Vào chuyên ngành không như ý, có đáng sợ như bạn nghĩ?

Chắc hẳn câu hỏi này là nỗi băn khoăn của rất nhiều bạn khi đứng trước việc chọn chuyên ngành, chọn một con đường cho tương lai của mình. Nó dần trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khi bạn nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc với một công việc nhàm chán và buồn tẻ. Nhưng đừng sợ, mình có thể chắc chắn rằng, vào không đúng chuyên ngành như mong muốn, không đáng sợ như bạn tưởng.

Một chuyên ngành không như mong muốn, đó là….?

Đó là việc bạn theo học một ngành mà bạn không thích, cảm thấy không hứng thú và không đam mê. Điều này đối với bạn sẽ giống như một án tử hình bởi vì bạn sẽ phải đổ thời gian, công sức và tiền bạc đầu tư chuẩn bị cho một công việc chắc chắn nhàm chán đối với bạn trong tương lai. Và, chắc hẳn bạn cũng biết rằng, đối với một công việc nhàm chán thì bạn sẽ không bao giờ có thể làm việc ấy tới cùng.

Bạn ở trong tình cảnh đó, tại sao ?

Lý do thì rất nhiều, nhưng quy lại thì có thể thấy được các lý do chính sau đây:

Thứ nhất, chuyên ngành bạn chọn không thật sự là lựa chọn của bạn. Bạn có bao giờ rơi vào tình cảnh khi bạn quyết định điều gì đó, chẳng hạn chọn trường cấp 3 hay đại học, bạn lại nhìn vào vẻ mặt của những người thân, đặc biệt là ba mẹ bạn để mà quyết định? Có rất nhiều bạn chỉ vì không muốn ba mẹ giận, buồn hay thất vọng nên thường làm theo ý kiến của ba mẹ mình, bất chấp hậu quả. Để rồi một ngày lại nhận ra chính bản thân mình kết thúc trong sự chán nản và tuyệt vọng vì những lựa chọn người khác đưa ra.

Ở đây, mình sẽ không đổ lỗi cho ba mẹ bởi vì ba mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta. Và tất yếu, ba mẹ cho rằng họ hiểu con của họ. Tuy nhiên, hơn ai hết, chỉ bản thân chúng ta mới biết mình thích gì thôi.

Thứ hai, bạn vào ngành đó chỉ đơn thuần vì bạn không đủ điểm để vào chuyên ngành bạn thích. Có nhiều bạn trong thời gian chọn chuyên ngành thường chỉ quan tâm nhiều đến nguyện vọng đầu và ít chú trọng những nguyện vọng còn lại, bởi vì chúng chỉ là những phương án dự phòng mà các bạn mong sẽ không bao giờ xảy ra. Điều đó dẫn đến việc tất yếu là bạn sẽ chọn ngẫu nhiên những nguyện vọng khác ngoài nguyện vọng đầu, hay một số bạn thậm chí còn chọn những nguyện vọng an toàn, đề phòng khi nguyện vọng đầu có bị tràn thì các bạn ấy vẫn có một ngành để học. Khi điều ấy xảy ra, bạn học những “nguyện vọng” bạn cho là an toàn nhưng lại nhận ra bản thân lại không yêu thích chúng. Vì thế, đối với các bạn đang chọn chuyên ngành, mình có một lời khuyên; sau khi chọn xong nguyện vọng một, công việc tương lai mà bạn thích làm nhất, thì hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ tiếp xem liệu nếu mình không làm việc đó, thì công việc tiếp theo mình thích làm sẽ là gì? Hãy suy nghĩ thật kỹ, hình dung ra môi trường làm việc cũng như con người mà bạn sẽ gặp, những người mà bạn sẽ làm việc cùng; sau đó mới quyết định những chuyên ngành tiếp theo mà bạn có thể chọn là chuyên ngành nào. Việc này tuy đơn giản nhưng vô cùng quan trọng bởi vì trong trường hợp xấu nhất, bạn vẫn có thể mỉm cười với những nguyện vọng phụ mà bạn đã chọn.

Không đáng sợ như bạn tưởng !

Sự lựa chọn cũng có cái giá của nó. Nếu như từ lâu bạn đã có kế hoạch chiến lược phát triển bản thân, hay nói một cách khác “bạn nhìn thấy tương lai của mình” – bạn muốn làm gì, bạn muốn là ai, bạn sẽ có cuộc sống như thế nào – thì sự lựa chọn đối với bạn sẽ là một cơ hội.

