Xuân quê hương

Mỗi mùa trong năm đều có những sắc màu đặc trưng riêng. Đối với mùa xuân, đây có lẽ là lúc màu sắc rực rỡ nhất khiến cho không khí trở nên vui tươi hơn hẳn. Cùng nhau khám phá một số màu sắc không thể thiếu trong ngày Tết bạn nhé!

Nhắc đến xuân, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta là sự đâm chồi, nảy lộc của những mầm non và sự nở rộ khoe sắc của các loài hoa. Một trong những loài hoa không thể thiếu và đặc trưng cho miền Nam đó là hoa mai. Mai có nhiều loại nhưng người ta thường trưng những cây có hoa màu vàng làm cho căn nhà trở nên sáng hơn và mang lại cảm giác ấm cúng, sum họp trong gia đình. Chọn mai trưng trong ngày Tết và không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, khi chọn mai, người ta thường lưu ý đến một vài đặc điểm cơ bản như: các nhánh trên một gốc mai, bông rải đều, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú…

Nếu mai là loài hoa đặc trưng cho ngày Tết ở miền Nam thì người miền Bắc lại thường mua những cành đào về trưng trong những ngày đầu xuân. Không mang sắc màu rực rỡ như mai, hoa đào thường có màu hồng nhạt hài hòa với không khí lạnh tại vùng đất thích hợp cho sự phát triển của nó. Từ xưa đến nay, mọi người vẫn thường tin rằng hoa đào không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới.

Nhắc tới sắc màu ngày xuân thì không thể bỏ qua màu đỏ- vốn được tôn vinh là màu của sự may mắn. Không biết chính xác từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi từ đó đến nay vẫn đuợc mọi người lưu truyền. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết, đồng thời cũng mừng tuổi khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Sắc màu đỏ của những bao lì xì cùng tấm lòng chân thành của người mừng tuổi sẽ mang lại may mắn cho người nhận.

Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Ý nghĩa chính không nằm ở số lượng tiền nhiều hay ít mà là thông điệp gửi tới người nhận: con cháu chúc ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, ông bà mong con cháu học tập tốt, thành đạt trong sự nghiệp…

Dân gian ta có câu:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Ngay từ thời xa xưa, bánh chưng đã được mọi người xem là lễ vật truyền thống để dâng cúng tổ tiên vào dịp lễ Tết nhằm bày tỏ lòng kính trọng, “uống nước nhớ nguồn”. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Cho đến nay, gói và nấu bánh chưng vẫn được duy trì và phát triển. Cứ mỗi dịp Tết đến, làng Tranh Khúc lại “tất bật vào vụ Tết”. Người dân làng Tranh Khúc chia sẻ nghề làm bánh chưng ở làng đã có từ lâu, không xác định cụ thể được là khi nào chỉ biết là cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác. Sắp đến Tết, nhà nhà đều tràn ngập sắc xanh của lá dong, mùi thơm và bùi của đậu xanh, thịt lợn.

Cùng nhau đếm ngược đến ngày sắc xuân lan tỏa bạn nhé!

Luhana
www.UEHenter.com
S Communications