Sự trưởng thành thật sự và việc đối diện như thế nào với những lựa chọn, đánh đổi để tạo nên thành công tương lai cho chính mình là thông điệp sâu sắc đã được truyền tải hết sức rõ nét trong talkshow: “Người lớn hay ta lớn” do Nhóm Truyền thông sinh viên – S Communications Group, trực thuộc Hội sinh viên trường Đại học Kinh tế tp. Hồ Chí Minh tổ chức vào tối 30/3 tại hội trường chính Học viện Hành chính.
Đến dự buổi Talk Show có sự tham gia của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Designer tài năng Lâm Thanh Tùng, ca sĩ khách mời Hari Won và hơn 300 sinh viên từ khắp các trường đại học trên địa bàn thành phố về tham dự.
PGS. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn đã cùng tung hứng ăn ý với “người anh em” Lâm Thanh Tùng về chủ đề nổi cộm “Người lớn hay ta lớn”, “Thế nào là người lớn?”, “Khi nào người ta lớn?”,“Sự đánh đổi giữa những lựa chọn?” …. Hai diễn giả đã hết sức thuyết phục và trọn vẹn trong việc chia sẻ về cuộc sống, những trải nghiệm, những đúc kết và sự khẳng định bản thân trong quá trình “lớn” của họ để các bạn sinh viên có thể hình dung rõ hơn về “Khi người ta lớn” sẽ là như thế nào, cũng như định hướng đam mê, nhiệt huyết cho các bạn trẻ.
Khi người ta lớn
Designer tài năng Lâm Thanh Tùng chia sẻ về quá trình “lớn sớm” của mình. Ngay từ khi còn học lớp 6, Thanh Tùng đã có niềm đam mê với nhiếp ảnh, vòi bố mẹ mua bằng được máy ảnh và bắt đầu “tác nghiệp” chụp cảnh vật thiên nhiên: chuồn chuồn, bướm, hoa…. Kể từ đó, anh phát hiện niềm đam mê về họa tiết, graphic, đồ họa… “Mình lớn chưa?”, đó là suy nghĩ của chàng designer trẻ Lâm Thanh Tùng khi tròn 22 tuổi.
Sau nhiều năm thành công, và đỉnh điểm là việc gầy dựng được thương hiệu Lâm Thanh Tùng trong giới thiết kế trong vòng 4 năm nhưng anh vẫn chưa có điểm dừng và cho rằng “anh chưa lớn” và vẫn là một “nhà du hành” trong đam mê của mình. .
Với câu chuyện của Lâm Thanh Tùng, thầy Sơn đưa ra nhận định rằng người ta thường hay mặc định lớn ở số tuổi, lớn ở tầm vóc, phát triển như người lớn đích thực, nhưng “lớn” thực chất là “lớn trong suy nghĩ”. Vì lẽ đó, sau hơn 15 năm gắn bó với nghề tư vấn, thầy Sơn cảm thấy mình càng lớn hơn, học hỏi được nhiều hơn và càng trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Buổi trò chuyện càng trở nên thân mật, gần gũi hơn khi các vị khách mời của chúng ta đem lại không khí hết sức vui vẻ cho chương trình. Đó là bài hát “Yên bình” rất được giới trẻ yêu thích do chính anh Lâm Thanh Tùng sáng tác (đã được thể hiện bởi ban nhạc It’s time) như một lời bộc bạch với đời. Đó là những câu chuyện dí dỏm, bản lĩnh cũng như chất liệu trữ tình trong bài thơ năm xưa của thầy Huỳnh Văn Sơn.
Sở thích và đam mê
Các diễn giả tiếp tục giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn đâu là sở thích và đâu là đam mê. Sở thích xuất hiện sớm, còn đam mê chính là thứ mình bị cuốn hút theo.
Chia sẻ về điều này, thầy Sơn khi còn trẻ từng ước mớ làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ. Trước khi đến với nghề giảng viên, thầy Sơn đã “trải nghiệm” qua vô số công việc. Tốt nghiệp thạc sĩ khá sớm khi chỉ mới hơn 22 tuối rồi từ Singapoor trở về Việt Nam, thầy Sơn làm cho công ty nước ngoài, thiết kế questionare cho công ty thuốc lá với mức lương 2500$ làm 4 ngày/ tuần. 24 tuổi, thầy được đề cử quản lý 2 tiến sĩ, 11 thạc sĩ và 2 cử nhân. Thầy bắt đầu nhận ra ước mơ trong cuộc đời sau khi đã trải nghiệm qua các công việc hấp dẫn khác, thầy chọn giảng viên đại học làm bến đỗ nghề nghiệp cuối cùng trong đời mình.
