Tết Xa Xứ

Trong tiết trời không mấy dịu dàng của Sài Thành, dưới cái nắng hanh khô như đang thiêu đốt, hay bất chợt dưới cơn mưa xối xả như đang thử thách sự chịu đựng của con người nơi đây cũng không thể nào chối bỏ sự tiếp cận của sắc xuân dần lộ diện trong mọi ngõ ngách của thành phố. Tết Sài Gòn thật lạ lẫm với lũ sinh viên năm nhất xa quê chúng tôi, lạ lẫm từ cái hoa lệ, tấp nập, lạ lẫm từ những gương mặt vô tình mang trên mình gánh nặng mưu sinh hay lạ lẫm là do chính lòng người đang dao động.

Cảm giác hân hoan trước ngưỡng cửa xuân…

Giữa vô vàn những điều lạ lẫm, tôi lại càng thêm bâng khuâng nhớ về mùa Tết ở quê, không phải là những cửa hiệu với đủ thứ loại giấy trang trí xa hoa, đắt tiền, không phải là đêm ca nhạc hoành tráng với những ca sĩ nổi tiếng mà chỉ đơn giản là ngày Tết dân tộc in sâu vào từng suy nghĩ, từng thớ thịt của con người nơi đây, một cái gì đó thật Tết. Quê tôi là một xã nhỏ bé, bao phủ bởi những cánh đồng lúa chín thơm khi đến mùa gặt, đó là nơi mang đậm cái thật thà, chất phác của người nông dân. Tết ở nơi đây chẳng giàu ở vật chất mà giàu ở lòng người. Giàu ở cách mà họ cho đi với nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt đầy những vết hằng của nắng gió.

Vị của Tết là vị của đoàn bánh tét, tô thịt kho, tô canh khổ qua. Vị béo ngậy của bánh tét mà cả xóm cùng quây quanh bên bếp lửa, vị đắng của trái khổ qua được trồng sau khu vườn nhà bác Tư, hay vị đậm đà của tô thịt kho không thể thiếu trong mâm cúng cỗ. Hương của Tết là hương của cỏ, hương của hoa, hương của giấy đỏ dán trên cửa chính, hay cả là mùi sơn gỗ của chiếc tủ cổ. Hương của Tết còn là hương hoa của những phiên chợ ngập tràn bởi sắc vàng của hoa mai, hoa cúc hòa lẫn vào cái rộn ràng, nhộn nhịp khó tả mang tên quê hương. Tất cả những hương vị ấy tạo nên Tết tràn đầy vị-sắc-hương . Tôi chẳng có một mỹ từ nào để miêu tả về Tết bởi bản thân nó đã là một mỹ từ.

Nỗi lòng của những con người xa xứ…

Và Tết sẽ không bao giờ trọn vẹn nếu không có tình thân, món ăn sẽ không ngon nếu không phải do bà nấu, hoa sẽ không đẹp nếu không phải do mẹ cắm, cây mai trước sân sẽ không nở rộ nếu không có bàn tay chăm bón của ba. Được sống và được che chở bởi họ là một loại hạnh phúc. Đôi khi thú vui ngày Tết chẳng phải là ngày du lịch đó đây mà đơn giản chỉ là được ngồi bên mâm thức ăn cùng với gia đình, nhâm nhi chén trà đắng với thứ mứt ngọt tận “tim gan”, được nghe chú bác kể chuyện, hàn thuyên, được nghe anh chị chia sẻ về những dự định tương lai, hay hơn nữa là nghe được câu nói của bà “Sắp nhỏ mau vào ăn cơm” – thứ âm thanh quen thuộc cùng với lời ru quen thuộc theo tôi trong từng giấc mơ cho đến lúc trưởng thành. Giọng nói của bà đã trở thành mảng kí ức nhiệm màu nhất trong tâm trí tôi dù bà có ở xa đến đâu đi chăng nữa.

Tết chẳng những là nét văn hóa đặc sắc mang trên mình sứ mệnh truyền thống mà còn là chiếc cổ máy ngưng đọng thời gian đưa con người về với quê hương – nơi chất chứa những loại cảm xúc khó quên nhất trong họ. Cảm xúc của ngày đầu tiên nhìn thấy ánh sáng, của ngày bập bẹ “ba ơi, má ơi”, cảm xúc của rung động đầu đời, hay thậm chí là cảm xúc lần đầu biết đến cái được gọi là chia li. Tết quê hương chính là cầu nối đưa họ tránh xa sự chật chội, đố kị cay nghiệt của cuộc sống và trở về với những cảm xúc chân thật nhất nơi cội nguồn.

Được sống trong không khí Tết, được ở bên gia đình, được tận hưởng hương vị quê hương vốn không phải là điều xa xỉ nhưng đối với một số người đó lại là thứ mà họ không thể với tới, vì phải vật vã với đời, vì bị xô ngã giữa dòng chật chội của xã hội, họ – những cá nhân bất hạnh chỉ có thể tận hưởng Tết trong nỗi nhớ nhung da diết. Bà xa cháu, cha xa con, vợ xa chồng đó vốn là sự thiếu thốn mà không có thước đo nào có thể đong đếm được. Nếu xa quê là nỗi đau day dẳng thì xa quê ngày Tết chính là sự âm ỉ không nguôi, “con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai vàng nở vàng bên nương, năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa” – câu hát gây ám ảnh nơi lòng người chiến sĩ thời xưa và ngày nay cũng thế, những đứa con xa xứ cũng chính là những chiến sĩ ngày đêm tìm kiếm thứ hạnh phúc được xã hội định nghĩa bằng vật chất.

Trong tiếng nhạc xuân rộn ràng khắp nơi, trong sắc đỏ vàng chói mắt của những ngôi nhà khang trang, sự hụt hẫng nơi đáy mắt họ mang tên nỗi đau của những đứa con xa xứ…

Mùa xuân là mùa của yêu thương, là mùa của cảm thông và tha thứ, tình yêu sẽ ở lại và nỗi muộn phiền ở năm cũ sẽ giống như những cánh hoa mai rơi rụng được gió cuốn đi. Mọi sự mất mát được lấp đầy, mọi vết thương sẽ lành lại để cùng nhau đón xuân an lành. Ai ơi, dù đang ở bất cứ nơi đâu, hãy trở về nhà, cùng nhau để tận hưởng Tết đoàn viên – nơi có tiếng nói thân thương, tiếng cười khúc khích, và cả tiếng lòng căng tràn sức sống.

Tết vốn bình dị như thế, là vui vì những điều nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa, là thông cảm với những mảng tối của cuộc sống, là cười khi Tết đang dần lan tỏa khắp nơi – mang theo một chút nuối tiếc và cả tấn niềm hân hoan cho khúc ca sum vầy.

Gia Khánh
S Communications
www.UEHenter.com