Sài Gòn những hơi thở

Nhiều người sống lâu ở Sài Gòn vẫn thường đi kiếm tìm cái gốc gác xây dựng nên hình tượng như “người Hà Nội” nhưng có cố gắng mấy cũng vô ích. Thực chất “người Sài Gòn” không phải là nguyên bản như vùng đất có nền văn hóa lâu đời ở Hà Nội. Người Sài Gòn là dân tứ phương về mưu sinh lập nghiệp nên mỗi người một nền văn hóa, một tiếng nói, một tinh túy. Những người Sài Gòn tự tạo dựng nên nét chân dung rất riêng, khác biệt và có hồn.

Người Sài Gòn có thú la cà đâu đó, trong quán nhỏ, vỉa hè, cửa hiệu sang trọng để thưởng thức café. Người Sài Gòn quen dần với thói quen uống café. Nếu chịu khó quan sát xung quanh các con đường ở đây, không khó khăn để tìm ra được một nơi bán café. Nhà nhà uống café, người người thưởng thức café, nơi nơi bán café.

Người Sài Gòn nay thích lặng ngắm sự bình yên trong mỗi góc nhỏ nhẹ nhàng cùng ly café sữa. Trong sự tất bật của sức sống sôi động, người Sài Gòn vẫn thích lê la hàng quán café trước lúc đi làm và vài chỗ nhậu khi tan tầm. Người Sài Gòn không thức dậy sớm và họ sống nhiều về đêm. Có những hàng ăn, dịch vụ, quán xá mở đến 24/24h trong ngày.

Người Sài Gòn nay vào những khu cao cấp như Vincom, Dimond, Starbucks nhưng lại thích ngồi ở quán café, trà chanh vỉa hè. Người Sài Gòn nay đi những chiếc xe Lamborghinia, mua vé ghế hạng sang trên máy bay nhưng thích ngồi trên mấy chiếc Honda 76 được “độ” lại. Người Sài Gòn nay đi siêu thị lớn nhưng không quên ghé hàng quán chợ nhỏ mùa đồ quà.

Người Sài Gòn nay giống xưa ở chỗ vừa hiện đại lại vừa truyền thống. Người trẻ, họ nắm bắt nhanh xu hướng hiện đại cùng phong cách Tây hóa, giải phóng cái tôi cá nhân. Họ không quên giữ cho mình đạo nghĩa Á Châu và vài phép tắc căn bản. Họ vẫn bị bóng gió trong sự phóng khoáng tiêu xài nhưng họ đủ thông minh để gìn giữ cho bản thân và gia đình những dự định cho tương lai. Ðặc biệt là họ không sống “như đã từng được sống”, mà luôn “sống như chưa được sống bao giờ”.

Uống café hiển nhiên trở thành một nét văn hóa trong lối sống của người Sài Gòn. Giờ đây, café không chỉ là thức uống giải khát mà còn để trò chuyện, để viết, để nghe nhịp thở của thời đại. Người nay uống café theo những phong cách khác nhau: rang xay, pha hương liệu… hay những hình thức đi kèm: café sách, café phim. Người Sài Gòn uống café để “tỉnh”, để không mê muội vào những thứ xô bồ, để bình yên.

Mặc cho những trào lưu giới trẻ từ Hà Nội đổ ào vào Sài Gòn như “trà chanh chém gió” hay chè khúc bạch làm sục sôi từ facebook tới hàng quán thì café vẫn luôn giữ được vị thế trong lòng người Sài Gòn. Trà Chanh chỉ như một món phở còn Café là cơm, cơm ăn mãi thì thèm phở. Vậy nhưng, người ta thèm phở chả bấy lâu rồi cũng chỉ biết quay đầu lại với miếng cơm gần gũi mà thôi.

Café thường có hai giống chính là Robusta và Arabica. Nếu ai đó thích cảm giác chua, đắng vừa phải thì nên uống Arabica. Arabica hơi chua vì được lên men, rang trong bề mặt thoáng và không gắt gao về nhiệt độ. Nói đến “hậu vị” của café là có thật, nhưng không phải là vị chua, mà phải chuyển từ chua sang đắng. Đúng với tên gọi Robusta, hương vị của nó mang đến cho người uống cảm giác mạnh, rất đắng, nhiều cafeine và dễ gây mất ngủ do được sấy trực tiếp trong nhiệt độ cao 230 – 240 độ chứ không phải lên men. Café uống hàng ngày thường được pha trộn thêm hương liệu để café hợp khẩu vị hơn như bơ thực vật, nước mắm…

Sống lâu ở Sài Gòn hẳn mọi người sẽ dễ “bị” ghiền café hay chí ít cũng quen với hình ảnh ly café. Café có ly cao, ly thấp, ly tròn, ly vuông nhưng vẫn có hương vị riêng. Trong suy nghĩ nhiều người, café thường đắng. Nhưng vị đắng của café lại có dư vị ngọt, đọng lại trong khóe môi sau khi uống. Uống café, ngẫm chuyện đời hẳn là thú tao nhã đối với người Sài Gòn nay.

Nếu có lần ghé Sài Gòn, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn quên ghé qua mấy quán café nhẹ nhàng để thưởng thức sự tĩnh lặng trong dòng chảy hối hả của Sài Thành hôm nay.

Phương Thảo
www.uehenter.com
S Communications