Hãy thử liệt kê 10 Trung tâm Anh ngữ mà bạn nghĩ đến trong vòng 1 phút: VUS, ILA, British Council, Cleverlearn, Apollo, Wall Street, Elite, AUSP, VATC, SEAMEO… Điều đó không quá khó phải không? Sự khó khăn thật sự mà bạn gặp phải đó là chọn lựa cho mình một trung tâm uy tín và phù hợp đối với những ai có điều kiện kinh tế hoặc tìm ra phương pháp học hiệu quả cho những ai không đủ điều kiện theo học ở trung tâm. Bài viết này chủ yếu hướng đến đối tượng thứ hai – những bạn không đủ điều kiện theo học ở trung tâm.
Bạn học không tốt Tiếng Anh.
Bạn học khá Tiếng Anh và muốn nâng cao trình độ.
Bạn không đủ điều kiện theo học ở trung tâm.
Bạn không biết bắt đầu từ đâu?
Hãy bắt đầu ngay tại vị trí bạn đang đứng. Nghĩa là, nếu bạn mất hoàn toàn những kiến thức căn bản, hãy bắt đầu học lại từ đầu. Nếu bạn đã ở trình độ khá, hãy tiếp tục cải thiện và nâng cao nó. Nói thật đơn giản, việc thực hiện và duy trì mới khó! Phương pháp ư? Hãy cụ thể hóa chúng và lần lượt thực hiện từng bước nhỏ. Ai cũng muốn nhanh cải thiện trình độ nhưng nếu không có phương pháp khoa học, bạn sẽ nhanh chóng nản chí và kết quả là, mọi thứ vẫn đứng im tại vị trí ban đầu.
Đối với những bạn mất kiến thức căn bản, tâm lý chính là vấn đề lớn nhất các bạn gặp phải.
1.“Sao các bạn của mình giỏi Tiếng Anh quá vậy?”
Bạn cũng muốn giỏi như vậy? Chỉ một bước tra Google, hàng loạt những bí quyết, kinh nghiệm học tốt Tiếng Anh xuất hiện. Bạn không cần chọn lọc hay sắp xếp, bạn đơn giản nghĩ chỉ cần học thật nhiều, bạn sẽ càng nhanh tiến bộ. Điều quan trọng duy nhất mà các bạn lãng quên đó là mình không có kiến thức căn bản. Những bí quyết đó chỉ phù hợp với những bạn có trình độ khá trở lên.
2. Bạn lo ngại sẽ bị chê cười.
Hơn ai hết, bạn biết được những kiến thức này đã từng học qua. Vấn đề duy nhất là bạn không nhớ được chúng như thế nào. Và thế là bạn ngại ngùng khi hỏi và nhờ họ giảng lại cho mình. Bí quyết đơn giản để khắc phục tâm lý ngại ngùng đó là hãy học lại và nghe giảng từ những người bạn thân của mình: “Học thầy không tày học bạn”.
Vậy đâu là phương pháp thích hợp? Ôn lại lý thuyết và làm bài tập từng thì trong Tiếng Anh. Sau khi đã ôn và luyện tập riêng từng thì, bạn hãy tiếp tục làm bài tập tổng hợp để nâng khả năng nhận biết và ghi nhớ thêm lần nữa lý thuyết, đồng thời đây cũng là lúc giúp bạn rút ra những lưu ý quan trọng. Đó chính là bí quyết đạt điểm tuyệt đối bạn nhé! Ôn được các thì trong Tiếng Anh là bạn đã giải quyết được một phần quan trọng rồi! Đương nhiên, còn những phần ngữ pháp quan trọng phía sau: Các mệnh đề (mệnh đề quan hệ, mệnh đề “if”…), các dạng câu (câu hỏi đuôi, câu tường thuật…)… nhưng đó không hẳn là vấn đề lớn nếu bạn “bước” qua được các thì. Song song với việc ôn tập ngữ pháp, bạn đừng bỏ qua việc học từ vựng. Hãy chậm rãi bắt đầu từ những từ xuất hiện trong bài đọc, bài tập,… và ôn tập thường xuyên.
Với những bạn mất kiến thức căn bản là vậy, còn những bạn học khá thì sao? Xác định cách thức nâng cao kĩ năng có lẽ là việc gây ra khó khăn cho bạn.
Đối với những bạn học khá, bạn thông thường yếu ở một hay hai kỹ năng: kỹ năng nói, kỹ năng nghe. Lý do dễ hiểu cũng chỉ vì khi học ở phổ thông hay trung học cơ sở, các bạn chỉ được chú trọng cho việc luyện ngữ pháp. Vì vậy, khi đụng tới kỹ năng nghe hay nói, các bạn thường rất ngại. Đây cũng là tâm lý dễ hiểu! Vậy chúng ta nên bắt đầu luyện nghe và nói như thế nào để đạt hiệu quả?
1.Kỹ năng nghe
Hãy nghe những đoạn video hay ghi âm ngắn. Ban đầu, bạn phải tốn nhiều thời gian khi phải nghe đi nghe lại nhiều lần, thậm chí kể cả vậy, bạn cũng không hiểu hết hoàn toàn nội dung của chúng. Điều đó không phải là vấn đề với điều kiện bạn hết sức tập trung và ghi chú lại sau mỗi lần nghe. Bạn chưa “chuyên nghiệp” mà! Chắc chắn bạn không thể chỉ ngồi nghe mà nhớ được nội dung của chúng!
Duy trì thói quen tốt này sẽ giúp bạn ngày một cải thiện hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể xem phim, nghe nhạc, xem tin tức bằng Tiếng Anh. Lưu ý, bạn nên xem những bản chưa có phiên dịch Tiếng Việt để rèn kỹ năng nghe.
2.Kỹ năng nói
Đến với kỹ năng nói, ắt hẳn bạn phải luyện thêm khả năng “tự xóa bỏ sự ngại ngùng”. Chúng ta chỉ quen với việc viết trên tập, làm trên giấy nên khi phải nói, lúng túng, ngại ngùng, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Tự tin bạn nhé! Chắc chắn không một ai từ chối giúp đỡ hay chê cười nếu bạn có thiện chí học tập và cải thiện.
Thông thường, trong văn nói, người ta đa phần dễ dàng bỏ qua những lỗi sai về ngữ pháp. Vì vậy, đừng quá tốn nhiều thời gian hình thành nên câu bạn nhé! Hãy bắt đầu nói từ những câu đơn để dễ dàng bắt chuyện trong một cuộc hội thoại. Đừng tự làm khó mình bằng những câu ghép như trong văn viết. Khi chưa nghe rõ, bạn có thể nhờ họ lặp lại hay giảm tốc độ nói để bạn theo kịp câu chuyện, đừng cố gắng tiếp tục khi bạn không hề hiểu bất cứ điều gì.
Văn hóa phần nào phản ánh qua ngôn ngữ của từng quốc gia. Bạn hãy để ý xem, văn hóa cũng thay đổi theo thời gian, vậy lẽ nào ngôn ngữ không thay đổi? Điều quan trọng mà mỗi người khi học ngoại ngữ cần ghi nhớ đó là: “Phải duy trì thói quen học ngoại ngữ mỗi ngày dù trình độ của bạn đang ở mức nào đi chăng nữa”.
Luhana
S Communications
www.UEHenter.com