Nhưng còn ngược lại, nếu bạn còn thiếu kế hoạch cho bản thân, thiếu mục tiêu cuộc đời, như một con thuyền mất phương hướng giữa đại dương mênh mông, thì mỗi ngã rẽ, mỗi sự lựa chọn điều thật khủng khiếp. Bởi vì khi bạn chọn thứ này, bạn đã đánh đổi nó với những thứ khác. Đó luôn là quy luật, kể cả trong kinh tế, “chi phí cơ hội” giá trị lớn nhất của những cơ hội bị bỏ qua khi so với cơ hội đã chọn. Và liệu cơ hội, chuyên ngành mà bạn lựa chọn có thỏa mãn bạn nhiều nhất khi mà mọi nguồn lực của bạn đều khan hiếm: thời gian, tiền bạc, công sức,…Như vậy, bạn đã biết nỗi sợ của bạn bắt đầu từ đâu chưa? Đó là sự không chắc chắn, mơ hồ về tương lai; và nếu như bạn là người đang rơi vào tình trạng này, thì bạn sẽ làm gì? Nỗi sợ giúp bạn nhận biết những nguy hiểm bạn đang đối mặt nhưng cũng đồng thời cản trở bạn đương đầu với những nguy hiểm đó. Nếu bạn sợ rằng ngành mình học không phù hợp, thì đừng sợ, và cũng đừng hối tiếc với sự lựa chọn của mình. Vì trong lúc bạn đang sợ và hối tiếc, bạn đang tự cản trở bản thân tiến lên, tìm hiểm, khám phá, và nghiên cứu nhiều hơn về ngành mà mình chọn, kể cả những ngành mà bạn mơ ước. Có thể bạn không để ý, nhưng sự thật là hầu hết những chuyên ngành trong trường Đại học Kinh Tế đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng đều được tạo ra từ những nền tảng cơ bản nhất trong kinh tế học. Chưa kể, những điều bạn học không bao giờ lãng phí cả, mọi sự chuẩn bị cho tương lai lúc nào cũng có phần thưởng.

Một ví dụ điển hình là câu chuyện của Steve Jobs – vị lãnh đạo tập đoàn công nghệ Apple – từng dự thính một lớp học “viết chữ đẹp” mà nhờ đó, ông đã cho ra một hệ điều hành nổi tiếng với đồ họa và font chữ đẹp. Như vậy, mọi kiến thức dù có nhỏ nhoi cũng có giá trị riêng, chỉ có điều là bạn chưa thể nhìn thấy liền được giá trị đó mà thôi. Giải pháp tốt nhất cho nỗi sợ vào sai chuyên ngành là bạn sẽ phải tìm được động lực để học tốt ngành đã chọn. Bạn sẽ phải lên kế hoạch cuộc đời (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn), tìm thấy mục tiêu sống, và hình dung công việc lý tưởng bạn sẽ làm, thật chi tiết. Sau đó, hãy liên kết chúng với ngành bạn đang học; những môn học nào của ngành sẽ hỗ trợ công việc mà bạn mơ ước, hãy để nó là ưu tiên hàng đầu; ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký học hai chuyên ngành, hoặc học văn bằng hai, hay chỉ đơn thuần là vào giảng đường khác chuyên ngành ngồi nghe giảng. Trong trường hợp, bạn vẫn chưa thật sự hiểu rõ bản thân mình muốn gì, thì bạn cần tĩnh tâm lại, quan sát bản thân nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn các ý kiến từ bạn bè, hãy tham gia các câu lạc bộ đội nhóm, đừng để mình bị cô lập, mà hãy hòa đồng và chia sẽ để nhận được sự giúp đỡ từ đàn anh đàn chị. Một cách nhanh chóng, bạn sẽ nhận ra rằng chọn nhầm ngành không đáng sợ như bạn nghĩ.

Cuộc sống là vô vàn sự lựa chọn, và mỗi sự lựa chọn lại dẫn những kết quả khác nhau. Không có sự lựa chọn sai lầm, chỉ là sự lựa chọn đó có đưa bạn đến cuộc sống mà bạn mơ ước hay không. Nếu câu trả lời là không, thì bạn hãy chọn lại; đừng tin vào số phận; bởi số phận không được viết sẵn mà do chính bạn tạo ra. Hãy chọn lựa khôn ngoan và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho sự lựa chọn đó, bởi “Thành công trong việc chuẩn bị là chuẩn bị để thành công”.

Đình Thanh
www.uehenter.com
S Communications