Tết xưa
Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử, gìn giữ trong mình là cả một kho báu đồ sộ những phong tục tập quán tốt đẹp, ý nghĩa và đầy màu sắc. Tự hào biết mấy những nét văn hóa độc đáo ấy, những phong tục mà mỗi một tục lệ ấy là kết tinh một cách thuần khiết của bao tâm hồn Việt, của tình yêu quê hương, làng mạc… Tết Nguyên Đán-ngày của sự đoàn viên, ngày của sự vui mừng mùa màng bội thu, ngày mở đầu một năm mới, một hành trình mới….cũng có biết bao điều đáng nói, đáng nhắc lại để hiểu, trân trọng những giá trị ấy và yêu hơn ngày hội quê hương.
Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán là Tết khởi đầu một năm.
Ngày Tết trong ý thức người Việt từ xưa không chỉ là một lễ hội lớn trong năm mà còn được xem là niềm tin tín ngưỡng. Đối với ông cha ta từ xưa, Tết Nguyên Đán là dịp vô cùng quan trọng, gia đình con cháu cùng quy tụ, sum họp để kính nhớ ông bà tổ tiên. Vì vậy, làm vất vả cả năm thế nào cũng phải có một cái Tết thật lớn. Ngay từ vài tháng trước, nhà nhà đã lo nuôi một đàn gà, vỗ béo vài con lợn, để riêng một vạt ruộng trồng giống nếp ngon để cận Tết giết thịt, gói bánh chưng bánh tét.
Khoảng một tháng trước Tết, không khí rộn ràng đã lan khắp làng trên xóm dưới, chợ Tết bắt đầu nhộn nhịp, các bà, các mẹ đi mua sắm Tết: nào quần áo, nếp thịt, đậu lạc,…Và không thể thiếu trong ngày xuân là những chợ hoa rực rỡ sắc màu: đào của miền Bắc, mai của miền Nam tượng trưng cho phú quý giàu sang, thủy tiên thanh cao quyền quý, đồng tiền mang đến tài lộc, ly, lan, sung, quất…
Trẻ con lúc đấy phải nói rằng “vui như Tết”, có quần áo mới, lăng xăng hưởng lây cái không khí chuẩn bị tất bật của cha mẹ chúng.
Ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông táo về trời. Ông Táo theo quan niệm xưa là người trông coi nhà bếp, giữ gìn sự yên ấm cho gia đình. Hằng năm, để tiễn ông Táo về chầu Thượng Đế bẩm báo tình hình nhân gian, trong nhà phải chuẩn bị nhang, nến, trái cây, mũ đàn ông, đàn bà, vàng mã và cá chép để giúp vượt vũ môn. Đây là lúc Tết đã lãng đãng chạm ngõ từng nhà.
Ngoài ra, trồng cây nêu cũng là một tập tục có ý nghĩa lâu đời. Mỗi nhà dựng một cây tre cao 5-6m trước sân, trên ngọn treo những vật có thể gây tiếng động hay bay phất phơ với ngụ ý xua đuổi ma quỷ. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người.
Tết đến xuân về, một phong tục đẹp đã có từ lâu đời được bắt nguồn từ câu chuyện Lang Liêu và được giữ đến ngày nay là gói bánh chưng. Không quá cầu kì, phức tạp nhưng cũng đòi hỏi ở người gói bánh sự khéo léo và sự hỗ trợ của nhiều người vì có rất nhiều công đoạn: lau lá, ngâm gạo, ngâm đậu, gói bánh, và nhất là nấu bánh. Trong ánh lửa bập bùng, tí tách, mọi người trong nhà ngồi quây quần nói chuyện canh bánh chín, thật ấm áp và vui lạ. Ở miền nam, người ta thường gói bánh tét vì chiếc bánh buộc chặt hơn nên để được lâu.
Xếp mâm ngũ quả chính là một nghệ thuật, với những loại trái cây mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn như cầu, dừa, đu đủ, xoài,… được bày biện tươi tắn đủ màu tượng trưng cho sự tồn tại của ngũ hành, được trang trọng đặt trên bàn thờ.
Trước Tết thì nhà cửa phải tinh tươm, sạch sẽ, sau đó là trang hoàng cho thật tươi vui. Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc.