Theo chia sẻ của thầy Sơn, việc quan trọng nhất của đời người, đó chính là xác định ước mơ. Ước mơ cộng với nội lực của mình dễ dẫn đến thành công hơn là một ước mơ xa vời, mình chưa đủ khả năng vươn tới, nó sẽ trở thành một gánh nặng trên vai mình. Có một ước mơ tương xứng, cố gắng nỗi lực hết mình, yêu thích chính nó thì đó sẽ là ước mơ hoàn toàn trong tầm tay.
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi, “Khi mình xác định mục tiêu, ước mơ thì làm sao để mình duy trì được động lực, mục tiêu đó?” Thầy Sơn đã tư vấn rằng: có 4 cách giúp nâng cao động lực chạm tới ước mơ đó.
– Nếu ta đặt ước mơ cao quá, ta phải xem lại mục tiêu ta đề ra.
– Mình tin mình làm được
– Tìm đến những lời động viên từ những người thân thương nhất.
– Giải tỏa chút căng thẳng bằng những chuyến phượt, hoặc là 1 món ăn ta tự nấu, xe kịch…
Một sinh viên năm 3 sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, nhưng lại đam mê trở thành giảng viên ưu tú, lời khuyên nào dành cho bạn ấy?
Theo thầy Sơn, người ta nên theo đuổi đam mê của mình, bạn ấy có thể lựa chọn học thêm văn bằng 2 tại ĐH Sư phạm TP.HCM hoặc tiếp tục với ngành Quản trị kinh doanh mà bạn ấy chọn và sau này sẽ làm tạo các công ty đào tạo đúng chuyên ngành mà bạn ấy học.
Hình mẫu của sự thành công
Hồi nhỏ, ai ai cũng có một hình mẫu riêng để mình noi theo, vậy hình mẫu của Thanh Tùng và thầy Sơn là gì? Đối với thầy Sơn, thầy không có bất cứ 1 khuôn mẫu nào tuyệt đối mà thầy luôn học hỏi từ người khác, học cả điều tốt và chưa tốt để ngày càng hoàn thiện mình hơn.
Còn Lâm Thanh Tùng chịu ảnh hưởng nhiều bởi mọi thứ xung quanh mình, kể cả nhạc Trịnh, Phạm Duy cũng làm nên một Lâm Thanh Tùng nhiều ý tưởng mới, thiết kế mới chứ cũng không có một hình mẫu cho sự “lớn” của mình.
Hari Won và khoảng khắc “Đưa ước mơ lên sóng”
Khi vị khách mời thứ ba xuất hiện cũng là lúc hội trường sôi động hơn bao giờ hết. Hari Won cô gái mang hai dòng máu Việt Hàn cực dễ thương trong “ Cuộc đua kì thú” đã đem đến cho Talk Show những bài hát vô cùng ngọt ngào. Hari trò chuyện rất đơn giản, chân thành và dễ mến. Vì vậy cô nàng đã nhận được sự thích thú, cổ vũ nhiệt tình từ các bạn sinh viên, khiến cho không khí của Talk Show thêm phần đậm chất sinh viên.
Là sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tp HCM, Harri cũng khoe về thành tích học tập cực khủng của mình và cũng chia sẻ về sự khó khăn khi là một sinh viên. Chẳng hạn, Harri cũng đang chuẩn bị cho bài thi giữa kì ngày mai, nhưng vẫn sẵn lòng đến chia sẻ và tặng các bài hát cho các bạn sinh viên.
Chương trình diễn ra thành công và khép lại với “cơn mưa” những chiếc máy bay giấy đủ sắc màu, gửi gắm những ước mơ, mong mỏi của các bạn sinh viên được phóng lên với sự “khai pháo” của Harri Won.
Những chiếc máy bay giấy đủ màu sắc chính là biểu tượng phát động cuộc thi Let’s on air 2014 với chủ đề “Khi người ta lớn” với các hạng mục và Ban giám khảo như sau:
– Hạng mục Phim ngắn:
+ Đạo diễn- diễn viên Thái Hòa
+ Nhà sản xuất kênh truyền hình YanTV- Trần Đình Hiền
– Hạng mục Quảng cáo báo chí:
+ Designer Lâm Thanh Tùng
+ Thầy Giang Vỹ Hùng– Giảng viên Đại học trường FPT
– Hạng mục Truyện ngắn:
+ Tác giả Hamlet Trương
+ Tác giả Ray Đoàn Huy
Chương trình được thực hiện bởi nhóm Truyền thông sinh viên – S Communications Group và được hỗ trợ bởi:
· Đơn vị đồng hành chương trình: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel
· Đơn vị tài trợ giải thưởng: Trường đào tạo Mỹ thuật FPT- Arena, Học viện Quốc tế BMG
· Đơn vị bảo trợ truyền thông: Yan News, Marketer Việt Nam
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Lưu Huyền Trang – 0933 781 204
Email: letsonair.2014@scommunications.org
Website: www.UEHenter.com
Fanpage: https://www.facebook.com/scoms.ueh
Mỹ Lệ
S Communications
UEHenter.com