Thương hiệu Việt, tại sao không?

UntitledVào giữa tháng 8 vừa qua, hàng loạt tờ báo trong và ngoài nước đã đưa tin Việt Nam ta trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Thông tin này đã mang đến sự tự hào cho không ít người con xứ Việt, một quốc gia mà cà phê đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu. Bên cạnh những suy nghĩ tích cực về tương lai nền cà phê trong nước, không ít những người lại lo lắng liệu có sự thay đổi nào hơn không.

Lo lắng vì cái giá trị mang lại so cái tiếng tăm “số một” đó thật chẳng đáng là bao. Xuất khẩu lớn nhất thế giới mà giá thành một kí cà phê nhân lại chỉ bằng một tách “cà phê thứ thiệt” dao động trong khoảng 30.000-40.000 đồng, không những thế số lượng cà phê xuất khẩu bị trả về vì chất lượng kém cũng “số một”. Tôi cũng xin giải thích thêm về “cà phê thứ thiệt” ở đây, không mang ý gì sâu xa, đây chỉ là thứ cà phê thực chất là…cà phê, không bắp, không bơ, không đậu nành, không chất tẩy (vốn là những thứ mà nhiều bạn những người lớn tuổi khác thường uống và gọi là cà phê). Chưa kể là việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuộc mất về tay Trung Quốc.

Những bất cập trên phát sinh từ sự thiếu bền vững ở cả ba khâu trong nền cà phê: sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Các khâu này lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: người tiêu dùng vốn đã quen thuộc với cà phê “bột bắp” giá rẻ và ghẻ lạnh cà phê nguyên chất, điều này khiến các doanh nghiệp cà phê trong nước đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình, không có sự đầu tư đúng mức cho việc trồng trọt và chế biến cà phê, nâng cao chất lượng thành phẩm, thay vào đó lại lấy lượng bù chất, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê thô, khai thác không đúng cách và vắt kiệt nguồn tài nguyên đất đai mà nước ta may mắn có được.
Rồi chính điều đó lại tác động ngược lại đến phân phối và tiêu dùng, thương hiệu không đủ mạnh, không được bảo hộ pháp lý đầy đủ để rồi bị nước khác lấy mất. Nếu chúng ta không suy nghĩ và hành động khác đi thì cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn tiếp diễn.

Để khắc phục thực trạng hiện nay, chúng ta cần nhận thức đúng về thứ cà phê mình đang uống, về tác hại đối với kinh tế đất nước lẫn sức khỏe của bản thân, về những cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành cà phê, nhận thức đúng rằng chất lượng là mũi nhọn để có thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Chỉ thế không thôi thì vẫn chưa đủ, nhận thức đúng để đi đến hành động đúng. Nhưng những sinh viên kinh tế thì có thể làm được gì để tác động đến một vấn đề có tầm vĩ mô như vậy? Vậy sao chúng ta không thử bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên sự khác biết lớn như việc thay đổi thói quen tiêu dùng cà phê “bẩn” sang cà phê “sạch” chất lượng, dành nhiều sự quan tâm hơn cho các thương hiệu cà phê Việt, đóng góp ý tưởng hoặc khởi nghiệp kinh doanh cà phê hay các mặt hàng hỗ trợ khác chẳng hạn.

Táo bạo hơn nữa là trở thành một nông dân trồng cà phê, đừng tưởng rằng như vậy sẽ phí hoài bao năm đèn sách, nông dân thế kỉ 21 cần những kiến thức về kinh tế hơn bao giờ hết, ở các nước phương tây, nông dân không phải là những người chân lấm tay bùn mà là những “phú nông”, những có người có óc kinh doanh và phong thái doanh nhân không kém gì các doanh nhân ở thành phố, họ có “công ty”, “thương hiệu” của riêng họ, họ phân phối sản phẩm không chỉ ở trong nước mà còn ra các châu lục. Nhưng điêu này Việt Nam mình hiếm hoặc “chưa” có. Nếu chưa, thì sao bạn không thử làm người dẫn đầu?

Bài viết này không khuyên bạn hãy làm những nghề có liên quan đến cà phê như nhân viên, chủ cửa hàng hay nông dân, tôi chỉ mong rằng các bạn có thể đánh giá đúng tầm của nền cà phê nước nhà. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, vì thế sân chơi này là của ta. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi ngành này có những thay đổi tích cực. Những người có trách nhiệm thay đổi nó chính là thế hệ trẻ chúng ta. Một ngày nào đó, thương hiệu Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến không chỉ với sản lượng lớn mà cả với chất lượng cao. Có thể lắm chứ, tại sao không?

Trần Hữu Phúc-Sifer
S Communications
www.uehenter.com