Chắc hẳn khi có ý định tham gia bất cứ CLB-Đội-Nhóm nào, ai trong chúng ta cũng tìm hiểu trước về lĩnh vực hoạt động của nó, cách thức tổ chức, cách sinh hoạt, làm việc… có phù hợp với bản thân và sở thích không. Tuy nhiên, để các Cộng tác viên (CTV), Thành viên (TV) hiểu rõ hơn về quá trình thành lập, thành tích đã đạt được và những định hướng của nhóm, bộ phận Nhân sự (HR) của Nhóm Truyền thông sinh viên đã tổ chức buổi training S01. Một điểm đặc biệt trong buổi training là ngoài việc biết thêm thông tin về nhóm, các CTV và TV có cơ hội học được kĩ năng phát triển bản thân và kĩ năng làm việc nhóm vô cùng bổ ích.
Được thành lập vào ngày 14/9/1999, ban đầu, nhóm có tên là Sáng tác sinh viên. Tuy nhiên, với việc tái định vị, nhóm có một số thay đổi. Là một CTV, TV của nhóm bạn cần nắm được những thông tin cơ bản sau:
Tên nhóm: S Communications.
Tên hành chính: Truyền thông sinh viên.
Tên viết tắt: Scoms.
Slogan: Đoàn kết- Chuyên nghiệp- Sáng tạo
Mở đầu S01 là phần giới thiệu tổng quan về nhóm của chị Dung-phó nhóm tổ chức
Sứ mệnh của nhóm là cầu nối thông tin giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với nhà trường, là đại diện cho tiếng nói của sinh viên UEH và đặc biệt là nơi để sinh viên rèn luyện và học hỏi.
Tiếp theo sau phần khái quát chung về nhóm là việc giới thiệu cụ thể về từng bộ phận/ekip: giới thiệu về trưởng bộ phận/ekip, số lượng TV, CTV, sứ mệnh và những sản phẩm nổi bật. Sau phần giới thiệu về nhóm là tới lúc “thay đổi không khí” bằng những trò chơi hết sức thú vị và làm tăng khả năng đoàn kết, hiểu lẫn nhau giữa các TV, CTV.
Ngày nay, yêu cầu của những nhà tuyển dụng tại các công ty, doanh nghiệp ngày càng cao. Họ muốn tuyển những người không những có trình độ mà còn phải được trang bị kĩ năng. Hiểu được điều đó, anh Trần Chí Thiện-cựu TV của nhóm đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm, kĩ năng mà anh đã rút ra được trong quá trình học tập và cuộc sống cho các bạn TV, CTV của nhóm Truyền thông sinh viên.
Ngay từ đầu buổi, anh đã hướng dẫn cách để tận dụng tốt buổi học. Những việc nên làm là: Mindmapping, suy nghĩ, phát biểu, đặt câu hỏi và những việc không nên làm là nói chuyện riêng, sử dụng điện thoại. Kinh nghiệm này có lẽ không chỉ dừng lại ở việc áp dụng trong buổi học kĩ năng mà còn được vận dụng ngay trên giảng đường Đại học và kể cả khi bạn học ở một trình độ cao hơn.
Kĩ năng anh giới thiệu đầu tiên là kĩ năng phát triển bản thân: tư duy tích cực, đặt mục tiêu và lập kế hoạch, quản lý thời gian. Tư duy tích cực có lẽ là cụm từ quen thuộc trong các buổi hướng dẫn kĩ năng. Nhưng bạn đã thật sự hiểu và áp dụng được sau khi đọc hết lý thuyết không? Tư duy tích cực là biết cách tập trung vào khía cạnh tích cực và hướng hành động để làm mọi chuyện tốt hơn. Vậy làm sao có thể thực hiện được là điều mà ai cũng muốn biết. Bằng cách trích dẫn một số câu nói theo hướng tư duy tích cực của những người nổi tiếng: “Whether you think you can, or you can’t, you’re right” (Henry Ford), “A person who never made a mistake never tried anything” (Einstein), anh Thiện đã nêu ra một số cách cơ bản để có được tư duy tích cực:
- Tin rằng số phận do mình tạo ra.
