“Ra trường sao rồi em?”
“ Vẫn thất nghiệp anh ơi. Chán lắm!”
Đúng là chán thật. Mà không. Chán đến đổ bệnh ấy chứ. Cứ thử nghĩ xem cùng một nhóm bạn chơi thân với nhau khi còn là sinh viên, đến khi ra trường những người bạn của bạn đứa thì được nhận vào thực tập công ty này nọ, đứa thì tu chí học tiếp lên cao học. Còn bạn??? Thất nghiệp. Đó là chưa kể đến bạn phải đau đầu, loạn não khi “nguồn viện trợ hàng tháng” từ gia đình bị cắt hoặc giảm đi ít nhiều. Tỷ lệ nghịch với tình hình tài chính đó là vấn đề thời gian. Bạn trở nên rảnh rỗi hơn. Và điều này thì thật “nguy hiểm” bởi ông cha ta có câu “nhàn cư vi bất thiện”.
Chỉ nghĩ đến chừng đó vấn đề phát sinh từ 2 chữ “thất nghiệp” thôi cũng đủ làm một sinh viên suốt ngày bù khú với đám bạn bè phải do dự khi lên lịch đi chơi rồi. Đó là tôi chỉ nói cái tôi tưởng tượng ra thôi chứ không chừng anh sinh viên ấy lại “được cảnh báo đúng lúc” đến độ lao đầu vào sách vở ngổn ngang ấy chứ. Ai mà biết được!
Trong khi cả bạn và tôi đang lo sốt vó lên vì “công ăn việc làm” tương lai của mình như vậy thì một số người lại đang cười thầm. Mà cũng chả cần giấu giếm làm gì nữa. Tôi nói thật ra luôn vậy. Tôi nghĩ người cười giòn giã nhất có lẽ là ông Phillips. Hãy bình tĩnh lại tí đã bạn. Khoan nghĩ rằng ông này đang “cười trên nỗi đau của người khác” nhé.
Phillips là một nhà kinh tế học và ông đã đưa ra một đồ thị nổi tiếng có tên là “Đường cong Phillips”. Đường cong này phản ánh mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát. Theo đồ thì ta có thể thấy, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên thì tỷ lệ lạm phát sẽ hạ nhiệt và ngược lại. Hay nói một cách khác: tỷ lệ thất nghiệp có quan hệ ngược chiều bền vững với tỷ lệ lạm phát.
Như vậy, vấn đề đã rõ ràng. Viêc chúng ta lâm vào tình trạng thất nghiệp có lẽ là tin tốt đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn cuối năm, cận kề Tết như hiện nay, khi chính phủ đang “chạy nước rút” để cố gắng phấn đấu kìm hãm lạm phát và duy trì ở mức 7% (nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra trong phiên họp thường kì tháng 8/2012).
Tình trạng thất nghiệp gia tăng tương quan với áp lực giảm lạm phát. Và chính điều này có thể khiến những người thất nghiệp như chúng ta tự hào mà nói rằng: chúng ta có vai trò to lớn trong việc duy trì mức giá các mặt hàng ở một chừng mực có thể chấp nhận được.
Đó là kết quả mà chúng ta đem lại cho cả nền kinh tế khi chúng ta không có việc làm. Vậy bản thân ta thì được những gì hay chỉ là một cái túi rỗng không tiền?
Có thể đến một lúc nào đấy bạn sẽ nghĩ tiền rất quan trọng, vấn đề tài chính là trên hết. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi thì mỗi chúng ta đều có những điều quan trọng hơn thế, những mục tiêu phấn đấu đôi khi không hẳn là vì tiền. Bạn lại nói tôi lý thuyết hóa rồi? Có thể đúng cũng có thể sai vì dẫu sao tôi cũng chưa quá từng trải để mà “giảng đạo” lại cho các bạn. Chỉ là ý kiến cá nhân thôi.
Đồng ý là thất nghiệp khiến kinh tế cá nhân bị eo hẹp nhưng bù lại bạn sẽ nhận được những lợi ích khác mà có thể bạn không nhận ra. Thất nghiệp là cơ hội để chúng ta tìm kiếm cho mình những việc làm khác phù hợp với bản thân mình hơn. Đến đây tôi lại liên tưởng một tình trạng đó là làm việc trái ngành. Phải chăng chính giai đoạn thất nghiệp “quý giá” này mà chúng ta được thỏa sức thử những môi trường, những công việc mà chúng ta chưa từng quen thuộc, để rồi nhận ra ta yêu công việc nào hơn, gắn bó với nơi nào nhất.
Khi nhìn những người thất nghiệp xung quanh ta, ví dụ bạn đang có việc làm hẳn hoi, liệu bạn có “dũng cảm” thôi việc không? Câu trả lời “Có” được nói ra hơi do dự. Nếu không vì một điều gì đó thôi thúc mãnh liệt nhất định, tôi nghĩ bạn sẽ trung thành với nơi bạn đang làm hơn khi tình trạng thất nghiệp gia tăng. Bạn dồn sức vào công việc của mình, cố gắng cải thiện kết quả hòng mong muốn không bị sếp cho thôi việc. Ồ, hóa ra bạn đang tăng năng suất lao động của mình. Kết quả là tăng lợi nhuận của công ty và nhiều nhiều lợi ích đi kèm khác nữa.
Bạn sẽ làm gì nếu mình thất nghiệp. Với tôi, tôi sẽ tân dụng thời gian rảnh rỗi này để làm những điều bản thân thấy thú vị: đi phượt, viết lách, tự mày mò những kĩ năng mới… “Thất nghiệp”, “bị thất nghiệp”, “được thất nghiệp” suy cho cùng cũng là cách ta nhìn nhận vấn đề mà thôi.
Cẩm Vân