Xin Thưa Hai Mươi

Nhắc đến tuổi trẻ, có lẽ người ta thường nghĩ đến nhiệt huyết, cháy bỏng và hằng hà sa số các tính từ tuyệt vời khác. À, tuổi trẻ nghe có vẻ “được” nhiều một cách lạ lùng. Thế quy luật đánh đổi có khiến cho tuổi trẻ “mất” đi thứ gì không?
 

Hẳn lại hai chữ “tuổi trẻ” ấy có sức mạnh lớn lao lắm, thế nên con người bao nhiêu thế hệ trôi qua mà vẫn cứ đau đáu làm sao cho kéo dài hai chữ ấy càng lâu càng mừng. Nhưng đó là cái tuổi-không-già, trẻ ở đây là một thứ gì đó rất khác (…) Hẳn là, tôi vẫn còn là một người trẻ, háo hức chen chân vào đời chẳng kém một đứa trẻ tò mò với những trò chơi trẻ con. Và háo hức đến nỗi chẳng thèm nhận ra đằng sau trò chơi ấy, vẫn không ít “ông kẹ” đang đợi chờ trong hốc tối, sẵn sàng nhảy bổ ra ngáng chân khiến bạn sợ hãi, trầy trụa và khóc ré lên.

Lúc này và quá khứ, bạn cũng thế cả thôi. Dù là con trẻ hay người lớn, bạn cũng háo hức y như vậy, khám phá trò chơi gọi là “trải nghiệm tuổi trẻ” bằng mọi thứ mình có. Nhưng những ông kẹ mang tên “thất bại” và “tổn thương” chẳng bao giờ thương bạn đâu. Khi ấy, chúng ta òa khóc thật to, rồi lại đứng lên và theo đuổi trò chơi cám dỗ ấy? Khi nào thì kết thúc? Lúc nào rồi sẽ đến cuối cuộc chơi?

Tôi đã từng nghe một cô bạn than vãn, đại loại sau một cuộc tình lâm ly mà có lẽ tôi sẽ viết được cuốn tiểu thuyết cũng nên, rằng cô ấy đã trải qua mọi khoảnh khắc và cảm xúc của cuộc đời. Và đáng buồn thay, cô ấy chẳng mấy vui vẻ với những trải nghiệm đủ mọi hay ho ấy. Lúc đó, tôi chỉ muốn bật cười mà bảo rằng: “Xin thưa, cô trẻ ạ, cô nói cô đã thấu đời, thấu người rồi. Cô đã trải qua cảm giác cầm trên tay đồng tiền do chính mình làm ra chưa? Cô đã bao giờ cảm nhận niềm vui khi mang đến nụ cười cho người khác không? Cô đã báo hiếu cho cha mẹ chưa?. Và hơn hết, cô đã biết làm vợ, làm mẹ nó tròn méo ra sao không?”

À, thực ra bấy nhiêu điều đó, tôi vẫn chưa trải qua hết đâu. Kiếp người ngắn dài chẳng rõ, cũng không thể đẩy nhanh tiến trình ấy chỉ trong hai mươi năm ngắn ngủi được. Thế nên tôi sợ tuổi già vô cùng. Không hẳn là già thì phải đối mặt với dấu chấm kết thúc con đường làm người, mà chẳng qua, nhiều khi bao nhiêu ước vọng tuổi trẻ mà tuổi già không sao gánh trọn trên vai. Tôi chỉ sợ đến ôm đồm quá nhiều, thì có mỏi mệt và phải bỏ buông hay không? Mà đã bỏ buông thì có phải tiếc nuối và cứ mãi nhắc hoài câu cũ kỹ đầy ngán ngẩm: “Giá như…”?

Tôi có nên đắn đo mà bỏ lại một vài ước mơ nhỏ bé hay không?

Tôi có nên ngần ngại lao vào một cuộc chơi nhiều rủi ro không?

Người trẻ, cố nhiên rất cố chấp với cái tôi to đùng. Mà nhiều khi, to đến nỗi choáng hết cả trái tim và trí óc, để mặc nhiên cho rằng điều hoang đường ấy là sự thật, chẳng thể khác hơn.

Đến khi nào ta mới nhận ra giá trị thực sự của tuổi trẻ?

Người ta nói khi còn trẻ cứ làm mọi điều mình thích, thành công thì tốt, mà thất bại cũng chẳng sao. Tôi cứ nghĩ mãi về điều ấy. Khi ta cho đi điều gì cũng là lúc ta… mất đi điều ấy. Có phải quá thực dụng và toan tính không? Chỉ là, tôi nghĩ liệu cái giá cho những lầm lỗi, sai trái, thất bại có luôn đáng giá để chúng ta chấp nhận? Bạn có thể cho rằng tôi “gan không đủ lớn”, nhưng trước khi dấn thân vào bất cứ chuyện gì bằng tất cả sự đắn đo, thận trọng và một chút niềm tin bảo đảm, bạn sẽ tránh được cú sẩy chân đau đớn, rồi lại phải đứng lên bằng con tim trầy trụa. Xước xát sẽ làm người ta lớn. Nhưng quá nhiều xước xát, thì không chỉ đau, mà là mất cả cảm giác đau. Rỗng.

Tôi đã từng cảm thấy cuộc sống là những chuỗi ngày nhạt thếch

Tôi đã từng trao hết ruột gan cho người khác.

Tôi đã từng tổn thương. Vụn vỡ.

Sau bao nhiêu nứt nẻ xanh xác ấy, tôi chợt nhận ra rằng nếu tôi biết suy nghĩ, đắn đo trước những điều mình đã làm, có lẽ tôi sẽ không phải hứng chịu cái giá của sự vội vàng mà tôi cho rằng “sống hết mình vì trái tim trẻ”. Tôi học ra được điều gì sau những thất bại đắng nghẹn ấy? Tôi học được giữa cống hiến vô tư và ngu ngốc thực sự cách nhau rất xa.

Tôi cũng chỉ là một cô gái vừa đi qua một phần tư cuộc đời, nên rõ là, suy nghĩ của tôi lúc này và một-tôi-sau-này cũng chẳng hề giống nhau. Gặp sóng gió, thì lòng người cũng sẽ thay đổi dù ít hay nhiều. Tôi nghĩ, sau bao điều hào nhoáng của tuổi trẻ mà không ít người đã ngợi ca, tôi muốn nhìn nhận thứ tuổi trẻ ấy như một “phần tối của Mặt trăng”. Bởi nhìn điều gì quá tuyệt vời thì ta lại mảy may bỏ quên những góc cạnh xù xì vẫn luôn tồn tại.

Tôi chẳng dám xem cuộc đời là bức tranh màu hồng, nhưng cũng không chỉ có một màu xám xịt đáng buồn, mà là bao nhiêu màu trộn của tận cùng sự ngẫu hứng. Một bức tranh đủ mọi gam màu lẫn lộn, vui lẫn buồn, nước mắt lẫn nụ cười, ngọt ngào và cả chát nghét đầu lưỡi, âm u và cả sáng rực, chẳng phải tuyệt vời hơn sao?

Thôi thì, thay vì cứ cố sống theo con đường định sẵn nào đó, cứ sống tốt và yên an từng ngày, vì thế là tuổi trẻ rồi.

Giang Gờ

S Communications

www.UEHenter.com