều hơn vào các câu hỏi.
Regression hẳn sẽ mang đến nhiều nuối tiếc, dù không hẳn là thất vọng, cho các khán giả khi thưởng thức. Đặc biệt với khán giả Việt, vốn xa lạ với sự ngột ngạt tạo ra bởi ám ảnh quỷ thần ở các nước phương Tây. Và hiểu vì sao quỷ Satan vẫn luôn là chủ đề được khai thác đầy hứng thú trên màn ảnh, trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi đây là thế giới bị quỷ ám bởi chính con người.
Theo galaxycine.vn
S Communications
www.UEHenter.com