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua”
(Vũ Đình Liên)
Đây là hình ảnh thật đẹp mỗi độ xuân về, với cây bút, thỏi mực, từng xấp giấy đỏ dưới bàn tay tài hoa của ông đồ già, những câu đối mang ý nghĩa tốt đẹp đầu xuân cũng khiến cái Tết thêm phần vui tươi, rạo rực.
Tục treo tranh Tết thể hiện mong ước một cuộc sống thái bình, sung túc cũng như trang trí cho cảnh sắc thêm phần rực rỡ. Một số bức tranh ngày xưa hầu như không thể thiếu trong gia đình mỗi dịp Tết là: cặp tranh Vinh hoa- Phú quý, Đám cưới chuột, Hứng dừa , Tứ bình, Tứ quý thuộc các dòng tranh nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng,… vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Tết sẽ bắt đầu từ phút giao thừa, tất cả con cháu phải sum họp ai về nhà nấy, cùng nhau chờ đợi thời khắc giao thoa. Phút giao thừa được đánh dấu bằng tiếng pháo nổ từng tràng liên hồi. Theo dân gian, pháo nổ vào dịp đầu năm để xua đuổi ma quỷ của năm cũ và chào đón năm mới. Pháo càng dài và lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy nhiều xác pháo thì được cho là điềm lành của năm.
Mồng một Tết, ngoài đường vắng vẻ hơn hẳn, đây là ngày con cháu trở về thăm hỏi, chúc Tết ông bà và người thân trong dòng tộc, họ hàng; đi thăm mộ, thắp hương cho ông bà, cha mẹ đã qua đời. Đây chính là một nét văn hóa rất đẹp trong ngày Tết dù cho ca năm sinh sống, làm ăn ở đâu. Sau đó, trẻ con sẽ được ông bà, người lớn lì xì, là một ít tiền đựng trong một bao đỏ tượng trưng cho may mắn và lời chúc mau ăn chóng lớn, học giỏi, ngoan ngoãn,…
Ngày đầu năm cũng rất cẩn thận việc người khách đến nhà mình đầu tiên, gọi là xông đất, thường sẽ chọn người khỏe mạnh, vui tươi, hợp tuổi với chủ nhà để mang lại may mắn cho nhà mình cả năm.
Ngoài ra còn có tục khai bút, khai ấn, khai canh,…và rất nhiều phong tục lạ, độc đáo của các dân tộc anh em khác trên khắp đất nước. Nhưng suy cho cùng thì tất cả các phong tục ấy đều hướng đến chung một ý nghĩa là tạ ơn trời đất và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, thuận hòa.
Và nay
Ngày nay, ngày Tết vẫn còn nguyên đấy, song ý nghĩa đã vơi dần hay đã thay đổi ít nhiều do cuộc sống ngày càng hiện đại, nhịp sống ngày càng hối hả. Mệt mỏi với công việc trong hơn 300 ngày nên ngày Tết là dịp mà người ta có thể nghỉ ngơi, du lịch nhiều hơn là quây quần bên một đại gia đình.
Cái háo hức của trẻ con được ăn ngon, được quần áo mới, được mừng tuổi với phong bao lì xì đỏ đỏ cũng không còn nguyên vẹn khi mà cả năm chúng đã được bố mẹ sắm sửa đầy đủ, và sự may mắn nhiều hay ít được do đếm bằng vật chất.
Tuy nhiên, thay đổi là điều khó tránh khỏi, theo thời gian do sự giao lưu văn hóa, gìn giữ cái cũ thì cũng phát sinh những cái mới. Tết ngày nay ngoài việc đoàn tụ gia đình mà còn mang một ý nghĩa cộng đồng lớn hơn khi những ngày giáp Tết, từng đoàn thiện nguyện rong ruổi khắp các cung đường, và các ngõ hẻm để mang hơi ấm mùa xuân đến cho những trẻ em lang thang, những người nghèo khổ.
Tết luôn là một lễ hội lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của dân tộc ta, lưu giữ nó chính là giữ lấy nét riêng độc đáo, giữ lấy cái hồn dân tộc. Vì vậy dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì ngày Tết sẽ luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm người Việt dù qua bao thế hệ.
Tú Khuyên
www.uehenter.com
Scommunications