- Biết ơn những gì hôm nay mình có.
- Bao quanh những người tích cực.
- Hành động và hoạt động.
- Mỉm cười.
“Chúng ta là những gì chúng ta lặp đi lặp lại. Do đó sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen”. Câu nói đó đã phần nào nêu lên ý nghĩa của việc xác định mục tiêu và lập kế hoạch cho bản thân mình. Bạn cần nhận thức rõ đâu là thứ mình muốn và có những kế hoạch, hành động cụ thể cho mong muốn của mình.
Một kĩ năng hết sức cần thiết không chỉ trong học tập, làm việc mà cả trong cuộc sống mà mỗi người cần có đó là quản lý thời gian. Anh Thiện đã chia sẻ kĩ thuật Pomodoro để quản lý thời gian. Đầu tiên, bạn sẽ chọn một công việc cần làm, tiếp theo là đặt Pomodoro. Khi hết thời gian là 45 phút, Pomodoro sẽ reng lên, lúc đó bạn sẽ nghỉ ngơi 5 phút và đánh dấu tick nếu công việc đã được hoàn thành. Và cứ hoàn thành 4 Pomodoro thì bạn sẽ nghỉ khoảng 30 phút. Đây là cách quản lý thời gian khá hiệu quả mà các bạn cũng nên thử áp dụng.
Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi sự khác nhau giữa từ “team” và “group” là gì chưa? Mặc dù khi dịch sang tiếng Việt cả hai từ đều mang ý nghĩa là đội/nhóm nhưng chúng có sự khác nhau mà mỗi chúng ta cần hiểu rõ. “Group” là một nhóm hình thành nên do có cùng sở thích, tự phát… trong khi đó mỗi người trong một “team” luôn có mục tiêu chung, có sự tương tác qua lại với nhau. Trong một “team” luôn có cách tổ chức và phân công vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên một cách rõ ràng.Để làm việc nhóm một cách hiệu quả, điều đầu tiên bạn cần luyện tập là biết lắng nghe. Tưởng chừng đây là điều dễ dàng nhưng không phải chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận bằng thính giác là bạn có thể đạt được kết quả làm việc nhóm như mong muốn đâu. Bạn cần phải kết hợp:
- Ear (to hear).
- Eyes (to see).
- Mind (to think).
- Heart (to feel).
- Undivided attention (to focus).
Phương pháp khi làm việc nhóm là biết chọn cách tổ chức, biết phối hợp một cách phù hợp. Mỗi nhóm cũng cần đặt ra luật lệ riêng và nghiêm túc thực hiện.
Một yếu tố quan trọng góp phần tạo ra hiệu quả khi làm việc nhóm là chọn ra được một người có khả năng làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng chưa hẳn đã là người giỏi nhất nhưng phải đảm bảo là người biết cách tổ chức nhóm (đặt ra quy tắc, sắp xếp việc, đảm bảo sự thống nhất, thông đạt ý kiến của các thành viên trong nhóm), có trách nhiệm theo dõi (tiến độ công việc, đánh giá hiệu quả, đưa ra những thay đổi, điều chỉnh khi cần thiết) và biết cách động viên các thành viên trong nhóm mình.
Cuối buổi hướng dẫn kĩ năng, anh Thiện có chia sẻ thêm hai câu nói vô cùng ý nghĩa: “Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trở nên xuất sắc” và “Nếu bạn không cứng rắn với chính mình, cuộc sống sẽ xô đẩy bạn đi”.
Buổi training S01 chắc hẳn đã đem đến cho các bạn một số kĩ năng cần thiết trong việc học tập và công việc sau này.
Cùng chờ đợi buổi training S02 nhé!
Luhana
www.UEHenter.com
S Communications