Thước Đo Giá Trị Của Trường Học – Liệu Chăng Là Học Phí?

Việt Nam đang giữ học phí thấp để sinh viên nghèo có thể được học đại học. Nhưng nhóm Đối thoại giáo dục (VED) cho rằng, điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng và kìm hãm sự phát triển của giáo dục đại học.

Học bổng và tín dụng: Quá ít !

Theo VED, giáo dục đại học Việt Nam đang gặp 3 vấn đề lớn: Thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Mức đầu tư của Nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách Nhà nước cho giáo dục. So với GDP, tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học là 0,9%, trong khi mức trung bình đầu tư công cho giáo dục đại học của các nước ở châu Âu là 1,1% GDP. Mức học phí cho các trường công ở Việt Nam cũng rất thấp. Các nguồn thu khác, như nguồn thu từ dịch vụ, viện trợ, tài trợ, hiến tặng chỉ chiếm khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các đại học Việt Nam.

Việt Nam chủ trương giữ mức học phí thấp để sinh viên nghèo có thể tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, VED cho rằng, cách làm như vậy là sai lầm vì học phí thấp làm cho các trường không đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Giải pháp cho vấn đề này là chương trình học bổng và tín dụng cho sinh viên nghèo. Thế nhưng, hiện tại, học bổng cho sinh viên nghèo ở nước ta đã có song mức cho vay thấp, chỉ đủ chi trả một phần chi phí sinh hoạt, học phí của sinh viên. VED đề xuất, cần cải cách tài chính cho hệ thống các trường đại học Việt Nam. Theo đó, 3 lĩnh vực ưu tiên cải cách gồm: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, giao tự chủ tài chính cho các đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề, như: Số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản đầu tư khác, căn cứ trên mức chấp nhận của thị trường.

Description: Sinh viên đóng học phí cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng giáo dục có tương xứng.

Sinh viên đóng học phí cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng giáo dục có tương xứng.

Khi đó, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho từng trường thông qua học bổng và tín dụng sinh viên, tài trợ nghiên cứu khoa học. Để tránh những thay đổi quá đột ngột, trong thời gian đầu, Chính phủ có thể vẫn khống chế mức học phí trần và cho phép mức trần này tăng dần theo từng năm. Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Tùy thuộc vào chất lượng

Hiện tại, học phí ở các trường đại học công lập được chia làm 3 loại. Thứ nhất là các trường công lập thu học phí theo Nghị định 49. Thứ hai là các trường công lập được tự chủ một phần, sinh viên đóng học phí theo quy định của nhà trường và cuối cùng là những trường đại học công lập được tự chủ tài chính. Tại TP. HCM, đã có các trường: ĐH Tài chính Marketing, ĐH Mở, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế được tự chủ tài chính. Sinh viên theo học 4 trường nói trên sẽ đóng học phí từ 13 – 17 triệu đồng/năm. Những trường công lập thu học phí theo Nghị định 49, sinh viên đóng 4,8 triệu đồng/năm. Những trường công lập được tự chủ một phần, sinh viên đóng từ 6 – 10 triệu đồng/năm học.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, học phí không phải là thước đo của chất lượng giáo dục đại học. Từ trước đến nay, chỉ có sinh viên trường ngoài công lập mới đóng hết 100% kinh phí đào tạo. Trong học phí mà sinh viên các trường ngoài công lập đóng, các trường sẽ dùng để trả lương giảng viên, kinh phí chi thường xuyên, xây dựng cơ sở vật chất… Còn sinh viên các trường công lập chỉ đóng một mức rất thấp. Hằng năm, Nhà nước phải cấp bù kinh phí đào tạo cho các trường công lập. Do đó, xu hướng cho các trường tự chủ tài chính là để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Vấn đề là cần công khai rộng rãi cho sinh viên được biết trước khi nhập học.

Lê Thị Thu Hương (năm thứ hai, ngành Kế toán, trường ĐH Mở TP. HCM) cho biết, trường vừa được tự chủ tài chính. Năm học tới, sinh viên phải đóng 13 triệu đồng; năm học 2016 – 2017, phải đóng 15 triệu đồng. Số tiền này cao gấp 3 lần so với hiện tại. “Học phí tăng nhưng chất lượng có tăng hay không. Sinh viên có nhận được chất lượng đúng số tiền mình bỏ ra hay không? Những khóa đầu tiên, chắc chắn sẽ rất khó có được chất lượng cao vì cái gì cũng cần quá trình. Vì vậy, muốn biết học phí cao hay thấp cần có chuẩn chất lượng để đánh giá”, Hương nói.

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT, cho biết: “Việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Lâu nay, học phí của nước ta được đánh giá là thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, khi được tự chủ, các trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và sinh viên sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn”.■

QUẾ SƠN
Nguồn: hoahoctro.vn